20/02/2013 - 21:07

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của chế độ chính trị đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp năm 1992; đồng thời, khẳng định chính thể của nước ta là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức…


Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bổ sung và phát triển nguyên tắc "quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp" theo tinh thần Cương lĩnh. Đây là điểm rất mới của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Kiểm soát quyền lực là nguyên tắc nhà nước pháp quyền, để các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi có hiệu lực, hiệu quả, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp và pháp luật, tránh việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực. Ngoài ra, Dự thảo tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật (Điều 4).

Về vấn đề này, theo Luật sư Bùi Quang Minh, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, tại khoản 3, Điều 4 có ghi: "các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Nhưng 2 khái niệm "Hiến pháp và pháp luật" ở đây là chung nhất cho tổng thể các quy định về chế độ chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, thể chế hóa mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ và Nhà nước quản lý. Theo đó, nhân dân làm chủ đã có luật quy định các quyền dân chủ của con người, của công dân. Nhà nước cũng đã có luật quy định trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động, dựa vào đó để giám sát. Còn Đảng lãnh đạo thì cũng cần nêu rõ trên cơ sở pháp luật để sau này xây dựng luật về sự lãnh đạo của Đảng. Có luật cụ thể về Đảng thì các tổ chức đảng và đảng viên mới thực sự nâng cao trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước nhân dân và lúc ấy người dân mới có cơ sở pháp lý để giám sát trở lại. Từ cơ sở trên, Luật sư Bùi Quang Minh kiến nghị bổ sung Điều 4 Dự thảo như theo hướng: Đảng lãnh đạo trên cơ sở pháp luật hoặc theo các phương thức nào đó mà thông qua đó người dân có thể giám sát được.

Cũng có ý kiến liên quan đến Điều 4 Dự thảo, ông Văn Khám Inh, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP Cần Thơ đề nghị Dự thảo bỏ cụm từ "…Đảng viên hoạt động trong khuôn khổ…" (quy định tại khoản 3, Điều 4 Dự thảo). Bởi, đảng viên cũng là công dân. Đồng thời đề nghị bổ sung "Tổ chức chính trị vào Dự thảo".

Dự thảo quy định rõ hơn, đầy đủ hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước (Điều 6) mà không chỉ thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân như Hiến pháp năm 1992. Tại khoản 2, Điều 7 Dự thảo trên cơ sở kế thừa Hiến pháp năm 1992, trong đó, có quy định "Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân". Tuy nhiên, Hiến pháp chưa xác lập cơ chế bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội theo khoản 2, Điều 7 nêu trên. Ông Văn Khám Inh kiến nghị nên cụ thể vấn đề này.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; bổ sung quy định về nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân…

CHẤN HƯNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết