25/11/2014 - 13:57

Nhà sáng chế “nhí”

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Trà Vinh lần thứ 3 (2013-2014) do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh và các cơ quan có liên quan tổ chức, giải nhất thuộc về hai em Nguyễn Nhật Minh và Đỗ Phúc Nhĩ Khang, học sinh Trường THCS Huyền Hội (huyện Càng Long) với giải pháp "Lò đốt rác sinh hoạt thân thiện với môi trường". Không chỉ miệt mài thực hiện giải pháp này, em Nhật Minh còn có những sáng chế nhằm đem lại tiện ích cho bà con nông dân và thân thiện với môi trường.

Dù tọa lạc cách Quốc lộ 53 khoảng 6km và TP Trà Vinh chừng 10km, nhưng Huyền Hội, quê của em Nguyễn Nhật Minh, là một xã đặc biệt khó khăn. Hằng ngày, chứng kiến, tiếp xúc với những khó khăn mà nông dân gặp phải trong cuộc mưu sinh, Minh rất băn khoăn. Nhận thấy việc thu gom rác thải trong sinh hoạt hằng ngày không tuân theo các quy chuẩn bảo vệ môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân xung quanh, với kiến thức hóa học tiếp thu được ở trường, Minh đã nghĩ ra mô hình "Lò đốt rác sinh hoạt thân thiện với môi trường" năm em học lớp 8 (năm học 2012-2013). Để hiện thực hóa ý tưởng này, ngoài việc vận dụng những hiểu biết về khoa học tự nhiên, Minh còn được sự tiếp sức của em Đỗ Phúc Nhĩ Khang (học sau Minh 1 lớp) và đặc biệt là sự động viên khuyến khích của các thầy cô phụ trách môn khoa học tự nhiên.

Thầy Hiệu trưởng Võ Văn Liếng và hai em Nguyễn Nhật Minh, Đỗ Phúc Nhĩ Khang.

Sau khi tham khảo tư liệu, Minh và Khang chọn cách nhóm lò theo kiểu phức hợp vừa có thể sử dụng nhiên liệu từ bên ngoài vừa có thể nhóm lò từ rác thải khô không cần nhiên liệu. Nhiên liệu được sử dụng trong trường hợp cần là khí biogas – nguồn nhiên liệu từ rác thải hữu cơ. Hai em dành dụm tiền, mua sắm những vật liệu cần thiết cho việc hình thành cái lò đốt rác từ ý tưởng của mình, là ống nước, thiếc, carton, dây chì… Bằng cả sự say mê và quyết tâm, hai bạn nhỏ đã hoàn thành mô hình cùng với bảng thuyết minh sản phẩm dự thi "Lò đốt rác sinh hoạt thân thiện với môi trường", tham dự và đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Trà Vinh lần thứ 3 (2013-2014) do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh, Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh và các cơ quan có liên quan tổ chức.

Trên thực tế, để hoàn thành "Lò đốt rác sinh hoạt thân thiện với môi trường" của Minh và Khang đòi hỏi rất nhiều vật liệu. Kích thước của lò: cao 220cm, dài 180cm, rộng 140cm. Kích thước trong của lò: cao 200cm, dài 160cm, rộng 120cm… Khi đó lò sẽ cho các thông số đáng chú ý là: năng suất 0,2m3/giờ, độ dày rác đốt 10cm, độ ẩm rác 80%. Minh cho biết: "Lò đốt rác sinh hoạt thân thiện với môi trường" có giá thành thấp nên có thể đáp ứng nhu cầu các khu dân cư nhỏ, các cơ quan, đơn vị ngành nghề tiểu thủ công nghiệp… Với giá thành từ 14 triệu đồng đến 25 triệu đồng, lò sẽ phục vụ cho các khu dân cư nhỏ khoảng 500 hộ, sau chừng 9 tháng đến 15 tháng có thể lấy lại vốn. Còn đối với các khu chợ có khoảng 200 hộ gia đình và tiểu thương, trong khoảng từ 5 tháng đến khoảng 10 tháng là có thể lấy lại vốn đầu tư ban đầu". Với tên gọi "Lò đốt rác sinh hoạt thân thiện với môi trường", chiếc lò này còn giúp rác vào lò tiêu hủy triệt để, lượng khí thải ít chất độc, giảm công lao động, nhất là rất thuận tiện trong việc nhóm lò, ít tốn thời gian, giảm chi phí…

Em Nguyễn Nhật Minh bên mô hình "Lò đốt rác thải sinh hoạt thân thiện với môi trường".

Trước đây, Minh đã từng có những sáng chế như: đề tài máy tự động gieo hạt bắp giúp nông dân địa phương đỡ tốn sức lao động vừa rút ngắn thời gian trong việc gieo trồng. Với chiếc máy này, Minh tham dự Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Trà Vinh lần 2, đoạt giải khuyến khích. Cũng trong năm này, Minh đoạt giải khuyến khích trong hội thi của tỉnh với ý tưởng đề tài máy thu gom hạt. Minh cho biết giải pháp làm khô hạt hiện nay nhanh nhất là lò sấy. Nhưng lò sấy vừa tốn nhiên liệu vừa phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường, vừa tốn kém tiền bạc. Vì vậy, nông dân thường chọn giải pháp phơi ngoài tự nhiên. Việc phơi hạt bằng phương pháp truyền thống có nhược điểm là tốn thời gian, công lao động, chi phí, quan trọng nhất là sức khỏe người lao động đáng lo ngại khi phải khuân vác những bao hạt nặng 40kg đến 55kg. Vì vậy, Minh nghĩ ra máy thu gom hạt làm bằng kim loại dạng hình hộp chữ nhật, sức chứa 150kg, với máng thu gom hạt, ống xoắn ốc đứng đưa hạt lên thùng chứa, hệ thống truyền động dai, một động cơ. Khi máy vận hành, hạt được đưa vào bao, cột miệng, đưa vào sàn lăn để bao hạt trượt xuống đất. Máy chỉ cần 1 người điều khiển. Lợi ích kinh tế của máy thu gom hạt là có thể thu gom trên 6 tấn hạt, gấp 3 lần thu gom thủ công, tiết kiệm chi phí so với thu gom thủ công. Minh ước tính, máy này rất phù hợp túi tiền nông dân, chỉ khoảng 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng. Ngoài ra, Minh còn còn dự thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh tổ chức hồi tháng 12-2013, với đề tài Hệ thống xử lý khí thải xe, các máy xăng dầu, đoạt giải khuyến khích.

Số tiền có được từ các giải thưởng trên, tuy chỉ là tượng trưng nhưng cũng giúp hai em Minh và Khang mua sắm những tài liệu cần thiết cho việc tìm tòi nghiên cứu của mình. Thầy Võ Văn Liếng, Hiệu trưởng Trường THCS Huyền Hội, cho biết: "Hai trò Minh và Khang có năng khiếu đặc biệt về môn hóa học, nếu có điều kiện tốt, chắc chắn con đường tìm tòi nghiên cứu khoa học, sáng chế máy móc của hai em sẽ được phát huy tốt. Nếu các đề tài này của hai em được đưa vào thực tiễn ứng dụng sẽ trở nên thiết thực và hữu ích cho xã hội".

Bài, ảnh: CÁT LỘC

Chia sẻ bài viết