31/03/2012 - 08:29

Người thủ lĩnh Đoàn năng động, sáng tạo

 Anh Đinh Phú Hiệp - một thủ lĩnh Đoàn năng động, sáng tạo. Ảnh: THÀNH NGUYỄN 

* Ký: MIÊN HẠ

Trực tiếp làm việc ở các nhà máy, Đinh Phú Hiệp luôn động não để cải tiến kỹ thuật, sáng chế thiết bị mới cải thiện điều kiện làm việc của công nhân, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả lao động. Vừa sáng chế được thiết bị này, anh lao vào cải tiến thiết bị khác và ấp ủ cho mình nhiều ý tưởng khác nữa. Cứ thế, chẳng lúc nào anh rảnh tay, như thể tìm tòi, sáng tạo là hơi thở của anh vậy...

Vẻ bề ngoài, Đinh Phú Hiệp đậm chất nông dân. Nước da ngăm và gương mặt hiền lành làm nhiều người lầm tưởng anh thuộc tuýp người ít năng động. Vừa bước qua khỏi tuổi 30, vừa lên chức làm cha, anh Hiệp như chững chạc hơn, càng làm tăng vẻ đạo mạo và chất phác nhưng khi trò chuyện, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ với sự năng động của anh.

ĐAM MÊ SÁNG CHẾ

Người ta biết đến Hiệp khi anh thành công với hệ thống may bao tự động dùng PLC điều khiển. So với thiết bị có cùng chức năng được nhập khẩu từ nước ngoài, thiết bị của anh sáng chế giá cực thấp, tính năng tương đương và phù hợp với điều kiện thực tế tại các nhà máy ở Việt Nam. PLC là bộ điều khiển lập trình logic được sử dụng trong ngành công nghiệp chế tạo hệ thống máy dây chuyền tự động hóa. Nhìn hệ thống may bao tự động được nối với băng chuyền hoạt động trơn tru, anh Hiệp cho biết: “Hàng ngày làm việc ở nhà máy, tôi thấy công nhân phải làm việc vất vả, chủ yếu là dùng sức nhiều nhưng hiệu quả không cao. Khi cần nguồn hàng xuất khẩu lớn, trong thời gian ngắn, công ty khó đáp ứng được vì nhân lực có hạn. Nguồn hàng có nhưng khâu may bao chủ yếu bằng tay thì khó có thể hoàn thành kế hoạch giao hàng với số lượng lớn được”. Nghĩ thế, mỗi ngày anh Hiệp dành một vài giờ nghiên cứu hệ thống may bao tự động dùng PLC điều khiển, cứ thế trong suốt 10 tháng ròng rã. Khi toàn hệ thống ăn khớp với nhau, anh Hiệp đề nghị đưa vào ứng dụng tại nhà máy của Công ty TNHH Bình Tây tại An Giang (chuyên kinh doanh lương thực) vào cuối năm 2009. Khi đó, hệ thống này lại gặp trục trặc về trọng lượng bao. Vì lúc thử nghiệm, anh chỉ thực hiện may bao không tải nên khi gặp bao có tải trọng nặng, băng chuyền hoạt động không hiệu quả, đường may không được như ý muốn. Nhưng điều này không quá khó khăn nên anh Hiệp chỉ điều chỉnh lại một vài chi tiết, thông số kỹ thuật là xong.

Chỉ trong thời gian ngắn sử dụng, sản phẩm sáng tạo của anh Hiệp đã mang lại hiệu quả đáng kể. Hệ thống này chỉ cần một công nhân ngồi để đưa bao vào, các khâu còn lại đều tự động hoàn toàn. Nếu làm thủ công như trước đây, toàn khâu may bao phải tốn 3-4 lao động và mất nhiều thời gian. Điều đáng ghi nhận ở hệ thống may bao tự động dùng PLC điều khiển là có thể sử dụng cùng lúc nhiều máy may bao trên cùng một băng chuyền mà không sợ “tắt đường”. Anh Hiệp giải thích: “Ứng dụng PCL điều khiển, băng chuyền sẽ tự động dừng khi có vật cản phía trước và có thể phân ra thứ tự ưu tiên giữa các bao gạo, lập lại trật tự “giao thông” trên toàn hệ thống. Không ứng dụng bộ điều khiển này, nhà máy phải tốn thêm công nhân đứng ở các ngã ba-nơi các bao gạo được đưa từ máy may ra hệ thống băng chuyền để can thiệp, chứ nếu không thì các bao bị ứ đọng tại một chỗ...”. Hệ thống may bao tự động dùng PLC điều khiển của anh Hiệp, giá chỉ bằng khoảng 1/3 đến 1/5 giá thiết bị tương tự được nhập khẩu từ nước ngoài. Với giá này, nhà máy có thể hoàn vốn trong vòng 3-4 tháng, tiết kiệm được nguồn nhân lực và nâng công suất hoạt động.

Sản phẩm Hệ thống may bao tự động dùng PLC điều khiển của Đinh Phú Hiệp hiện đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều nhà máy ở An Giang. Ảnh: THÀNH NGUYỄN

Chúng tôi hỏi, anh đã hài lòng với sáng kiến của mình chưa? Anh Hiệp trả lời ngay: “Tôi sẽ tiếp tục cải tiến để hệ thống này hoạt động tự động hóa hoàn toàn. Tức là khâu đưa bao vào hiện nay còn sử dụng lao động sẽ được thay thế bằng một cánh tay rô-bốt. Trong năm nay, tôi sẽ hoàn thành cải tiến này!”. Đinh Phú Hiệp là thế. Bề ngoài, anh có vẻ lầm lì, ít nói nhưng khi trò chuyện với chúng tôi về những sáng tạo, cải tiến, anh nói rất say sưa, mắt sáng lên niềm đam mê. Anh Hiệp khoe: “Hiện nay, tôi đang nghiên cứu cải tiến hệ thống cân băng tải nối tiếp đường băng mà không cần phải tốn lao động cho việc cân khi tiếp nhận nguyên liệu từ tàu lên nhà máy và ngược lại. Hiện nay, khâu này phải tốn từ 1-2 công nhân và chủ hàng đứng giám sát. Khi cải tiến này thành công, chủ hàng có thể kiểm tra trên bộ nhớ của hệ thống mà không cần phải đứng giám sát mỗi lần cân hàng. Hệ thống này hoạt động tự động hóa hoàn toàn, không cần phải sử dụng lao động”.

TRUYỀN LỬA SÁNG TẠO

Anh Đinh Phú Hiệp sinh ra và lớn lên tại vùng đất An Giang. Anh tâm sự, nhờ hoạt động Đoàn mà anh say mê sáng tạo hơn. “Đứng ở vị trí thủ lĩnh Đoàn, tôi tự thấy vai trò gương mẫu của mình. Ở môi trường sản xuất kinh doanh, đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, tôi tự đặt cho mình trách nhiệm phải luôn năng động sáng tạo. Và tôi rất mừng vì mình đã làm được một số việc...”, anh Hiệp khiêm tốn nói.

Về công tác tại Công ty TNHH Bình Tây, anh Hiệp nhanh chóng tham gia vào tổ chức Đoàn của công ty. Chỉ trong một thời gian ngắn, anh được bầu làm Bí thư Đoàn của công ty rồi tiếp tục giữ thêm chức vụ Phó Bí thư Đoàn của Tổng công ty. Với vai trò thủ lĩnh, anh thường xuyên đề xuất những cải tiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty để các đoàn viên chung tay thực hiện tạo môi trường lao động dân chủ, sáng tạo, gắn kết đoàn viên với nhau. Được Ban giám đốc công ty ủng hộ, phong trào lao động sáng tạo trong đoàn viên phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt các cải tiến kỹ thuật ở khâu nhập nguyên liệu, hệ thống chứa, hệ thống băng tải... sử dụng nhiều lao động của công ty được chuyển sang tự động hóa, giảm sức lao động cho công nhân, tăng lợi nhuận kinh tế cho doanh nghiệp. Anh Hiệp như một người truyền lửa cho hoạt động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật ở công ty. “Môi trường Đoàn đã làm cho tôi trở nên năng động hơn. Khi có ý tưởng mới, tôi lại càng thấy phấn khích và muốn trao đổi ngay với các đoàn viên để thực hiện ngay. Ban giám đốc nhiệt tình ủng hộ càng tạo động lực cho đoàn viên nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo đưa vào ứng dụng thực tế, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, ngày một hiệu quả, chất lượng hơn”, Hiệp tâm sự.

Khi còn là sinh viên ngành Điện Công nghiệp của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, vốn thích mày mò, sáng tạo, anh Hiệp đã cùng bạn bè thực hiện nhiều công trình liên quan đến chuyên ngành tại xưởng của nhà trường và nhận làm nhiều công trình bên ngoài để có tiền trang trải chi phí học tập và có dịp cọ xát với thực tế. Nhờ đó, anh Hiệp đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm quý báu. Khi tốt nghiệp, anh đưa thực tế ứng dụng cân đóng túi loại nhỏ thành đề tài và được hội đồng tốt nghiệp đánh giá cao. Hiện nay, Đinh Phú Hiệp vừa chuyển công tác đến một nhà máy ở vùng nông thôn tỉnh An Giang. Nhà máy chỉ mới hoạt động trong thời gian ngắn nên thiếu vắng hoạt động Đoàn. Đó chính là trăn trở của anh trong suốt những tháng qua. Hiệp cho biết: “Tôi sẽ gầy dựng phong trào Đoàn tại đây để tiếp tục truyền lửa sáng tạo vào đoàn viên, tạo phong trào thi đua trong lực lượng trẻ, góp phần làm tăng giá trị kinh tế cho doanh nghiệp. Đồng thời, tạo một môi trường sinh hoạt năng động, sân chơi bổ ích cho thanh niên nông thôn...”.

o O o

Thủ lĩnh Đoàn năng động, đầy tâm huyết Đinh Phú Hiệp có tên trong danh sách 100 gương thanh niên khu vực Miền Nam được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2011. Sáng kiến Hệ thống may bao tự động dùng PLC điều khiển của anh đang chờ Bộ Khoa học-Công nghệ cấp Bằng Sáng chế. Chàng thanh niên vùng đất An Giang này hiện đang nghiên cứu, sáng tạo nhiều công trình mới để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh. Và chúng tôi tin chắc rằng, anh tiếp tục thành công trong việc truyền ngọn lửa đam mê sáng tạo kỹ thuật trong đoàn viên, thanh niên, góp phần xây dựng nông thôn mới và thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ở địa phương.

Chia sẻ bài viết