12/01/2025 - 08:53

Nhà nông chuyển hướng trồng cây ăn trái giá trị kinh tế cao 

Cùng với sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp địa phương, nhiều nhà nông ở TP Cần Thơ đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Qua đó, không chỉ giúp mang lại nguồn thu nhập cao cho nhà nông, mà còn góp phần cung cấp trái cây ngon, có chất lượng an toàn theo nhu cầu tiêu dùng của thị trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Ông Phạm Văn Ba, ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng đang cắt, tỉa cành cây mận xanh đường.

Để tăng giá trị kinh tế cho các loại cây ăn trái cũng như nâng cao hiệu quả canh tác nông nghiệp cho nhà nông, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã và đang đẩy mạnh công tác vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi canh tác, lựa chọn và trồng các loại cây ăn trái vừa có giá trị kinh tế cao, vừa phù hợp với điều kiện của địa phương; đồng thời, hỗ trợ nông dân tham gia các chương trình tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiêu chuẩn vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, đăng ký mã số vùng trồng… Qua đó, từng bước xây dựng và hình thành nhiều mô hình sản xuất cây ăn trái đạt chất lượng cao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Hiện toàn TP Cần Thơ có hơn 25.600ha diện tích trồng cây ăn trái, trong đó có nhiều mô hình sản xuất cây ăn trái đặc sản phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như lợi thế và tiềm năng phát triển của địa phương. Điển hình là mô hình trồng mận xanh đường xen với mít ruột đỏ của ông Phạm Văn Ba, ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng. Chia sẻ về quá trình chuyển hướng canh tác mới, ông Ba, nói: “Nhận thấy mận xanh đường là loại trái cây ngon đang được thị trường ưa chuộng, cho giá trị kinh tế cao, lại phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, nên tôi đã mạnh dạn phá bỏ 7 công vườn mít Thái già cội, không còn cho huê lợi cao, để chuyển trồng mận xanh đường, xen với mít ruột đỏ. Ngoài ra, để gia tăng thêm thu nhập cho gia đình, tôi còn nhân giống mận xanh đường để bán lại cho các nhà vườn trong và ngoài địa phương, với giá 150.000 đồng/cây.”

Hiện vườn mận xanh đường của ông Ba được ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ 50% chi phí đầu tư hệ thống tưới tự động cũng như hỗ trợ canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP… Với sự trợ giúp này, ông Ba không chỉ tiết giảm chi phí sản xuất, mà còn nâng cao hiệu quả canh tác cho khu vườn, từ khâu chăm sóc cây theo từng độ tuổi sinh trưởng đến cách xử lý ra hoa và cho trái, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo cho trái mận xanh đường đạt chất lượng an toàn đến tay người tiêu dùng. Hiện khu vườn của ông Ba đang trồng trên 210 cây mít ruột đỏ cùng với 140 gốc mận xanh đường đã được 2 năm tuổi và đang chuẩn bị cho trái vụ đầu tiên, dự kiến tháng 3-2025 sẽ vào vụ thu hoạch chính, với kỳ vọng sẽ “trúng mùa, được giá”, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình ông.

Anh Nguyễn Thanh Thiền, ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn đang xử lý trái, để na Thái khi thu hoạch đạt chất lượng to, đều, sáng đẹp, bán được giá cao...

Với sự trợ giúp của ngành chức năng địa phương trong việc hỗ trợ nhà nông chuyển đổi canh tác các loại cây ăn trái vừa có giá trị kinh tế cao, vừa phù hợp với điều kiện của địa phương, anh Nguyễn Thanh Thiền, ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn đã phá bỏ khu vườn tạp, để trồng cây na Thái, với tổng diện tích 1,3ha. Đến nay, vườn cây na Thái của anh Thiền đã được hơn 2 năm tuổi và bắt đầu cho trái thu hoạch mùa thứ 2. Theo anh Thiền, để trái na Thái đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, đòi hỏi nhà vườn phải làm tốt các khâu từ việc tỉa cành, làm bông, xử lý trái, đến cách sử dụng phân, thuốc phòng trừ các loại nấm bệnh trên trái, đảm bảo trái na Thái thu hoạch đạt chất lượng to, đều, đẹp và sáng bóng, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường để bán được giá cao. Và với diện tích 1,3ha trồng na Thái hiện có của anh Thiền, năng suất thu hoạch đạt hơn 10 tấn/vụ, bán với giá từ 40.000 đồng/kg, mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tiềm năng thị trường và lợi thế phát triển của địa phương đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nhà nông… Song để mô hình trồng các loại cây ăn trái đặc sản phát triển bền vững, ngành chức năng thành phố và các địa phương cần tăng cường công tác hỗ trợ nông dân ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, ứng dụng khoa học, tiêu chuẩn GAP… vào sản xuất nông sản theo hướng chất lượng cao, theo nhu cầu tiêu dùng của thị trường; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kết nối thị trường tiêu thụ, kết hợp xây dựng thương hiệu nông sản, nhằm giúp nhà nông gia tăng giá trị nông sản và thu nhập từ kinh tế vườn.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 

Chia sẻ bài viết