19/02/2022 - 07:32

Nhà văn Lê Văn Nghĩa và di sản ký ức 

DUY KHÔI

Hội Nhà văn Việt Nam vừa trao giải thưởng văn học năm 2021 cho 4 tác phẩm xuất sắc, trong đó có tác phẩm "Mùa tiểu học cuối cùng" của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa (NXB Kim Ðồng ấn hành).

Tác phẩm “Mùa tiểu học cuối cùng” của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa.

Vốn là một cây bút trào phúng nổi tiếng của báo Tuổi Trẻ Cười, về hưu, nhà văn Lê Văn Nghĩa ra mắt hàng loạt tác phẩm về ký ức đô thị Sài Gòn những năm 1960 với một tuổi thơ đầy "dữ dội" nhưng rất thú vị của ông cũng như những người bạn cùng trang lứa.

Di sản ký ức về Sài Gòn qua văn chương mà cố nhà văn để lại gồm 4 truyện dài: "Mùa hè năm Petrus" (2010), "Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy" (2014), "Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ" (2018), "Mùa tiểu học cuối cùng" (2020) và 5 tập tạp bút - biên khảo: "Sài Gòn dòng sông tuổi thơ" (2016), "Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian" (2018), "Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ" (2020), "Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề" (2020), "Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức" (2021).

Cũng như những tác phẩm trước đó, "Mùa tiểu học cuối cùng" của nhà văn Lê Văn Nghĩa kể về "mấy thằng bạn cà tưng lớp Nhứt Hai Trường Tiểu học Bình Tây của tui". Truyện dài gồm 22 chương, được ví như cuốn phim tư liệu về tình bạn, tình thầy trò và cuộc sống của người Sài Gòn trước năm 1975. Với lối viết dí dỏm, ngồn ngộn tư liệu và hồi ức, người đọc bị cuốn hút vào từng trang viết khi sống lại không khí của học trò trường Bình Tây thuở trước, qua đó chuyển tải được văn hóa, lời ăn tiếng nói, bản sắc người Sài Gòn thời đó. Nhà văn Lê Văn Nghĩa viết những câu văn có duyên thế này: "Bạn ngồi xuống đây nghe tui kể chút nè, về mấy thằng bạn cà tưng lớp Nhứt Hai Trường Tiểu học Bình Tây của tui. Cũng lâu lắm rồi á, hồi năm 1967 lận. Chẳng hiểu sao lớp tui hồi đó toàn những đứa cà tưng thích làm mấy chuyện cà tửng. Ví dụ như thằng Chương tìm phép tàng hình như trong mấy tuồng Ấn Ðộ và thành công thật. Thằng Thu bỗng một ngày biến thành con Thu. Thằng Ty té cây chùm ruột và trở thành thiên tài toán học…".

Cái hay của nhà văn Lê Văn Nghĩa khi viết truyện cho thiếu nhi là ông gạt bỏ hoàn toàn bóng dáng của ông lão ngấp nghé tuổi 70 kể chuyện ký ức thời tiểu học của mình. Ðọc truyện, người đọc hòa mình vào một không khí trường lớp, đô thị, hòa vào từng nhân vật cụ thể để cùng khóc, cùng cười với họ. Lối viết trào lộng, khôi hài trên những trải nghiệm tuổi thơ đầy ắp dư vị đã khiến những trang viết của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa lôi cuốn, hấp dẫn hơn.

Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa (1953-2021) là thế hệ nhà báo đầu tiên của báo Tuổi Trẻ. Ông nổi danh khi phụ trách báo Tuổi Trẻ Cười, với các bút danh như Ðại Văn Mỗ, Ðiệp Viên Không Không Thấy, Thằng Hề… và để lại dấu ấn đặc biệt là Hai Cù Nèo. Ông ra mắt nhiều ấn phẩm trào phúng ấn tượng, có thể kể đến như "Tào lao xịt bộp", "Nếu Adam không có xương sườn", "Ðiệp viên Không Không Thấy", "Hoa hậu phường Cây Mít"… Khoảng 10 năm trở lại đây, nhà văn Lê Văn Nghĩa say mê với đề tài ký ức đô thị Sài Gòn trước năm 1975, thuở ông còn là cậu học trò Trường Tiểu học Bình Tây.

Trước Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cũng đã trao giải Cống hiến cho ông với bộ 3 tác phẩm: "Mùa tiểu học cuối cùng", "Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức", "Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề".

Chia sẻ bài viết