16/10/2012 - 21:48

Người tiêu dùng cần nhận biết hàng nông sản nhập ngoại

Với cách buôn bán không ghi tên xuất xứ hàng, người tiêu dùng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận biết các loại rau củ quả nhập ngoại.

Thời gian qua, nhiều loại nông sản có giá rẻ nhập ngoại, như rau củ, trái cây có xuất xứ Trung Quốc bị ngành chức năng phát hiện có chứa hóa chất độc hại, người tiêu dùng đã hạn chế mua, thậm chí tuyên bố "nói không" với các mặt hàng này. Nhiều người kinh doanh cũng đã ngừng bán một số mặt hàng rau củ quả giá rẻ có xuất xứ Trung Quốc...

* Cảnh giác với nông sản nhập ngoại ...

Nói đến mua và sử dụng các mặt hàng rau củ, trái cây có giá rẻ nhập ngoại từ Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng đã lập tức lắc đầu, cho rằng không dám mua sử dụng vì e ngại sản phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Ông Nhữ Mạnh Quyền ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nói: "Trước đây gia đình tôi thường mua trái cây nhập ngoại từ Trung Quốc vì giá rẻ, mẫu mã màu sắc khá hấp dẫn, lại được người bán quảng cáo là ăn ngon, ngọt. Nhưng gần đây, theo dõi trên tivi, xem báo và nghe đài, thấy nhiều loại trái cây, rau củ và cả thịt gia cầm nhập ngoại từ Trung Quốc bị phát hiện có chứa chất độc hại cho sức khỏe, gia đình tôi rất sợ hàng Trung Quốc, không còn dám mua nữa. Hiện hàng nhập ngoại nào mà bán giá quá rẻ là tôi cảm thấy nghi ngờ về chất lượng, an toàn cho sức khỏe ngay. Thấy loại cá thịt, rau củ, trái cây nào quá tươi tốt hoặc có màu sắc quá bóng đẹp gia đình tôi cũng không dám mua, nhất là đối với hàng nhập ngoại". Cảnh giác đối với các mặt hàng nhập ngoại giá rẻ, người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn, tiêu dùng các mặt hàng nông sản nội địa. Bà Quách Kim Ngân ở phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: "Rau củ quả có xuất xứ Trung Quốc gia đình tôi tuyệt đối không mua, còn rau củ quả nhập ngoại từ các nước khác tôi cũng rất ít mua. Hiện gia đình tôi chủ yếu chọn mua và sử dụng các mặt hàng của Việt Nam. Hàng nội địa khá phong phú, đa dạng về chủng loại giá cả, người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn".

Sức mua nhiều loại rau củ quả có xuất xứ ngoại nhập, nhất là các mặt hàng nhập từ Trung Quốc đã có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Nếu trước đây, nhiều loại rau củ quả nhập từ Trung Quốc bày bán và tiêu thụ mạnh tại nhiều chợ và điểm bán trái cây ở cả nội thành và các vùng nông thôn thì hiện nay một số mặt hàng (như: cam, quýt Trung Quốc…) hầu như đã không còn thấy xuất hiện tại nhiều điểm bán hàng. Chị Trần Thị Thu, bán trái cây ở chợ Tân An, TP Cần Thơ, cho biết: "Hiện sức mua nhiều loại trái cây có xuất xứ Trung Quốc đã giảm hơn 50% so với trước, thậm chí có một số mặt hàng rất khó bán như cam, quýt Trung Quốc, tôi không bán các mặt hàng này trong nhiều tháng qua". Theo tiểu thương tại nhiều chợ ở TP Cần Thơ, hiện sức mua nhiều loại rau củ nhập ngoại từ Trung Quốc như: củ cà- rốt, bông cải, các loại nấm đông cô, nấm kim châm… cũng đã giảm mạnh so với trước. Bà Trương Thị Mùi, tiểu thương kinh doanh rau củ ở chợ An Nghiệp, TP Cần Thơ, chia sẻ: "Do củ cải cà rốt và các loại rau củ có xuất xứ Trung Quốc nói chung ít người mua, khó bán, hiện tôi cũng hạn chế kinh doanh".

* Nhưng người tiêu dùng còn thiếu thông tin

Nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), việc các loại hàng nhập ngoại bày bán ngày càng phổ biến ở thị trường nội địa cũng là điều dễ hiểu, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn. Tuy nhiên, những mặt hàng nhập ngoại có giá rẻ, không rõ chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm lại vẫn được những người kinh doanh thiếu đạo đức đưa vào thị trường, bất chấp sự "nói không" của nhiều người tiêu dùng.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nhiều loại rau củ, trái cây nhập ngoại có xuất xứ Trung Quốc vẫn bày bán tại nhiều điểm bán hàng và chợ trên địa bàn thành phố không có ghi rõ tên và xuất xứ, rất dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng là hàng trong nước hoặc được nhập khẩu từ các nước khác ngoài Trung Quốc. Để dễ bán hàng, có trường hợp người kinh doanh các loại hành củ, hành tây, tỏi, củ cà-rốt hay các loại nho, bom lê, lựu Trung Quốc … đã ngang nhiên ghi tên, giới thiệu tên sản phẩm gắn với xuất xứ Hà Nội, Đà Lạt (Việt Nam), hay xuất xứ Mỹ, Úc… Nhiều người tiêu dùng do còn thiếu thông tin và sự nhận biết về sản phẩm đã mua và sử dụng mà không hề hay biết mình mua hàng có xuất xứ nhập ngoại Trung Quốc. Có rất nhiều loại rau củ (như: các loại bông cải, bắp cải, củ hành tây, các loại nấm…), nếu người bán không ghi và nói rõ xuất xứ người tiêu dùng rất khó phân biệt với hàng trong nước. Dù nhiều người tiêu dùng không muốn mua và sử dụng các loại nông sản không rõ chất lượng có xuất xứ Trung Quốc, nhưng với cách buôn bán hàng còn mập mờ về xuất xứ sẽ rất khó cho sự lựa chọn của người tiêu dùng. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng hóa, các ngành chức năng cần siết chặt việc thực hiện các quy định của Nhà nước về niêm yết giá bán hàng tại các chợ, yêu cầu người bán hàng công khai tên sản phẩm và xuất xứ hàng hóa. Nếu ngành chức năng không siết chặt công tác quản lý, đây có thể là một "lỗ hổng lớn" gây nguy hại đến sức khỏe cho người tiêu dùng.

Cũng phải nhìn nhận một thực tế là hiện nay nhiều loại rau củ quả của nội địa chưa đáp ứng tốt nhu cầu về số lượng, chất lượng, mẫu mã và giá bán còn cao nên người tiêu dùng phải mua hàng nhập ngoại. Đơn cử các loại tỏi Phan Rang, tỏi Hà Nội và Lý Sơn (Việt Nam) có chất lượng tốt nhưng thường có giá cao hơn tỏi Trung Quốc ít nhất khoảng 50-70%, lượng hàng bán trên thị trường các tỉnh, thành ĐBSCL lại khá hạn chế, chủ yếu mới có mặt tại các siêu thị. Đa số người tiêu dùng khi muốn mua tỏi tại các chợ truyền thống buộc phải mua tỏi Trung Quốc. Các mặt hàng củ hành Tây Đà Lạt, củ hành tím Sóc Trăng… giá tuy không chênh lệch quá nhiều so với hàng nhập ngoại từ Trung Quốc nhưng lượng hàng và giá cả thường biến động theo mùa. Tương tự, cà-rốt Đà Lạt và các loại cà-rốt của nhà vườn địa phương không ổn định về nguồn hàng quanh năm như cà-rốt Trung Quốc, hơn nữa cà- rốt của ta có mẫu mã, màu sắc không hấp dẫn bằng nên cũng đã ảnh hưởng đến việc mua và sử dụng của người tiêu dùng, nhất là nhu cầu phục vụ chế biến các món ăn cho quán ăn, nhà hàng, khách sạn... Chính vì vậy, về lâu về dài để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, khuyến khích dùng hàng Việt, hạn chế tới mức thấp nhất hàng nhập ngoại không rõ chất lượng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hàng nông sản chúng ta cần tăng cường sản xuất nuôi trồng nhiều hơn nữa các mặt hàng nông sản nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Với cách buôn bán không ghi tên xuất xứ hàng, người tiêu dùng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận biết các loại

Chia sẻ bài viết