07/07/2016 - 20:08

Ngủ đảo Khánh Hòa, tắm biển Ninh Thuận

Cách trở đò ngang nhưng hòn đảo xinh đẹp nằm ngay cửa vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) vẫn đang "làm mưa làm gió" cộng đồng du lịch bởi vẻ đẹp hoang sơ của hòn đảo này và những bãi biển lân cận. Trên đảo không có nhiều bãi tắm nhưng môi trường nước trong lành, có rạn san hô lớn đa sắc và nhiều bãi khác đang phục hồi. Di chuyển bằng tàu chừng 15 phút là đến những bãi biển tuyệt đẹp mà đường bộ không thể tiếp cận được.

Đó là đảo Bình Hưng thuộc xã đảo Cam Bình (thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Cùng với đảo Bình Ba, bán đảo Bình Lập, đảo Bình Hưng là một trong ba điểm "phải đến" của Cam Ranh, mỗi nơi mang một vẻ đẹp khác nhau. Nếu đảo Bình Ba là chị Cả xinh đẹp, mặn mà thì Bình Lập cô Hai kiêu sa. Riêng Bình Hưng được ví như cô Út còn sở hữu vẻ đằm thắm, dịu dàng và gần gũi.

Đảo Bình Hưng không nổi trội trong cụm "Tam Bình" nhưng vẫn là điểm đến của nhiều người bởi thuận tiện, lại thêm từ đây có thể tiếp cận được nhiều điểm đến khác trong một cự ly ngắn mà đường bộ không đến được. Hòn đảo này chỉ có những bãi biển nhỏ, còn lại là những bãi đá với những vách đá dựng đứng, có vách cao gần 20 mét. Di chuyển về hướng Tây, tức hướng đất liền, du khách sẽ đến được những bãi biển cát trắng mịn màng với làn nước biển trong lành, như: Bãi Chuối, bãi Nước Ngọt, bãi Chà Là… Những bãi biển này nằm dọc theo Tỉnh lộ 702 từ Ninh Chữ (Ninh Thuận) ra tới Mỹ Thanh- phía Nam vịnh Cam Ranh. Tuy nhiên, đường bộ lại khó tiếp cận bởi đường xuống bãi là vực thẳm, nhiều hốc há, ghềnh đá cheo leo, hiểm trở. Bởi thế, du lịch tới đảo có một điều lý thú là "ngủ đảo Khánh Hòa, tắm biển Ninh Thuận". Bất kỳ ai ra chơi Bình Hưng đều phải thuê tàu trở lại bờ Ninh Thuận để tắm biển. Những bãi biển này đều trong lành. Bờ cát trắng dài mịn màng cả trăm mét vẫn còn thấy đáy. Đặc biệt, trên các bãi biển là những tảng đá vô vàn hình thù, kiểu dáng và màu sắc hết sức sinh động. Hai đầu của bãi là những vách đá cao. Mùa nồm, sóng biển chỉ nhè nhẹ. Đáy biển tuyệt nhiên không có đá ngầm.

Gần đây, trên đảo Bình Hưng được xây dựng nhiều cơ sở lưu trú, thay vì trước đây du khách chủ yếu ở nhờ nhà dân. Có những khách sạn được đầu tư hàng tỉ đồng khang trang, chễm chệ ngay tại cầu cảng của đảo. Nhiều bè cá mở các dịch vụ ăn uống, lưu trú ngay trên bè, đa dạng cho du khách chọn lựa khi tới đảo. Ở cuối xóm đảo về hướng Tây Nam, có một bãi biển nhỏ dài chừng vài chục mét, nước trong ngần. Khu vực này đang được cải tạo thành điểm cắm trại, sinh hoạt tập thể cho du khách. Bãi biển thoai thoải, có thể nhìn tận đáy. Du khách nên mặc áo phao để ra xa bờ, không giẫm đạp lên rạn san hô đang phục hồi. Ra khỏi bờ chừng mười mét, úp mặt xuống biển, du khách sẽ thấy được những rạn san hô đầy sắc màu đang nhú lên từ những khối san hô chết. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi người dân trên đảo đã ý thức bảo vệ rạn san hô thay vì tàn phá như trước đây.

Rạn san hô dưới chân đỉnh Hòn Chút trên đảo Bình Hưng được đánh giá cao bởi sự đa dạng và phong phú, đang được bảo tồn. Lúc nước ròng, một rạn lớn san hô lộ khỏi mặt nước, chạy dài suốt bãi biển hàng trăm mét. Xen giữa những dãy san hô là những bờ cát trắng mịn, cảm tưởng như có một dòng sông ngầm dưới mặt biển chảy giữa thành phố san hô rực rỡ. Cạnh rạn san hô là bãi đá trứng khổng lồ. Có hai hướng tiếp cận bãi đá trứng: đường biển hoặc phải lên đỉnh Hòn Chút rồi đi bộ xuống bãi. Những hòn đá cuội lớn nhỏ xếp chồng lên nhau không thua bãi tắm Hoàng Hậu dưới chân Ghềnh Gáng nổi tiếng của thành phố biển Quy nhơn (Bình Định). Riêng đỉnh Hòn Chút có ngọn hải đăng (trên 100 năm tuổi)- "cây" đèn biển của vịnh Cam Ranh. Đứng trên ngọn hải đăng, du khách có thể quan sát nhịp sống hối hả của các con tàu ăn hàng trên cảng Cam Ranh, phóng tầm mắt ra tới vùng biển bao la nơi điểm xuyết những chiếc thuyền câu bé nhỏ, từ xa trông như những món đồ chơi; đồng thời chiêm ngưỡng được cả bình minh lẫn hoàng hôn.

 Ngọn hải đăng trên đỉnh Hòn Chút (đảo Bình Hưng).

 Tắm biển ở bãi Nước Ngọt thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Khi thỏa mãn với các hoạt động bơi lội dưới biển, du khách có thể làm một vòng tham quan một số địa điểm trên đảo Bình Hưng như lăng ông Nam Hải, miếu Bà, đình làng Bình Hưng, chùa Bình Hưng… Đó là những nơi còn lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống cộng đồng cư dân miền biển. Cứ hai năm một lần, người dân trên đảo lại tổ chức lễ hội cúng lăng, cúng đình…, cả làng tập trung sinh hoạt đông vui, náo nhiệt.

Trước đây, người dân trên đảo Bình Hưng muốn vào bờ phải thức thật sớm để kịp chuyến đò duy nhất vào Cam Ranh, mất khoảng 2 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển. Lên bờ, tất tả mua sắm rồi trở lại tàu để kịp rời bến lúc 11 giờ trưa. Muốn ra đảo phải mất 2 ngày đi và về. Từ khi con đường ven biển nối từ Ninh Chữ đến điểm cuối vịnh Cam Ranh- Tỉnh lộ 702 thông xe, việc đi lại thuận tiện hơn. Người dân chỉ mất 10 phút đi đò ngang từ đảo vào bờ. Du khách có thể ra đảo bất kỳ giờ nào. Chờ 10-15 phút là có đò ra vào đảo. Nếu không ngay chuyến hoặc quá muộn, có thể liên hệ chủ đò. Họ sẵn sàng đưa khách bất kỳ lúc nào chỉ với giá 10.000 đồng/lượt khách hoặc xe gắn máy.

Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết