18/08/2014 - 20:41

Người tiêu dùng vẫn mơ hồ về quyền lợi

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) có hiệu lực thực thi từ được hơn 3 năm nhưng nhiều NTD vẫn chưa hiểu rõ, thậm chí không biết về các quyền cơ bản mình được hưởng. Do vậy, dẫn đến tình trạng NTD không biết bảo vệ mình khi quyền lợi bị xâm phạm. Bên cạnh đó, không ít NTD còn ngại "va chạm" nên đã bỏ đi những quyền lợi được hưởng trong mua bán và sử dụng sản phẩm.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Lan, đường 3 tháng 2, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết: "Thói quen mua sắm của tôi cũng như nhiều người bạn là thanh toán tiền rồi nhận hàng. Ít khi nào quan tâm đến hóa đơn. Do vậy, vừa rồi khi mua mỹ phẩm về dùng, thấy chất lượng không ổn tôi đem ra đổi. Nhưng cửa hàng cho rằng tôi mua đã nhiều ngày, vì không giữ hóa đơn nên tôi không chứng minh được sản phẩm phải mua ở cửa hàng nên bị từ chối". Thực tế, Luật bảo vệ quyền lợi NTD ra đời để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NTD cũng như lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Dù vậy, hiện vẫn còn rất nhiều NTD ít biết hoặc không quan tâm về những quy định này cho dù hằng ngày NTD phải đối mặt với hàng loạt các hành vi vi phạm quyền lợi như: bán hàng hóa kém chất lượng, thực hiện khuyến mãi không trung thực, chế độ bảo hành không tốt… từ nhà sản xuất hoặc phân phối. Tại một hội thảo về bảo vệ quyền lợi NTD, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, đã dẫn chứng bằng việc hãng xe Piaggio Việt Nam thông báo triệu hồi hơn 10.000 xe Vespa Primavera bị lỗi ống dẫn dầu phanh để Piaggio Việt Nam kiểm tra và khắc phục miễn phí. Nhưng hơn 6 tháng, hãng này chỉ thu hồi được hơn 1.000 sản phẩm. Qua đó, ông cho rằng NTD phần đông không quan tâm đầy đủ đến hàng hóa mình mua sau khi mua về.

Mặc dù đã có Luật bảo vệ quyền lợi NTD, nhưng không ít NTD đã vô tình chối bỏ quyền lợi của mình khi không cập nhật kiến thức, thông tin đầy đủ về vấn đề này.

Gần đây, câu chuyện của ông Tạ Văn Ẩn ở Bình Dương đã gây bức xúc cho không ít NTD. Đó là, sau khi mua một thùng mì gói hiệu "Unif bò rau thơm" khui ra thấy có phiếu trúng thưởng 100 triệu đồng nhưng công ty triển khai chương trình khuyến mãi đã từ chối trao thưởng vì cho rằng phiếu trúng thưởng không hợp lệ cho dù đã xác nhận sản phẩm (mì gói) là hàng thật!? Sau nhiều ngày kiện cáo, nhờ có sự "ra tay" của cơ quan chức năng – Bộ Công thương, vụ việc được xử lý bằng hòa giải, ông Ẩn được nhận 50% giải thưởng và 7 triệu đồng chi phí đi lại. Trong mua sắm hàng tiêu dùng, đặc biệt hàng ngoại nhập, để tiết kiệm tiền, không ít NTD đã chọn mua hàng không nguồn gốc rõ ràng và hóa đơn chứng từ (thường gọi là hàng xách tay). Với cách làm này, NTD đã vô tình đánh mất đi quyền của mình nên khi xảy ra vấn đề về chất lượng thì hầu như chỉ biết "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Ông Lê Trung Giang, đại diện Hội bảo vệ quyền lợi NTD TP Cần Thơ, cho biết: Các vụ việc Hội nhận được đơn thưa kiện thời gian qua của NTD chủ yếu là những món hàng giá trị lớn. Còn những thông tin tố giác các món hàng có giá trị nhỏ, hầu hết được hòa giải bằng cách thỏa thuận giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, NTD nên biết và hiểu Luật Bảo vệ quyền lợi NTD để đấu tranh vì quyền lợi và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh, mua bán.

Theo luật, NTD có 8 quyền: Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đi đôi với quyền, NTD có 2 nghĩa vụ: Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận, lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Thông tin cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết