12/05/2010 - 20:41

Người "biến" lục bình thành... đô-la!

Nguyễn Hồng Tân, người đưa lục bình xuất ngoại. 

Ngày trước, lục bình tự sinh sôi, nảy nở và cứ trôi bồng bềnh trên khắp các tuyến sông, kinh rạch, gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện thủy. Thế nhưng, những năm gần đây, loài bèo này đã lên đời, được dùng làm nguyên liệu sản xuất hàng mỹ nghệ và trang trí nội thất, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Vốn xuất thân ở miền quê sông nước, Nguyễn Hồng Tân (ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), là người đã thổi hồn vào lục bình dân dã quê nhà và giúp nó vượt đại dương sang tận trời tây, thu về nguồn ngoại tệ khá lớn. Không chỉ vậy, anh đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững...

* Lục bình nở hoa

Một ngày mới, không khí làm việc tại cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ và trang trí nội thất Ánh Tân Cương (tọa lạc tại xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) thật rộn rịp, xen lẫn tiếng nói cười. Hơn năm năm nay, người dân địa phương có thêm nghề đan đát lục bình, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều thanh niên, tránh xa các tệ nạn xã hội, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Sau ngày cưới, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tài, chị Bùi Thị Diễm (ở xã Mỹ An), không có công ăn việc làm, cuộc sống gia đình túng thiếu, thắt ngặt nên đôi lúc vợ chồng thường xảy ra cự cãi. Từ khi cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ và trang trí nội thất Ánh Tân Cương ra đời, anh Tài, chị Diễm được nhận vào làm công, với mức thu nhập ổn định. Từ đó, họ cùng nhau góp sức xây dựng tổ ấm ngày thêm đầm ấm, hạnh phúc. Rảo bước quanh cơ sở, chúng tôi bắt gặp những nụ cười tươi hiện rõ trên gương mặt của những công nhân. Anh Võ Thanh Tuyền, công nhân của cơ sở, cho biết: “Ngày trước, do không có công ăn việc làm, nhiều thanh niên trong xóm không biết làm gì khác hơn ngoài chuyện tụ tập nhậu nhẹt. Từ khi cơ sở này về đây hoạt động, chúng tôi có việc làm ổn định, thu nhập cũng khá cao, nên đa số anh em làm việc rất nhiệt tình. Dù không bà con thân thích, nhưng chúng tôi coi nhau như anh em ruột thịt trong nhà, thường sẻ chia cùng nhau những khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống, không còn rong chơi, lêu lổng như trước”...

Cơ sở sản xuất này được xây dựng trên diện tích 4.000m2. Dẫn chúng tôi tham quan các công đoạn sản xuất, anh Lê Thanh Giàu, Giám đốc chi nhánh, cho biết: “Cơ sở sản xuất ra các sản phẩm trang trí nội thất, như: Tủ, bàn, ghế... bằng gỗ và lục bình. Để có được sản phẩm hoàn chỉnh, chúng tôi phải trải qua nhiều công đoạn như: Xẻ gỗ, làm khung, bện (đan) lục bình, sơn màu và may nệm. Mỗi khâu có nhóm người phụ trách riêng biệt. Hiện nay, cơ sở giải quyết việc làm cho hơn 100 thanh niên ở địa phương, với mức lương từ 1,2 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Lao động được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ thưởng lễ, Tết theo quy định pháp luật lao động”. Có được sự chuyển biến tích cực này là nhờ sự đóng góp không nhỏ của Lê Thanh Giàu.

Gia đình Thanh Giàu sống chủ yếu bằng nghề mộc, nhưng nguồn thu nhập không nhiều. Thanh Giàu là con thứ 8 trong nhà gồm 10 anh chị em. Học xong lớp 10, gia đình gặp khó khăn, anh phải nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ, lo bươn chải cuộc sống. Nhưng công việc làm ở đây không nhiều, số tiền kiếm được chẳng là bao, sau nhiều đêm suy tính, anh quyết định khăn gói lên TP Hồ Chí Minh tìm việc làm. Vốn là thợ mộc lành nghề, anh xin vào làm công cho công ty chuyên sản xuất đồ gỗ, hàng trang trí nội thất, với mức lương vỏn vẹn 1,8 triệu đồng, không đủ cho các khoản chi tiêu như tiền thuê nhà, điện, nước, sinh hoạt hàng ngày... Thế là Thanh Giàu nghỉ việc và đi kiếm tìm một công việc mới. Một lần, đang ngồi uống cà phê, anh tình cờ gặp Nguyễn Hồng Tân, người bạn cũ cùng quê. Sau nhiều ngày bàn tính, Thanh Giàu và Hồng Tân quyết định thành lập Công ty cổ phần Ánh Tân Cương, do Hồng Tân làm Giám đốc. Kể từ đó, cuộc đời Thanh Giàu rẽ sang một bước ngoặt mới. Hiện nay, anh được bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh ở xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, phụ trách khâu tìm kiếm nguyên liệu, sản xuất sản phẩm theo đơn đặt hàng; còn Hồng Tân thì tìm kiếm khách hàng, lo đầu ra cho sản phẩm.

Khi tuyển dụng công nhân làm việc tại cơ sở, Thanh Giàu luôn dành ưu tiên cho những thanh niên nghèo để giúp họ học nghề, vừa có thu nhập tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Anh tâm sự: “Bản thân tôi lúc trước cũng là một thanh niên nghèo, không có việc làm nên mình hiểu được nỗi vất vả của họ. Nhờ một phần may mắn mà tôi có được thành tựu như hiện nay. Nhìn thấy mỗi thanh niên rèn được tay nghề thành thạo là mình cảm thấy vui lắm. Ít nhất họ cũng có nghề để tự lập sau này”.

* Giám đốc “lục bình”

Bạn bè thân quen vẫn thường đùa gọi Nguyễn Hồng Tân như thế. Bởi từ trước tới nay chẳng ai giống như anh: Tốt nghiệp khoa Quản lý Công nghiệp (Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh), nhưng lại khăn gói về quê. Ngày ngày, Hồng Tân đi khắp nơi tìm mua lục bình, rồi về nhà tự mày mò nghiên cứu. Ông Nguyễn Hoàng Phượng, cha Hồng Tân như ngồi trên đống lửa, khi nhìn đứa con của mình lên thành phố ăn học, trở về với tấm bằng đại học chính quy mà chẳng chịu đi làm, chỉ biết chúi đầu vào máy vi tính. Nỗi lo lắng tiếp tục nhân đôi khi con mình rời TP Long Xuyên, trung tâm kinh tế của An Giang, đến huyện Chợ Mới để mở cơ sở. “Không phải cứ làm theo người khác là thành công. Con có con đường riêng của mình”- Hồng Tân trấn an cha mẹ, rồi bắt đầu khởi nghiệp từ lục bình, với số vốn 50 triệu đồng mượn của gia đình.

Thật ra, vào thời điểm năm 2006, dùng lục bình làm nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đã không còn là chuyện mới ở Việt Nam. Nhưng, biến lục bình thành những đồ dùng, trang trí nội thất thì Hồng Tân thuộc một nhóm người đi tiên phong. Cái duyên anh đến với nghề thật tình cờ. Đang học năm cuối đại học, trong những ngày lang thang trên Internet tìm tài liệu học tập, Hồng Tân lạc chân vào trang web giới thiệu các sản phẩm trang trí nội thất của Thái Lan. Thấy mẫu mã, hàng hóa xứ người đẹp quá, lại được đan từ những chất liệu gần gũi với thiên nhiên như đay, cỏ... Hồng Tân nghĩ ngay đến lục bình. Và trong chuyến về thăm quê, Hồng Tân gặp Thanh Giàu, người bạn cũ đang làm thợ mộc. Trao đổi với bạn về ý tưởng của mình, được biết nó có thể triển khai và Hồng Tân nung nấu ước mơ từ thuở đó. Thanh Giàu kể: “Biết được tôi là thợ mộc, Hồng Tân đã mạnh dạn đề xuất sẽ thành lập công ty chuyên sản xuất hàng mỹ nghệ và trang trí nội thất, rồi lên mạng rao bán cho khách hàng ở nước ngoài. Càng bất ngờ hơn, Hồng Tân đề xuất sẽ sử dụng nguyên liệu bằng gỗ và lục bình. Thú thật, ban đầu tôi không chắc lắm. Bởi vì, lục bình bản thân nó đã rất bèo rồi, thì làm sao nó mang lại nguồn thu nhập cho mình. Thế nhưng, chính Hồng Tân đã làm tôi phải có suy nghĩ khác”.

Theo Hồng Tân, lợi thế của nghề là không cần vốn đầu tư nhiều, khi có đơn đặt hàng mới triển khai sản phẩm. Trước đó, công nhân chỉ làm hàng mẫu và tập trung sáng tạo. Ngày ấy, ở huyện Chợ Mới chẳng ai biết làm nghề đan đát lục bình, ở các tỉnh miền Tây, nghề này chỉ thịnh ở tỉnh Đồng Tháp. Do đó, muốn có được công nhân, anh phải mời thợ lành nghề về dạy tại cơ sở, cũng như dạy cho cả xóm cùng làm. Anh xác định sử dụng đội ngũ thợ vừa đủ, những phần việc phụ thì giao cho lao động bên ngoài. Cách làm này vừa tạo công việc cho dân địa phương, vừa an toàn cho đồng vốn trong những trường hợp không có đơn đặt hàng. Vừa đào tạo thợ, Hồng Tân vừa đầu tư tạo trang web giới thiệu về công ty, thiết kế sản phẩm và quảng bá trên các trang web lớn của thế giới như: Google, Alibaba... “Chỉ có thương mại điện tử mới có thể giúp tôi giải quyết bài toán nan giải về đầu ra của sản phẩm” - Hồng Tân chia sẻ. Thế là, Công ty cổ phần Đồ dùng và trang trí nội thất Ánh Tân Cương được thành lập, do Hồng Tân và Thanh Giàu hợp tác kinh doanh.

Mất sáu tháng quảng bá và... chờ đợi, Hồng Tân mới có được đơn đặt hàng đầu tiên. Địa chỉ giao hàng là đảo Sip (Cyprus), vùng đất xa xôi tận Địa Trung Hải. Thiết kế đẹp và lạ mắt là lợi thế giúp Công ty Ánh Tân Cương chinh phục khách hàng. Hồng Tân bộc bạch: “Làm ăn với người nước ngoài, quan trọng nhất là sự trung thực. Họ muốn biết đầy đủ thông tin về hàng hóa cũng như năng lực sản xuất thực tế để có thể hoạch định công việc. Nếu sợ mất khách hàng mà nói quá khả năng của mình thì sẽ dễ bị họ tẩy chay”.

Lấy lợi nhuận từ việc xuất khẩu hàng làm vốn xoay vòng, sản xuất tiếp, Hồng Tân từng bước mở rộng mô hình kinh doanh. Vừa trả nợ xong cho ba mẹ, anh lại mượn tiếp với số tiền nhiều hơn để mở nhà xưởng, mới có thể đáp ứng theo đơn đặt hàng ngày càng tăng. Lần mượn tiền thứ hai, rất may là cả nhà sẵn sàng móc “hầu bao” mà không còn lo lắng nhiều như trước. Hồng Tân cho biết: “Bước đầu khởi nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong khâu sản xuất. Sản phẩm làm ra thường bị lỗi về kích thước, màu sắc của sản phẩm không đẹp, chi phí sản xuất cao, sản phẩm chưa được nhiều người biết đến... Hoạt động không hiệu quả, công ty đứng trên bờ vực phá sản”. Trước nguy cơ này, Hồng Tân đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc quyết định di dời cơ sở sản xuất về quê nhà. Ở đây, nguyên liệu dồi dào, giá thuê nhân công thấp, nhằm kéo giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận. Đúng như dự kiến, đơn đặt hàng tăng, sản phẩm làm ra ngày một nhiều, giải quyết việc làm cho thanh niên ở địa phương từ một vài người, đến cả trăm người. Cơ sở dần ăn nên, làm ra, sau đó thì mua đất, xây dựng nhà xưởng như ngày nay.

So với Thanh Giàu, Hồng Tân có phần may mắn hơn. Anh vốn xuất thân trong gia đình khá giả, cha công tác tại cơ quan nhà nước, mẹ làm nội trợ. Chị Hai của Hồng Tân hiện đang công tác ở nước ngoài, còn đứa em út đang học đại học tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, không vì thế mà Hồng Tân ỷ lại. Anh muốn tự thân tạo dựng sự nghiệp, dẫu biết rằng con đường phía trước còn lắm chông gai và thách thức... Không dừng lại đó, hiện nay, Hồng Tân đang thực hiện kế hoạch sản xuất bàn, ghế bằng mây giả nhựa. Bước sang lĩnh vực mới, chúng tôi tin rằng với bản lĩnh của tuổi trẻ, anh sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa, góp phần cùng chính quyền giúp đỡ, tạo điều kiện, giải quyết việc làm cho thanh niên nghèo ở địa phương, vươn lên trong cuộc sống.

Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết