03/03/2009 - 21:37

Quản lý trật tự đô thị

Ngổn ngang trăm mối !

Ngày 20-2-2008, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 04/2008/TT-BXD (gọi tắt là Thông tư 04) hướng dẫn quản lý đường đô thị, trong đó quy định cụ thể việc sử dụng đường đô thị (bao gồm vỉa hè, lòng đường). Tuy nhiên, đã 1 năm trôi qua, ở TP Cần Thơ vẫn chưa hình thành quy chế quản lý đường đô thị cũng như quy chế quản lý vỉa hè, lòng đường. Tất cả đều đang ở bước dự thảo lần 2. Trong khi đó, hiện nay tình hình trật tự vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thành phố vẫn rất lộn xộn...

Vỉa hè, lòng đường: Điệp khúc “tái lập... tấp lại”!

Ninh Kiều là quận trung tâm của TP Cần Thơ và trên địa bàn quận này có hàng loạt tuyến đường có vỉa hè rộng từ 4m trở lên, như đường Trần Văn Khéo, 30-4, Lý Tự Trọng, Mậu Thân, Nguyễn Trãi, Hòa Bình, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quang Trung, 3-2, Trần Văn Hoài, Ngô Văn Sở, Trần Ngọc Quế,... Tuy nhiên, tình trạng mua bán lấn chiếm vỉa hè vẫn tồn tại ở nhiều tuyến đường ở mức báo động như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đề Thám, Trần Văn Khéo, Trần Văn Hoài... Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều - Võ Văn Chính, cho biết: “Để tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, dịch vụ, đồng thời bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại một số tuyến đường, cuối tháng 4-2006, UBND quận Ninh Kiều ban hành Quyết định số 04/2006/QĐ-UBND quy định việc sử dụng tạm thời một phần phía trong hè phố (gọi tắt là vỉa hè) tại một số tuyến đường thuộc địa bàn quận”. Theo đó, việc sử dụng vỉa hè phải bảo đảm trật tự, vệ sinh và mỹ quan đường phố; nghiêm cấm việc xây dựng kiên cố, che chắn bằng mọi hình thức trên vỉa hè; Phần vỉa hè của các tuyến đường được phép sử dụng phải kẻ vạch hoặc có dấu hiệu để phân biệt với phần vỉa hè dành cho người đi bộ, trên cơ sở đo đạc, khảo sát chi tiết đối với từng đường, từng tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu sử dụng.

Dù đã có quy định cách nay gần 3 năm, thế nhưng quản lý vỉa hè vẫn chưa vào nề nếp, vi phạm tràn lan. Vỉa hè không chỉ là bãi giữ xe, tụ điểm buôn bán của hộ tự sản tự tiêu mà còn là quán cà phê, quán nhậu... Thậm chí, có nơi còn chôn cột, căng bạt ngay trên vỉa hè công cộng để buôn bán...

Chợ “chồm hổm” người dân bày hàng hóa tràn lan ra vỉa hè đường 30-4, phường Hưng Lợi. 

Những điểm nóng về vi phạm sử dụng vỉa hè là chợ chồm hổm ở đường 30-4 (phường Hưng Lợi) đối diện khu 1 Trường Đại học Cần Thơ. Cứ vào mỗi buổi sáng, trưa và cuối giờ chiều, các hộ buôn bán và một số người dân bắt đầu nhóm họp chợ, bày rau củ, thịt cá tràn lan vỉa hè, xe gắn máy của người mua dừng đậu ngay lòng đường, gây cản trở giao thông. Đó là chưa kể rác thải, nước thải các hộ buôn bán cứ thản nhiên đổ ra đường gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Còn ở chợ Xuân Khánh, cứ vào khoảng 17 giờ là các hộ lại bày hàng ngay lối ra vào chợ, tràn xuống cả lòng đường... Vỉa hè đường Trần Văn Hoài rộng đến 9m, các quán nhậu, quán cà phê đua nhau đặt bàn ghế tràn lan cho khách ngồi ăn, uống tự nhiên.

Qua khảo sát thực tế của UBND quận Ninh Kiều hồi đầu tháng 1-2009, hầu như các tuyến đường lớn nhỏ trên địa bàn quận đều xảy ra tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, từ những tuyến đường trung tâm như Hòa Bình, 30-4, 3-2, Mậu Thân, Nguyễn Văn Cừ, Hai Bà Trưng, đến những tuyến đường nhỏ như Đề Thám, Nguyễn Khuyến, Trần Khánh Dư, Trần Ngọc Quế... Trong khi đó, theo ông Võ Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, quận thường xuyên chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các ngành hữu quan và chính quyền các phường, tổ chức các đợt ra quân tái lập lại trật tự, kỷ cương đô thị. Tuy nhiên, khi lực lượng kiểm tra có mặt thì tình hình giảm, còn khi lực lượng vừa quay đi thì y như rằng các hộ mua bán lại tái chiếm. Điệp khúc “tái lập... tấp lại” cứ diễn ra thường xuyên.

Nhập nhằng trong quản lý?

Khi Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 04 hướng dẫn quản lý đường đô thị, trong đó có quy định cụ thể việc sử dụng đường đô thị (bao gồm vỉa hè, lòng đường) mọi người hy vọng qua đó chấn chỉnh được tình trạng bát nháo trong sử dụng vỉa hè, lòng đường. Thế nhưng, 1 năm trôi qua, TP Cần Thơ vẫn chưa hoàn chỉnh quy định của thành phố về sử dụng vỉa hè, lòng đường cũng như quy định về phân cấp quản lý đường đô thị.

Tại cuộc họp ngày 10-12-2008, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Tuấn Anh chỉ đạo giao Sở Xây dựng TP Cần Thơ chủ trì phối hợp với một số sở ngành hữu quan để xây dựng dự thảo văn bản quy định quản lý, các giải pháp về trật tự đô thị trên địa bàn thành phố (lòng lề đường, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị...); dự thảo phân cấp quản lý đường đô thị, thời hạn phải hoàn thành là trước ngày 31-12-2008. Thế nhưng, phải đến đầu tháng 2-2009, Sở Xây dựng mới hoàn chỉnh dự thảo Phân cấp quản lý đường đô thị và dự thảo Quy định về quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường, bảo vệ mỹ quan và trật tự đô thị trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, trong cuộc họp chiều 4-2-2009 với các sở, ngành hữu quan để xem xét dự thảo nói trên do Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Tuấn Anh chủ trì, các đại biểu vẫn chưa thống nhất với một số nội dung trong 2 dự thảo và nêu ra nhiều vấn đề mà dự thảo chưa đề cập, gây khó khăn cho địa phương và người dân. Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy Nguyễn Tấn Dược bức xúc: “Ở TP Cần Thơ, hiện có 3 tuyến quốc lộ đi ngang đô thị là quốc lộ 1A, 91 và 80, chưa kể sắp tới thêm tuyến quốc lộ 91B. Những tuyến quốc lộ nói trên đều do Bộ Giao thông quản lý, mà cụ thể là Khu quản lý đường bộ VII. Đường sá xuống cấp, hư hỏng hay những vấn đề đào đường, lấp mương ở những tuyến đường này đều phải xin phép Khu quản lý đường bộ VII, mà đơn vị này lại đóng tại TPHCM. Tại Bình Thủy, một công ty muốn lấp một đoạn mương chỉ dài khoảng 20m nằm cặp quốc lộ 91, nhưng phải chờ đợi hơn 1 tháng chưa được giải quyết; trong khi nhiều hộ dân cứ lén lút làm đại rồi chịu phạt ít tiền, vậy là xong chuyện! Điều này đặt ra vấn đề là nếu người nghiêm chỉnh chấp hành, xin phép đàng hoàng thì chịu thiệt thòi, còn người bất chấp quy định, cứ làm bừa thì không bị xử lý”. Và ông Dược đề nghị: “Nên chăng chúng ta đề xuất những tuyến quốc lộ nhưng đi ngang khu đô thị thì cứ giao hẳn cho địa phương quản lý và cấp phép những việc như đào đường, san lấp mương lộ... hoặc ủy quyền hẳn cho công ty trực thuộc Khu quản lý đường bộ VII ở Cần Thơ (Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 73 - PV). Như thế tạo thuận lợi trong khâu cấp phép, vừa tạo điều kiện cho chính quyền địa phương sâu sát, có trách nhiệm trong việc quản lý và xử lý nếu phát sinh vi phạm”.

Đó là những khúc mắc đối với tuyến quốc lộ đi qua đô thị, còn những tuyến đường đô thị do địa phương quản lý, ông Đinh Văn Thảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, đề xuất: “Theo quyết định số 20/2006/QĐ-UBND ngày 12-4-2006 về việc đặt số hiệu đường tỉnh và phân cấp quản lý một số tuyến đường thuộc địa bàn TP Cần Thơ, thì Sở Giao thông công chính nay là Sở Giao thông Vận tải ngoài việc trực tiếp quản lý, bảo trì, khai thác phần cầu đường bộ các tuyến đường tỉnh trên địa bàn thành phố còn gánh thêm 3 trục đường chính trong đô thị gồm: Mậu Thân, Quang Trung và Nguyễn Văn Cừ. Nên chuyển 3 trục đường này về cho các quận, huyện quản lý. Còn tuyến tỉnh lộ vẫn do Sở Giao thông Vận tải quản lý. Như vậy rất thuận tiện”.

Việc giao các tuyến đường đô thị cho quận huyện quản lý đều đạt được ý kiến đồng thuận, tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn, như ý kiến của Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Võ Văn Chính: “Tuyến đường đô thị giao cho quận, huyện quản lý kể cả việc thực hiện vệ sinh đô thị là hợp lý. Còn tuyến hẻm từ trước đến nay được giao cho xã, phường quản lý nạo vét, duy tu nhưng trong thực tế xã phường không có kinh phí và cũng không có chức năng để thực hiện thì sao? Nên chăng phải xem xét lại vấn đề này để có biện pháp đồng bộ, tránh việc dư luận cho rằng Nhà nước chỉ chăm bẵm vào các tuyến đường phố, còn trong hẻm bỏ mặc cho dân”.

Thông tư 04 hướng dẫn hoạt động xây dựng, quản lý và khai thác sử dụng đường đô thị nhằm đem lại sự thống nhất, đồng bộ trong xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống đường trong đô thị (từ đô thị loại 5 trở lên), qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác, sử dụng đúng mục đích và đảm bảo mỹ quan đô thị. Ngành chức năng, trong đó vai trò chính là Sở Xây dựng, cần nhanh chóng hoàn thiện 2 dự thảo để sớm trình UBND TP Cần Thơ thông qua và ban hành đúng như tinh thần chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ tại cuộc họp ngày 4-2-2009. Như ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Tuấn Anh: “Sở Xây dựng cần lấy ý kiến rộng rãi của các địa phương và sở ngành hữu quan để bổ sung và hoàn thiện dự thảo Quy định về quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường, bảo vệ mỹ quan và trật tự đô thị trên địa bàn thành phố. Trong đó, phải xem xét đến những tác động đối với đời sống người dân, tránh sự xáo trộn lớn đến cuộc sống của bà con. Đồng thời, tuân thủ đúng quy định pháp luật, để quy định về quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường, đảm bảo vẽ mỹ quan và trật tự đô thị trên địa bàn thành phố thực sự đi vào cuộc sống một cách hiệu quả”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG TỬ NGHI

Chia sẻ bài viết