14/07/2019 - 07:47

Nhạc công trẻ - những người thầm lặng 

Một tiết mục biểu diễn trên sân khấu, khán giả thường thích thú khi ca sĩ hát hay, cảnh trí hoành tráng… nhưng đôi khi quên mất vai trò của nhạc công - những người thầm lặng góp tiếng đàn cho nghệ thuật thăng hoa. Ðiều đáng vui là ngày càng có nhiều người trẻ chọn theo học các loại nhạc cụ, nhất là nhạc cụ truyền thống.

Lớp dạy đàn tranh miễn phí của Trương Tài Linh.

Cứ chạng vạng thứ sáu và Chủ nhật hằng tuần, căn phòng nhỏ ở Nhà văn hóa thiếu nhi quận Ninh Kiều lại ngân vang tiếng đàn tranh. Bỏ mặc những ồn ào, xô bồ ngoài kia, Trương Tài Linh, người thầy 26 tuổi và các học viên là học sinh tiểu học, THCS nắn nót từng cung nhạc, phím đàn. Lớp học hoàn toàn miễn phí. Thầy giáo Linh hiền lành nhưng khi dạy rất nghiêm khắc, đòi hỏi người học phải nghiêm túc, chú tâm. Bởi với Trương Tài Linh: “Đàn tranh không dành cho người nóng vội, ồn ào”.

Linh nói thêm, lớp học đàn tranh đã duy trì được năm thứ 2, quy mô lớp chỉ khoảng 10 học viên nhưng đó là những em yêu thích thực sự đàn tranh. Học viên Nguyễn Lan Anh nói: “Không biết sao em lại bị thu hút bởi tiếng đàn tranh mềm mại mà trong trẻo. Em cố gắng học để hiểu thêm về âm nhạc truyền thống”. Còn thầy giáo Trương Tài Linh thì nghĩ rằng, không hẳn các em của lớp học này sau này sẽ theo đàn tranh, điều quan trọng là các em đã hiểu, đã yêu và sẽ nhớ mãi về tiếng đàn quê hương.

Trương Tài Linh từng tốt nghiệp ngành Y, nhưng rồi vì đam mê đàn tranh mà rẽ con đường khác, học hành bài bản và truyền dạy cho những người cùng đam mê. Trương Tài Linh cùng các thân hữu từng tạo ra sân chơi đàn tranh rất thành công trên mạng xã hội. Tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2019, gian hàng giới thiệu âm thanh xưa do Trương Tài Linh đứng ra thực hiện, không lợi nhuận, tạo được tiếng vang. Ở đó, có tiếng đàn tranh thâm trầm, có tiếng máy hát dĩa xưa xưa, có những khung hình nghệ sĩ bạc màu… và có cả những ký ức ùa về.

Gần đây, trong các chương trình truyền hình thực tế và làng giải trí, ngày càng xuất hiện những nhạc công trẻ, có hướng đi riêng. Trương Nhật Hoàng (Hoàng Rob) là một ví dụ. Là một nhạc công violin, nhưng Hoàng không đi theo hướng hàn lâm, thính phòng mà chọn giới trẻ để tiếp cận theo hướng gần gũi nhất. Violin của Hoàng được hòa âm theo phong cách EDM, thể hiện những bài hát trẻ trung, thời thượng hiện nay. Đáng chú ý trong sự nghiệp của Hoàng là DVD hòa nhạc “Hừng đông” đã thực sự mang đến một cái nhìn mới cho khán giả về nhạc thính phòng. Trương Nhật Hoàng vinh dự nhận giải Nghệ sĩ mới của năm trong lễ trao giải âm nhạc Cống Hiến lần thứ 12-năm 2017. Nói về thành công của mình, Hoàng chỉ khái quát trong 3 từ: khác biệt, chăm chỉ và nghiêm túc.

Còn với “người đẹp sáo trúc” Huyền Trang, âm nhạc dân tộc khiến cô càng tìm hiểu sâu càng thấy tuyệt vời. Vốn theo học sáo flute - một nhạc cụ cổ điển phương Tây, nhưng bằng sự sáng tạo, Huyền Trang đã biến tấu tiếng sáo flute gần gũi với công chúng, nhất là giới trẻ bằng sự trẻ trung, sôi động. Cô dùng sáo flute chơi bài “Hồ thiên nga” theo cách riêng: tự thổi sáo, tự chơi beatbox, kết hợp ăn ý với DJ và dàn nhạc giao hưởng. Đặc biệt, năm 2015, Huyền Trang đã có màn “gá duyên” ấn tượng giữa bài dân ca “Inh lả ơi” với ca khúc “Radioactive” của nhóm Imagine Dragons, giúp cô về thứ Ba chương trình Asia’s Got Talent (Tìm kiếm tài năng châu Á).

Đúng như nhiều người nhận định, nghề nhạc công đòi hỏi sự trầm tính, lắng đọng và biết lắng nghe cung bậc cảm xúc. Nói như cố Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê về tiếng đàn trong Đờn ca tài tử: “Tiếng đờn chỉ hay khi người chơi biết thêm hoa thêm lá”. Tiếng đàn tinh tế đến nỗi, chỉ cần “chinh” nửa cung hay “mẻ” ¼ nhịp là người đàn và tri kỷ đã nhận biết, đã thấy còn khiếm khuyết.

Một nghệ sĩ trẻ bây giờ chơi nhạc cụ để tìm sự nổi tiếng hay kinh tế là khó; nhất là trong xu thế giải trí phần nhìn áp đảo phần nghe thì tiếng đàn lại trở nên lạc lõng hơn, đó là chưa nói đến sự lấn áp của âm nhạc điện tử; dù ai cũng biết, nền tảng của một nền âm nhạc vẫn là khí nhạc bản địa và sự thích nghi với các nhạc cụ du nhập. Vậy nên, sự xuất hiện của những người trẻ đam mê và gắn bó với nhạc cụ là điều đáng trân trọng. Họ đã giúp âm nhạc Việt Nam đa sắc và hấp dẫn hơn.

Bài, ảnh: Ðăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết