14/06/2020 - 08:29

Nhật Bản ứng dụng IoT và AI trong chăm sóc, điều dưỡng 

Trong bối cảnh ngành điều dưỡng thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực do dân số già hóa, trong khi dịch COVID-19 đòi hỏi hạn chế các tiếp xúc trực tiếp, Nhật Bản đang nỗ lực triển khai việc ứng dụng mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) và  trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. 

Một điều dưỡng kiểm tra dữ liệu từ nhà của các khách hàng cao tuổi tại tỉnh Miyazaki. Ảnh: Kyodo News

Các thiết bị cảm biến đảm nhiệm việc theo dõi thói quen sinh hoạt, trong khi các cuộc gọi điện thoại bằng AI kiểm tra tình trạng của những người cao tuổi hằng ngày. Điều này cho phép người chăm sóc có thể trông coi những khách hàng cao tuổi từ xa.

Trong nhà người cần được chăm sóc, các thiết bị cảm biến được lắp đặt ở nhiều vị trí từ nhà vệ sinh, phòng ngủ, tủ lạnh, hay cả cửa nhà, qua đó giúp người chăm sóc biết được người này sử dụng nhà vệ sinh bao nhiêu lần, giấc ngủ kéo dài bao lâu và có ăn được hay không. Đặc biệt, các thiết bị cảm ứng này không phát ra âm thanh hoặc ánh sáng, do đó người cần chăm sóc sẽ không gặp bất kỳ phiền toái nào. 

Thành phố Miyakonojo thuộc tỉnh Miyazaki, Tây Nam Nhật Bản, đã thử nghiệm việc sử dụng dữ liệu từ các thiết bị cảm biến để lên kế hoạch chăm sóc cho những người nằm trong dự án “quản lý chăm sóc kỹ thuật số” và đánh giá hiệu quả của nó từ năm 2019. Cùng với Tập đoàn Điện tử Panasonic và một nhóm những điều dưỡng viên địa phương, thành phố này đã phân tích kết quả dự án trong vòng 3 tháng, kể từ tháng 10-2019. Kết quả cho thấy thói quen sinh hoạt của cả 4 người tham gia thử nghiệm đều được cải thiện.

Trong khi đó, Công ty Công nghệ Internet Triple W Japan đã phát triển một thiết bị đeo lên người có tên “DFree” có cảm biến đo kích thước bàng quang bằng siêu âm và thông báo cho người chăm sóc thông qua Internet về thời điểm người được theo dõi cần đi vệ sinh. Thiết bị này được đánh giá là giúp ích rất nhiều cho cả người chăm sóc lẫn người được chăm sóc. 

Tỉnh Nara, miền Tây Nhật Bản, cũng đã bắt đầu thử nghiệm dịch vụ gọi điện thoại AI, có sự tham gia của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn nhất Nhật Bản NTT DoCoMo, để kiểm tra tình trạng sức khỏe của những người lớn tuổi hằng ngày. AI sẽ hỏi người nhận điện thoại rằng liệu họ có đang bị đau ở chỗ nào không. Chẳng hạn nếu người trả lời nói rằng họ đau đầu gối, AI sẽ hỏi triệu chứng này đã kéo dài bao lâu và gặp bác sĩ chưa. Nếu người trả lời nói họ không cảm thấy khỏe hoặc không trả lời cuộc gọi thì một thành viên gia đình sẽ nhận được thông báo. Theo một quan chức tỉnh Nara, phụ trách dự án, việc thu thập dữ liệu sẽ giúp họ có thể phát hiện thay đổi đột ngột về sức khỏe, hoặc tình trạng mất trí nhớ của người được theo dõi. 

Thống kê cho thấy số lượng điều dưỡng viên tại Nhật Bản trong tài khóa 2017 là khoảng 1,95 triệu người. Tỷ lệ việc làm/số ứng viên của ngành này vẫn cao gấp đôi so với mức trung bình của các ngành khác, cho thấy ngành điều dưỡng ở Nhật Bản thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt nhân lực.

LAN HƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết