20/12/2010 - 14:53

Thi công các hẻm thuộc Dự án Nâng cấp đô thị:

Nhà thầu thi công chậm chạp, người dân bức xúc

Các hẻm ở phường Xuân Khánh thi công, xe lấy rác dân lập không thể vào nên người dân tập kết rác trước cổng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, trông rất mất thẩm mỹ, mất vệ sinh.

Từ tháng 4-2010, Dự án Nâng cấp đô thị (NCĐT- gọi tắt là Dự án) TP Cần Thơ đã khởi động giai đoạn II nâng cấp, mở rộng 118 hẻm ở quận Ninh Kiều và Bình Thủy. Người dân tại các hẻm được thi công đầu tiên rất phấn khởi, vì nhà thầu cam kết công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm. Tuy nhiên, đến nay, nhiều con hẻm thi công nham nhở, có nơi không có công nhân làm việc, một số hẻm đường cống thoát nước không phát huy hiệu quả, ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con…

* Không thực hiện đúng cam kết

Phường Xuân Khánh có đến 20 hẻm được đầu tư nâng cấp, nhiều nhất so với các địa phương được thực hiện Dự án. Trong đó, có 7 hẻm, gồm: hẻm 1, 2, 3, 4, 5, 8 và hẻm 9 đường Mậu Thân, được người dân nhiệt tình hiến đất, những hộ không hiến đất thì đóng góp tiền. Từ tháng 1-2010 UBND phường đã bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án và Ban Quản lý dự án giao cho Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Xây dựng Thương mại xuất nhập khẩu Như Minh thi công và khởi công. Ngày 7-5-2010, nhà thầu cam kết hoàn thành vào ngày 20-7-2010. Tuy nhiên, đến nay, công trình chỉ thi công các hẻm 1, 2, 3, 4 thuộc khu vực 5 và hẻm 9 thuộc khu vực 7 (hẻm 5 và hẻm 8 chưa thi công). Cả tháng qua, nhà thầu cho công nhân rải đá từng đoạn trên mặt hẻm rồi bỏ đó, khiến xe lấy rác dân lập không thể vào hẻm thu gom rác, bà con phải mang rác ra tận lề đường Mậu Thân để đổ, vừa vất vả vừa ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Bà Nguyễn Thị Năm, 70 tuổi, ở cuối hẻm 1 (giáp Trường Tiểu học Trần Quốc Toản), tối nào cũng khệ nệ mang bao rác để trên vỉa hè giáp mí tường rào của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Bà Năm bức xúc nói: “Các con tôi đều làm việc ca ba, buổi chiều khi đi làm nếu chúng mang bao rác để ở đây thì sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhà trường. Từ khi làm hẻm đến giờ, tôi sợ nhất là trời mưa, vì trời mưa đi đổ rác tôi đã mấy lần bị té bầm cả mình”.

Ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng khu vực 5, Tổ trưởng Tổ giám sát cộng đồng của khu vực, nói: “Trước đây, hạng mục đặt cống kéo dài thì nhà thầu đổ thừa là do việc đào đường bị vướng hệ thống cấp cáp ngầm và ống cấp nước sinh hoạt. Còn nay, không thấy công nhân đến làm hoặc có hôm công nhân đến làm thì nhà thầu không cung cấp vật tư, công nhân phải bỏ về”.

Người dân phường Xuân Khánh bức xúc vì tại cuộc họp ngày 13-10-2010 - giữa UBND phường với lãnh đạo Ban Quản lý dự án, Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều và ông Trần Quốc Cường, kỹ sư xây dựng phụ trách kỹ thuật của nhà thầu Như Minh – nhà thầu đã cam kết ngày 15-12-2010 sẽ thi công hoàn thành hẻm 1, 2 và hẻm 9; ngày 30-12 bàn giao hẻm 3 và hẻm 4, sau đó mới triển khai đến hẻm 5 và hẻm 8. Tuy nhiên, đến ngày 15-12 vừa qua, nhà thầu chưa thi công hoàn thành các hẻm như đã hứa với bà con, mà lại khởi công khui đường cống ở hẻm 5 và hẻm 8. Bà con đã báo với công an phường đến ngăn không cho nhà thầu tập kết vật tư. Ông Trần Trường Phục, Chủ tịch UBND phường Xuân Khánh, nói: “Bà con làm vậy là đúng, vì tiến độ làm hẻm quá chậm là do nhà thầu thiếu năng lực, việc này đã làm rõ trong các cuộc họp giữa UBND phường với Ban Quản lý dự án. Ban Quản lý dự án đã hứa với phường sẽ bố trí nhà thầu đủ năng lực để thi công hẻm 5 và hẻm 8”. Ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng khu vực 5, than: “Bà con hẻm 5 đến nhà tôi đòi lại số tiền đã đóng góp xây dựng hẻm. Bà con nói Nhà nước cho bà con “xin” lại số tiền này để làm vốn buôn bán mùa Tết, khi nào làm hẻm, bà con sẽ đóng lại. Tôi giải thích tiền đã nộp vào kho bạc rồi. Giờ tôi rất ngại khi tiếp xúc với bà con!”.

Ở phường An Hòa có hẻm 188 và 140B đường Nguyễn Văn Cừ được mở rộng đến 6 mét, công trình không bị vướng nhà dân, nhưng quá trình thi công vẫn bị kéo dài như ở phường Xuân Khánh. UBND phường An Hòa phải nhiều lần làm việc với Ban Quản lý dự án và nhà thầu là Công ty cổ phần đầu tư và Xây dựng Bưu điện (Hà Nội) để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến nay, mặt hẻm đang được tráng bê tông, nhưng hệ thống cống thoát nước vừa đưa vào sử dụng đã bị ngập nghẹt. Ông Võ Tấn Thanh, chủ nhà trọ số 12B ở hẻm 140B lo lắng, nói: “Nước thải từ đường cống dâng ngập nền nhà, làm người dân chúng tôi rất lo lắng, vì bơm tát nước thải ra mặt đường thì cả xóm sẽ hôi thúi, thiếu vệ sinh”.

* Cần giải pháp khả thi

Về việc 7 tuyến hẻm ở phường Xuân Khánh chưa được tráng bê tông theo cam kết của nhà thầu, ông Lê Văn Tiển, Trưởng ban Quản lý dự án, cho biết: “Ban Quản lý dự án vừa làm việc với ông Trần Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Xây dựng Thương mại xuất nhập khẩu Như Minh, ông Nam cam kết sẽ tráng bê tông mặt hẻm trước Tết Nguyên đán Tân Mão, nếu nhà thầu không thực hiện theo cam kết thì Ban Quản lý dự án sẽ xử lý theo pháp luật”. Việc hệ thống thoát nước ở hẻm 140B và 188 đường Nguyễn Văn Cừ không phát huy tác dụng, kỹ sư Nguyễn Khải Thanh Phong, Phó trưởng phòng Kỹ thuật của Dự án, giải thích: “Trước đây, bà con xả nước thải theo mương thoát nước tự nhiên, nay đường cống thoát nước của bà con được đấu nối vào đường cống đặt hai bên hẻm dẫn ra mương lộ đường Nguyễn Văn Cừ, do mương lộ đường Nguyễn Văn Cừ không thoát nước nên nước thải theo đường cống tràn ngược lên nhà bà con. Theo quy định, dự án sẽ giải quyết cho các hộ bị ảnh hưởng vay 15 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để tôn nền nhà. Còn việc ngập nghẹt trong toàn khu vực chỉ giải quyết được khi có hệ thống thoát nước thay cho mương lộ đường Nguyễn Văn Cừ, tức Dự án xây dựng mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ của thành phố được triển khai”.

Từ nay đến năm 2012, Dự án NCĐT sẽ tiếp tục cải tạo mở rộng hẻm ở các phường: Xuân Khánh, An Phú, An Hòa, An Lạc, Thới Bình, Cái Khế, An Nghiệp, Hưng Lợi. Như vậy, đường cống ở các khu dân cư sẽ đấu nối với đường cống của các trục đường: 30 Tháng 4, 3 Tháng 2, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai, Quang Trung, Nguyễn Việt Hồng, Lý Tự Trọng,... Trên thực tế, những năm gần đây, mỗi khi trời mưa to hoặc triều cường thì các con đường này đều bị ngập nước, do mặt đường thấp và đường cống đã quá tải. Tình trạng này, nếu gánh thêm lượng nước thải từ địa bàn dân cư thì tình trạng ngập nghẹt, mất vệ sinh trên các tuyến đường nội ô thành phố là khó tránh khỏi. Thiết nghĩ, đây là vấn đề mà thành phố phải sớm giải quyết, nếu không thì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân của Dự án NCĐT sẽ mất ý nghĩa. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án cần chọn nhà thầu đủ năng lực để công trình thi công hẻm không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Bài, ảnh: ĐÌNH KHÔI

Chia sẻ bài viết