Nhắc đến cụ Nguyễn Hiến Lê, nhiều người biết ông là một học giả lỗi lạc, tác giả và dịch giả của hàng trăm cuốn sách quý, đến nay vẫn tái bản thường xuyên. Học giả gốc Hà Thành nhưng lại có duyên nợ với miền Tây, để lại nhiều trang khảo cứu giá trị về xứ sở sông nước. Chúng tôi đã tìm về nơi an nghỉ của cụ ngay trong lòng Đồng Tháp Mười - nơi mà hơn 65 năm trước, cụ đã viết “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười” trứ danh.
An yên bên tiếng chuông chùa
Phần mộ của học giả Nguyễn Hiến Lê tại Đồng Tháp.
Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) quê Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội. Tháng 7 năm 1934, cụ tốt nghiệp Trường Công Chánh ở Hà Nội, 3 tháng sau thì được giao việc tại Sài Gòn và sau đó mươi ngày có lệnh điều động cụ về dạy học tại Long Xuyên. Cơ duyên gắn bó với miền Tây Nam bộ của cụ bắt đầu từ đó. Trong cuốn “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, học giả Nguyễn Hiến Lê trần tình: “Chiều mùng một Tết, tôi và vài anh em ra sau nhà; nhìn sương, khói phủ rặng tre ở rạch Trà Bông, tôi bồi hồi nhớ những bụi tre ở Sơn Tây, và trong cảnh xa quê tôi yêu ngay làng đó, một điểm trên Đồng Tháp như quê hương thứ hai của tôi vậy”.
Học giả Nguyễn Hiến Lê thành gia lập thất với người phụ nữ An Giang, dành trọn cả thời thanh xuân và về già ở miền Nam. Năm 1984, cụ bạo bệnh qua đời tại bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh. Theo di nguyện, cụ được vợ là bà Nguyễn Thị Liệp hỏa táng tại đài thiêu Thủ Đức. Tro cốt được bà Liệp đưa về thờ phụng tại quê nhà Long Xuyên, trong bảo tháp trước sân nhà, nơi có mảnh vườn, hoa thơm, cây lá xanh tươi mà sinh thời cụ rất thích. Hậu sự cho chồng xong, bà Liệp giao nhà cửa và phần mộ cho hai người cháu gái trông nom rồi vào chùa ở Long Xuyên tu tập với pháp danh Thích Nữ Huệ Đức. Thích Nữ Huệ Đức là đệ tử của Sư ông Thích Nhựt Phú, trụ trì chùa Phước Ân (Lấp Vò, Đồng Tháp) vậy nên khi bà qua đời, thể theo di nguyện, hai cháu của bà đã xin với Sư ông cho phép được an táng trong khuôn viên chùa Phước Ân. Để vợ chồng hiệp đôi, cháu của bà Liệp lại mang tro cốt của cụ Nguyễn Hiến Lê từ quê nhà Long Xuyên sang Đồng Tháp đặt ngay phía trên phần mộ bà Liệp (do mộ xây dạng bảo tháp, có nhiều ngăn). Đó là giữa năm 1999.
Chúng tôi đã theo lời kể của những người ái mộ cụ Lê, từ Lai Vung vào đến chùa Phước Ân theo quốc lộ 80, tới ngã tư Cai Bường, có cầu Cai Bường, qua cầu rẽ trái chừng hơn 1 cây số sẽ có cầu ngang sông, qua cầu rẽ phải lên chừng 500 thước là tới chùa. Phước Ân là ngôi chùa rộng rãi, đậm chất làng quê, yên ả, thanh bình. Hàng cau già trước cổng, rồi hàng sa la dẫn vào thơm ngát hương hoa. Thấy chúng tôi, cô Út - người mấy mươi năm làm công quả ở chùa hỏi liền: “Mấy cháu tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê phải không? Thỉnh thoảng cũng có người đến tìm như mấy cháu. Người ta muốn đốt cho cụ cây nhang vì mến mộ”.
Vậy là chúng tôi đã tìm thấy mộ học giả Nguyễn Hiến Lê - một tượng đài học thuật lớn, với bảo tháp nhỏ nhắn, hình chân dung nhỏ nhắn, bình dị. Cuộc đời một học giả lớn nay khiêm nhường an nghỉ bên những thiện tín dưới mái chùa quê, vọng tiếng kinh kệ. Việc cụ Nguyễn Hiến Lê về an nghỉ ở “cái rốn” của Đồng Tháp Mười phải chăng như một sự an bài của tạo hóa? Bởi lẽ, trong hàng trăm cuốn sách của học giả, cuốn “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười” là thăng trầm nhất. Ông bày tỏ tình yêu với Đồng Tháp Mười và nay an nghỉ tại đất ấy.
Chuyện của “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”
“Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười” do Trí Đăng tái bản vào năm 1971.
“Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười” được học giả Nguyễn Hiến Lê hoàn thành vào ngày 15-4-1954 (theo Lời Tựa của tác giả). Chúng tôi có trong tay bản tái bản quyển sách này do Trí Đăng ấn tống vào năm 1971, có in trọn những lời “ruột gan” của cụ Nguyễn Hiến Lê về cuốn sách có số phận thăng trầm kỳ lạ.
Như đã trình bày ở trên, sau khi được điều vào dạy học ở Long Xuyên ít năm, cụ kết thân với nhiều người bạn bổn xứ. Cụ chu du, thăm thú khắp miền Hậu Giang và Đồng Tháp Mười. Cụ kể: “Nằm trong một chiếc ghe hầu, tôi đã lênh đênh khắp các kinh, rạch từ Hồng Ngự tới Thủ Thừa, từ Cái Thia tới Mộc Hóa; có khi đi trọn một tuần giữa một vùng bát ngát toàn lau, sậy, bàng, năng, hai ba chục cây số không có một nóc nhà, một bóng người”.
Đầu năm 1944, cụ có dịp ra Hà Nội và lại nhà thăm cụ Vũ Đình Hòe, lúc bấy giờ là chủ bút tờ Thanh Nghị. Cụ Hòe khuyến nghị cụ Lê nên viết gì về miền Nam để độc giả cả nước thấu rõ. Cụ Lê nói ngay rằng sẽ viết về Đồng Tháp Mười. Về lại Sài Gòn, cụ Lê thâu thập tư liệu, cả về thủy học, địa lý học đến phong tục, tập quán… và may mắn được nhà báo Khuông Việt, tòng sự tại Nam kỳ Thư khố, chỉ dẫn một số sách về lịch sử vùng đất này. 6 tháng sau, cụ Lê viết xong bản thảo “Đồng Tháp Mười” dày khoảng 150 trang. Cụ mang gởi cho tòa soạn Thanh Nghị ngoài Hà Nội nhưng bưu điện không còn nhận đồ gởi đảm bảo ra Bắc nữa. Vậy là cụ Lê đành lỗi hẹn với cụ Hòe và mang cất bản thảo vào rương. “Họa vô đơn chí”, sau đó cụ bị cướp, mất cả rương bản thảo. “Thế là tập Đồng Tháp Mười mất ngay trong Đồng Tháp Mười. Tôi tiếc lắm!”, cụ Nguyễn Hiến Lê kể.
Sau đó 8 năm, cụ lại bắt tay viết sách về Đồng Tháp Mười. Tư liệu cũ không còn, mối quan hệ xưa đã mất, nhưng may sao cụ quen và được sự giúp đỡ của cụ Lê Ngọc Trụ, do ông Giám đốc Thư viện Nam Việt giới thiệu. Cụ Lê Ngọc Trụ đã tận tình giúp tài liệu và cả tiền bạc để sách về Đồng Tháp Mười ra đời. Nói về tấm thịnh tình đó, cụ Nguyễn Hiến Lê đúc kết: “Những học giả thường tậm với văn hóa như vậy!”.
Cụ Nguyễn Hiến Lê còn chia sẻ rằng: “Viết cuốn này, tôi có ý tặng các bạn Bắc và Trung để các bạn ấy biết thêm một miền trên đất Việt, nhưng cũng là để tặng các đồng bào miền Nam của tôi nữa”. Chừng 20 năm sống ở miền Nam (tính đến thời điểm viết sách này), cụ Nguyễn Hiến Lê cảm nhận được sự nhiệt tình, thiệt thà và nghĩa khí của những người dân nơi đây. “Đất mới đãi người mới” đã giúp cụ có những áng văn hay. Sau đây là 3 câu chuyện do cụ Nguyễn Hiến Lê kể về 3 bà cụ ở Nam bộ:
Một đêm ở kinh Phong Mỹ trong Đồng Tháp, cụ vào đụt mưa trước cửa một căn nhà lá. Lúc đó đã quá hai giờ khuya. Một bà già trong nhà đằng hắng hỏi và khi biết có người trú mưa, bà ra thắp đèn, mời khách vào nhà cho ấm. Cụ kể: “Căn nhà nhỏ quá, chừng sáu thước vuông, kê mỗi một bộ ván gỗ tạp. Một cô độ mười bảy, mười tám, xếp vội mùng, mền, chào tôi rồi đứng nép một bên”. Hai bà cháu thức tiếp chuyện khách cho tới khi dứt mưa. Đưa cụ ra cửa mà bà cụ còn nói: “Tội nghiệp thầy Hai, đường trơn, coi chừng té”.
Một lần khác, vào thăm một vườn quýt ở Tân Thuận, Đồng Tháp, cụ Lê được chủ nhân là một bà già góa thuộc dạng chỉ “đủ ăn” nhưng tiếp đãi một cách cực kỳ đôn hậu. Bà cố giữ cụ lại dùng một bữa thịnh soạn do chính tay bà nấu lấy và khi từ biệt bà, xuống ghe thì đã thấy ở dưới ghe, năm, sáu chục trái quít và hai ba nải chuối.
Một bà cụ khác nữa, tánh rất nghiêm khắc nhưng mà rất nhân từ, đã giúp cụ Nguyễn Hiến Lê trong lúc tản cư được yên ổn học hỏi và viết sách. Bà lão rất ít nói nhưng có những cử chỉ khiến cụ cảm động. Một hôm gần Tết, bà bảo cụ Lê: “Tôi biết thầy có học Nho, không quên tổ tiên, nên bảo trẻ mua đồ cúng, thầy dọn bàn này đi mà cúng ông bà”. Nghĩa cử đó làm cụ Lê rưng rưng nước mắt.
Kể 3 câu chuyện ấy để rồi cụ Nguyễn Hiến Lê nhận định rằng: Những bà cụ này chất phác, không biết sử ký và địa lý nước Việt, mà đối với cụ - một người phương xa mới tới - lại đối xử tốt như trong nhà. Điều này lại khiến học giả họ Nguyễn nghĩ tới “đầu óc địa phương” của một số bạn “có học thức” của cụ “mà xấu hổ thay cho họ”! Họ mạt sát hết thảy những gì không phải từ xứ họ. Cụ đoan chắc: “Còn giữ tinh thần hẹp hòi ấy thì còn bị người ta chia rẽ, còn phải làm nô lệ”. Vậy nên khi viết Lời Tựa cho “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, cụ Nguyễn Hiến Lê thật sâu sắc khi bày tỏ: “Tôi mong rằng đọc xong cuốn này, đồng bào Trung, Bắc hiểu đồng bào miền Nam hơn và hết thảy chúng ta đoàn kết, tương thân tương ái nhau hơn”.
Tác giả bài viết bên phần mộ của học giả Nguyễn Hiến Lê và vợ tại chùa Phước Ân (Đồng Tháp).
***
Trong rất nhiều quyển sách do học giả Nguyễn Hiến Lê viết và dịch, thì quyển “Đắc Nhân Tâm” và “Quẳng gánh lo đi và vui sống” được xem là “kinh điển của kinh điển”. Quả vậy, cụ Nguyễn Hiến Lê xứng đáng là học giả “Đắc Nhân Tâm”.
Bài, ảnh: Duy Khôi