26/01/2015 - 21:34

Nhà sáng tạo “nhí”

Không chỉ học giỏi, Trần Ngọc Hiền, học sinh lớp 5A1, Trường Tiểu học Bình Thủy, còn được thầy cô, bạn bè biết đến bởi niềm đam mê sáng tạo. Năm học qua, với mô hình bộ cờ toán học, Hiền vinh dự “rinh” giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ…

 

Hiền có gương mặt sáng, miệng hay cười. Từ lớp 1 đến lớp 5, Hiền đều là học sinh giỏi và bí quyết của Hiền là trong lớp chú ý nghe cô giảng bài, nắm bài ngay tại lớp về nhà chăm chỉ làm bài tập và ôn bài. Thường xuyên bận rộn công việc nhưng cha mẹ luôn quan tâm việc học của chị em Hiền. Hàng ngày, cha đi buôn bán, mẹ đi làm, đến tối mới về, là chị hai trong gia đình, Hiền luôn tỏ ra là người chị siêng năng mẫu mực. Hiền giúp mẹ trông em, dạy em học bài và làm những việc lặt vặt trong nhà. Thỉnh thoảng, Hiền giúp các em nhỏ trong xóm giải bài tập khó.

Khi học lớp 1, Hiền đã thích khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống, thích quan sát và hay thắc mắc với cha mẹ. Lớn lên một chút, Hiền luôn nghiền ngẫm với các chế tác phát minh khoa học trên các phương tiện thông tin đại chúng. Niềm yêu thích khoa học lớn dần, một lần ngồi xem cha đánh cờ, Hiền nảy sinh ra ý định làm bộ cờ toán học. Hiền cho biết: “Em thích nhất môn Văn nhưng muốn thử sức với toán học nên em đã tập tành nghiên cứu làm mô hình này”.

Suốt 2 tháng ròng rã, Hiền đi tìm vỏ nắp chai, giấy bìa cứng, khung bằng khen cũ, cắt dán, viết số lên các quân cờ… Cuối cùng bàn cờ toán học cũng đã thành hình từ những vật liệu dễ kiếm, không tốn tiền mua, bằng trí sáng tạo của trẻ thơ. Đó là bàn cờ có hai ô màu: ô màu đen và ô màu trắng, quân cờ được làm thành hai màu vàng và xanh để chia thành hai nhóm thực hiện đấu cờ. Các quân cờ được sử dụng các nắp chai nước suối (phế liệu), dán giấy xốp màu xanh và màu vàng lên trên hai mặt của nắp và dùng bút lông dầu màu xanh viết số từ 0 đến 100 lên cả hai mặt. Nói về ứng dụng của bàn cờ, Hiền vui vẻ cho biết: “Bàn cờ có thể sử dụng trong quá trình học tập tại lớp, tại nhà, học với bạn, với cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Qua đó giúp các bạn phát huy tính tích cực, chủ động (tìm nhanh thành phần chưa biết của phép tính, tính chất của phép tính) cũng như tạo sự hứng thú, ham thích học môn toán (học sinh từ lớp 1 đến lớp 5)”. Theo Hiền, với tiêu chí chơi mà học, học mà chơi, bàn cờ cũng được xem là món đồ chơi tự tạo để giải trí theo hướng phát huy trí tuệ (đánh cờ toán). Vận dụng cách chơi cờ để ôn luyện, học tập môn toán, tạo sự hứng thú vừa học vừa chơi. Với cách đấu cờ môn toán học, giúp các bạn luyện trí nhớ các bảng cửu chương, cách tính thành phần chưa biết của phép tính, biết sắp xếp các số theo thứ tự lớn dần, giảm đi, số chẵn, số lẻ, tính chất của dãy số (lớn hơn mấy, gấp mấy lần…). Ngoài ra, mô hình còn giúp các em mẫu giáo 5 tuổi biết chữ số… Giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ đã “trả công” xứng đáng cho nỗ lực và niềm đam mê của Hiền. Với vai trò trưởng ban văn nghệ, Hiền luôn đi đầu trong các phong trào văn nghệ, múa hát sân trường; giờ ra chơi góp vui bằng những tiết mục cây nhà lá vườn để giảm bớt mệt mỏi và căng thẳng sau giờ học. Hiền chia sẻ, tuy say mê khoa học nhưng sau này Hiền lại thích trở thành cô giáo dạy nhạc, bởi âm nhạc là nguồn cảm hứng khơi gợi những sáng tạo, đam mê.

Nhận xét về Hiền, cô Nguyễn Tố Loan, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A1, cho biết: “Hiền ngoan ngoãn, học giỏi, yêu thích môn khoa học và thực hành, tích cực sưu tầm đồ dùng học tập. Vốn khá dạn dĩ, hoạt bát, Hiền tham gia tốt hoạt động nhóm cũng như các phong trào của lớp của trường và là tấm gương để các bạn trong lớp học tập”.

Bài, ảnh: M.HIỂN

Chia sẻ bài viết