06/07/2024 - 13:02

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn và “Đàn sáo Hậu Giang” 

“Trần Long Ẩn - tiếng hát từ mặt trời và ánh lửa” là chương trình do Sở Văn hóa - Thể thao, Hội Âm nhạc và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh vừa phối hợp tổ chức. Những khúc ca tự hào của vị nhạc sĩ tài hoa được ngân lên, mang lại nhiều xúc cảm đặc biệt.

“Tiếng hát từ mặt trời và ánh lửa”

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn năm nay tròn 80 tuổi, nguyên là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Ông là một trong những cánh chim đầu đàn của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” vào những năm 1970. Hơn nửa thế kỷ sáng tác, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã ghi đậm dấu ấn với hơn 100 ca khúc, thuộc nhiều chủ đề và phong cách âm nhạc.

Bản nhạc “Đàn sáo Hậu Giang” đăng trên báo Tiền Phong số 25, ngày 19-6-1979. Ảnh chụp màn hình

Trong đó, mảng ca khúc ngợi ca quê hương, hun đúc tinh thần yêu nước của nhạc sĩ Trần Long Ẩn được nhiều thế hệ người yêu nhạc mến mộ. Nhắc đến âm nhạc của ông, hẳn nhiều người thuộc nằm lòng những bài hát rất hay: “Một đời người một rừng cây”, “Tình đất đỏ miền Đông”, “Mừng tuổi mẹ”, “Đêm thành phố đầy sao”, “Đi qua vùng cỏ non”, “Xin làm người hát rong”... Ca từ trong âm nhạc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn gần gũi mà nhiều triết lý, hòa quyện trong những giai điệu âm nhạc tình tự, bay bổng. Nhớ mãi những câu hát như châm ngôn sống: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng. Gian khổ sẽ dành phần ai?” (“Một đời người một rừng cây”), “Mỗi mùa xuân về, mẹ thêm tuổi mới. Mỗi mùa xuân mới, con mừng tuổi mẹ” (“Mừng tuổi mẹ”)…

Đặc biệt, không thể không nhắc đến ca khúc “Người mẹ Bàn Cờ” được nhạc sĩ Trần Long Ẩn phổ từ thơ Nguyễn Kim Ngân. Đó là câu chuyện về “Bà má phong trào” ở Bàn Cờ (TP Hồ Chí Minh), một người phụ nữ yêu nước, cả đời cống hiến cho cách mạng, hoạt động bí mật, gầy dựng và phát triển cơ sở cách mạng trong nội đô, tham gia công tác vận động phụ nữ hoặc làm giao liên công khai từ nội đô Sài Gòn ra chiến khu. Để rồi từ hình ảnh: “Có người mẹ Bàn Cờ. Tay gầy tóc bạc phơ. Chuyền cơm qua vách cấm. Khi ngoài trời đổ mưa”, tác giả đã phổ quát hóa thành hình ảnh: “Người Việt Nam Bàn Cờ. Tình Việt Nam như tơ. Có người mẹ Bàn Cờ…”. Bài thơ hay được nhạc sĩ Trần Long Ẩn chắp cánh những giai điệu đẹp, làm nên ca khúc bất hủ.

“Đàn sáo Hậu Giang”

Trong gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, có một ca khúc rất hay viết về vùng đất Cần Thơ - Hậu Giang, chính là ca khúc “Đàn sáo Hậu Giang”. Giai điệu ngọt ngào, mang phong cách dân ca Nam Bộ cùng ca từ đậm chất thơ, ca khúc được rất nhiều thế hệ yêu thích. Ca khúc như lời mời gọi: “Đời vui sáo bay gọi bầy. Về miền Tây thăm đất Hậu Giang”. Để rồi từ cảnh sắc Hậu Giang đẹp mộng mơ, nhạc sĩ Trần Long Ẩn xúc cảm: “Vinh quang chín nhánh sông quê mình. Cần Thơ gạo trắng nước trong là đây”. Còn với tình người Cần Thơ - Hậu Giang, nhạc sĩ tài hoa ngợi ca: “Vì nhau cắn đôi hạt gạo”.

Về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này, nhiều người giới thiệu được nhạc sĩ sáng tác vào năm 1976. Quá trình sưu tầm, chúng tôi phát hiện ca khúc này được in trên tờ báo Tiền Phong số 25, ngày 19-6-1979. Bên dưới tựa đề “Đàn sáo Hậu Giang”, nhạc và lời Trần Long Ẩn, phần Lời tòa soạn giới thiệu: “Nhạc sĩ Trần Long Ẩn trưởng thành từ phong trào đấu tranh cách mạng chống Mỹ, ngụy của tuổi trẻ các tỉnh phía Nam. Tại cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc khu vực IV ở Hậu Giang vừa qua, sáng tác mới của anh: Đàn sáo Hậu Giang, đậm đà chất liệu dân ca Nam Bộ, được tiếng hát xung kích của tuổi trẻ thành phố mang tên Bác đưa lên sân khấu và được hoan nghênh”.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết