17/05/2020 - 11:37

Người miền Tây “như vẫn có Bác bên mình”! 

“Như vẫn có Bác bên mình…” - câu thơ trong bài “Đền thờ Bác Hồ ở chót mũi Cà Mau” của nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, cũng là nghĩ suy đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người dân Việt Nam nói chung, người dân Tây Nam bộ nói riêng.

Phủ thờ Bác Hồ ở Trí Lực, Thới Bình, Cà Mau. Ảnh: DUY KHÔI

Quê ngoại tôi ở Huyện Sử (Thới Bình, Cà Mau), ven bờ kinh xáng Chắc Băng. Từ Huyện Sử tới Ranh Hạt (vùng giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang và huyện Thới Bình) chừng vài cây số. Nhắc đến Ranh Hạt là nhắc đến một câu chuyện đẹp về tình cảm người Cà Mau với Bác Hồ. Đó là chuyện về má Lê Thị Sảnh (thường gọi má Tư Tố, theo tên chồng) gửi cây vú sữa theo đoàn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc vào năm 1954 với lời nhắn rằng: “Ra ngoài đó, các con thưa với Cụ Hồ, thưa với cô bác miền Bắc rằng, bà con trong này luôn hướng về Cụ Hồ, hướng về miền Bắc”. Cây vú sữa ấy đã được trao tận tay Bác Hồ và bây giờ đang tươi tốt ở nhà sàn của Bác, đến mùa vẫn cho trái oằn sai. Hình ảnh Bác Hồ chăm sóc, tưới nước cho cây vú sữa là biểu hiện tấm lòng của Bác dành cho miền Nam và tấm lòng người miền Nam dành cho Bác.

Lần nào về Huyện Sử, tôi cũng vào nhà má Tư để thắp nén nhang. Mấy năm trước, tôi thường được nghe bà Lê Thị Bảy, con dâu của má Tư, kể về tấm lòng của má Tư dành cho Bác Hồ kính yêu. Nay thì bà Bảy cũng đã đi xa, và những thế hệ tiếp theo trong gia đình lại giữ những câu chuyện đẹp của dòng họ. Bên cạnh phần mộ của tía, má Tư Tố, ngành chức năng cho xây dựng bia kỷ niệm “Cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ”, với hình ảnh Bác Hồ đang tưới cây vú sữa. Bia ghi: Má Lê Thị Sảnh, người gởi cây vú sữa miền Nam tặng Bác Hồ nhân dịp chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954. Cây vú sữa đã trở thành biểu tượng tình cảm của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ và của Bác Hồ đối với đồng bào miền Nam.

Được đi nhiều nơi trên mảnh đất đồng bằng, được ghé viếng những Đền thờ, Phủ thờ Bác Hồ, tôi lại càng thấu hiểu tình cảm của người dân hướng về Bác. Quê ngoại Cà Mau của tôi có hơn 15 Đền thờ thờ Bác Hồ, nơi những tên đất, tên làng nghe thân thương: Ong Bọng, Tắt Năm Căn, Nà Chim, Kinh Cạn, Bàu Hầm, Kinh Bảy Trí Phải… Tôi nhớ hoài mấy câu thơ của nhà thơ Diệp Minh Tuyền:

Ngôi đền thờ trầm mặc uy nghiêm

Tựa vào chang đước

Như rễ bám sâu vào đất, nước

Niềm tôn kính Bác Hồ

Bám chặt lòng chúng tôi”

Có nhiều câu chuyện người miền Tây tôn kính Bác Hồ giữa những cấm đoán, truy lùng của giặc. Trong quyển “Tấm lòng Cà Mau với Bác Hồ” (NXB Mũi Cà Mau, 2000), có câu chuyện ở nhà một người phụ nữ miệt Đất Mũi vào năm 1958, mọi người quây quần mừng sinh nhật Bác, hướng về tấm ảnh Người cỡ 6x9cm treo trên vách lá. Mừng sinh nhật Bác xong, bà Hai nâng niu gói hình Bác cất kỹ. Còn có chuyện một ông chủ nhiệm nước ở Vị Thanh thời điểm 1955, đến ngày 19-5, ông đặt tờ lịch có con số 19 đỏ tươi ở chiếc bàn nhỏ, phía dưới đặt một bình hoa cắm hoa điệp vàng và một hoa hướng dương nhô cao.

Hay tin Bác qua đời, người miền Tây đau chung nỗi đau của dân tộc. Những Đền thờ Bác Hồ đã được dựng nên trên mảnh đất đồng bằng. Bom đạn, rình rập… địch dùng mọi cách để phá hoại nhưng lòng dân miền Tây quyết tâm nhang khói cho Bác. Chúng tôi đã có dịp nghe nhiều câu chuyện như thế ở Đền thờ Bác Hồ tại Cù Lao Dung, Sóc Trăng; Đền thờ Bác Hồ ở Vĩnh Lợi, Bạc Liêu; Đền thờ Bác Hồ ở Lương Tâm, Long Mỹ, Hậu Giang hay Phủ thờ Bác Hồ ở Thới Bình, Cà Mau.

Như chuyện cất Phủ thờ Bác ở Kinh Bảy Trí Phải (nay thuộc xã Trí Lực, huyện Thới Bình) do Huyện Đoàn Thới Bình đề xuất và chủ sự xây dựng ngay sau khi Bác Hồ vĩnh viễn đi xa, với khẩu hiệu “Tuổi xuân quyết báo đền ơn Bác”. Theo lời kể của các cụ cao niên, vùng Huyện Sử - Trí Phải lúc bấy giờ, dù thế địch đã yếu nhưng vẫn còn đóng ở 3 chốt: Kinh Chín Tân Bằng, Kinh Tám Ngàn và Huyện Sử. Khó khăn nữa là nơi cất Phủ thờ là một cái lung rất lớn, cỏ mọc quá đầu nên việc phát dọn và chở đất từ nơi khác về san lấp rất kỳ công. Giữa bom đạn chiến tranh, vậy mà rất đông người đến tham gia, với mong muốn có nơi hương khói Bác.

Dòng người chen kín vào dâng hương, dâng hoa cho Bác tại Đền thờ Bác Hồ xã Lương Tâm (Long Mỹ, Hậu Giang) dịp 19-5.

Còn ông Khưu Tam Phước (tự Ba Phước), giai đoạn năm 1969 là Thường vụ Đảng ủy, Trưởng công an xã Châu Thới (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), một trong những người xây dựng Đền thờ Bác Hồ ở đây, kể rằng: Ngày 6-9-1969, Huyện ủy Vĩnh Lợi đã chọn nhà của ông Nguyễn Văn Tên, ở ấp Bà Chăng, xã Châu Thới làm nơi truy điệu Bác. Tháng 3 năm 1970, bà con Châu Thới chung lòng dựng Đền thờ Bác Hồ bằng cây lá đơn sơ nhưng sau đó bị giặc vào thiêu rụi. Sau đó, một ngôi đền khác lại dựng nên bằng chính chiến lợi phẩm thu được. Ngày 19-5-1972, lễ khánh thành Đền thờ Bác Hồ được tổ chức đơn sơ nhưng thành kính.

Những ngôi Đền thờ Bác đơn sơ ngày nào giờ đã khang trang, và tình cảm thiêng liêng với Bác Hồ càng được vun bồi qua nhiều thế hệ. Ở Đền thờ Bác Hồ tại Châu Thới, bao nhiêu lần về lại, chúng tôi lại được nghe bà con kể về ông Khưu Tam Phước và ông Nguyễn Văn Khoa, những thanh niên từng góp công xây dựng nơi thờ Bác năm nào và 48 năm qua vẫn gắn bó với nơi này, chăm lo nhang khói. Ông Nguyễn Văn Khoa đã tròn 70 tuổi, dành cả thanh xuân và tuổi xế chiều để sớm hôm bên Đền thờ, quen thuộc từng bụi cây, thớ đất, vẫn đều đặn kể cho cháu con hôm nay nghe về lịch sử hùng anh của quê hương, về công lao của Bác Hồ. Mấy lần trước về thăm ông Ba Phước, ông vẫn thường giới thiệu về những bài ca cổ do ông tự viết. Tôi nhớ hoài mấy câu ca mà ông Ba Phước cảm tác: “Bác ơi! Lễ dâng hương khói tỏa mênh mông. Một phút mặc niệm để tỏ lòng thành kính. Tất cả chúng con xin cùng nhau tuyên thệ, làm theo lời Di chúc thiêng liêng Bác đã dặn dò...”.

Khắp dải đất đồng bằng, đâu đâu cũng có những câu chuyện đẹp về tình cảm người dân dành cho Bác Hồ kính yêu. Ở những nơi có Đền thờ Bác, mỗi dịp sinh nhật của Người hay tưởng nhớ ngày Bác đi xa, bà con lại quây quần nấu mâm cơm, sắp dĩa trái cây hái sau vườn dâng cúng Bác. Mấy dịp dự lễ dâng hương, dâng hoa Bác Hồ tại Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm (Long Mỹ, Hậu Giang), tôi ấn tượng với những mâm xôi do bà con các ấp làm để dâng Bác. Có người còn mang đến con gà, mâm bánh… Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, người dân xã Lương Tâm, nói rằng: “Nhớ ơn Bác Hồ, ai cũng đến thắp cho Người cây nhang. Ai có gì thì mời Bác món đó, cốt ở lòng thành”.

Với những nơi không có Đền thờ Bác, như huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, quê tôi chẳng hạn, bà con lại có một cách khác để nhớ Người. Ngoài việc thờ, treo ảnh Bác nơi trang trọng trong gia đình, mỗi dịp Tết đến, bà con dọn bàn thờ Tổ quốc, Bác Hồ ra trước cửa nhà, trang trí rực rỡ, chưng dưa hấu, bánh mứt. Ai đến thăm nhà chơi Tết, không ai nhắc ai, thảy đều chắp tay cúi đầu chào Bác. Ông Nguyễn Văn Vĩ, 80 tuổi, một cựu chiến binh ở ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Việc lập bàn thờ Bác Hồ ngày Tết đã có từ khoảng 10 năm qua, bà con thực hiện rất trang nghiêm với tâm nguyện mời Bác về ăn Tết với gia đình.

Còn có nhiều gia đình nấu mâm cơm cúng Bác tưởng nhớ ngày Bác đi xa. Ông Phan Văn Nam, ngụ xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, vẫn giữ lệ cũ gia đình, 50 năm qua vẫn tổ chức lễ giỗ Bác Hồ. Ông tâm nguyện rằng, đời ông và đời con cháu ông cũng vậy, tiếp tục truyền thống nhân văn này.

Tất cả là tấm lòng, tất cả xuất phát từ sự thảo thơm của bao thế hệ những người con đồng bằng gửi đến Bác Hồ. Còn gì ý nghĩa hơn những bước chân tìm về Đền thờ Bác, thắp dâng Người nén hương thơm, lòng thầm thì quê hương mình giờ đây đổi mới, giàu đẹp như lòng Bác hằng mong:

Chúng tôi giờ đã có trong tay

Cả bao la rừng vàng biển bạc

Nhớ vô cùng công ơn của Bác

Chúng tôi lại vào Đền

Thắp cho Người nén hương…”

(“Đền thờ Bác Hồ ở chót mũi Cà Mau” của nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền).

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết