17/09/2017 - 09:57

Ngọn đèn bão 

Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy

 

Khi vụ gặt vừa xong, lúa chất đầy bồ và trên cánh đồng chỉ còn gốc rạ trơ trọi giữa cái nắng se sắt cuối năm, người trong xóm chợt thấy có chiếc ghe lạ neo lại bờ kinh. Cây đèn bão treo lủng lẳng trước mũi ghe, lúc nào cũng tỏa ra một quầng sáng đỏ ối. Từ ghe, tiếng đàn bầu rỉ rả lúc chiều buông, vọng về xóm.

Chiều nay, người đàn bà tóc búi sau gáy ngồi bó gối trên mũi ghe nhìn mấy cụm khói êm ả bay lên rồi tan vào không gian, nghĩ về một miền ký ức. Tại nơi này trong một đoạn đời, người đàn bà đã chọn cách ra đi…

***

Buổi tối tịch mịch, thi thoảng ngọn gió từ sông thốc vào hòa lẫn với tiếng ếch nhái kêu oải oạp. Diệu lùa hết bầy vịt vô chuồng, lấy gàu múc nước tắm táp qua loa, lom khom nhóm mẻ un cho căn nhà đầy khói rồi ra võng nằm đong đưa. Xóm vắng, nhà này cách nhà kia một khoảng đất trống lau sậy um tùm, Diệu nằm nhìn dòng sông và cánh đồng trong u tịch, với tay lên kệ lấy cái máy cát-sét đã tróc sơn nghe cải lương rồi thiu thiu ngủ.

Khoa về nhà khi bếp un vừa ngún xuống. Diệu nghe tiếng khua dưới bến sông thì choàng tỉnh, bỏ thêm một ít củi khô với lá bình bát vào bếp lửa rồi bước ra cửa lóng ngóng. Khoa bước lên bờ, chiếc xuồng bạt ra chòng chành trên mặt sông, nói với Diệu:

- Tôi tranh thủ ở lại phát hết đám cỏ trên bờ mẫu, họ trả công thêm. Mình ăn cơm chưa?

- Riết rồi rau trong vườn cũng hết, kho quẹt làm tới, sống sao nổi hả mình?

- Vài hôm nữa trời thôi bấc, tôi lên xóm trên thuê trâu về cày đám ruộng rồi trồng thêm vụ khác. Chỉ tại đợt hạn mà ruộng khô không còn giọt nước, mình mới khó vầy…

Diệu ngồi lại trên võng vuốt tóc, thấy lạnh, Khoa sập cánh cửa cho gió khỏi lùa vào. Mùa bấc kéo dài, hôm nào Diệu cũng nổi lửa, rồi dọn nồi cơm, hai cái chén, mẻ kho quẹt với mấy cọng rau lang luộc khô khốc úp trong lồng bàn đợi Khoa về ăn cùng. Có bữa Diệu đợi Khoa tới mỏi mòn, ngủ gà ngủ gật. Khoa kêu Diệu đừng đợi nữa, Diệu than “Ăn một mình có ngon lành gì đâu, đợi mình về tôi ăn luôn cho ấm nhà ấm cửa”. Ngày mưa, Khoa trở về nhà khi ướt sũng, giở nồi ra chỉ thấy toàn khoai mì độn với cơm trắng, cơm ít mà khoai thì đầy nồi. Nhìn Diệu ngồi nhai cơm cháy, miếng cơm khô làm Diệu bị nghẹn, mắt ầng ậng nước, mà thương đứt ruột.

***

Đã bao lần Khoa bất lực vì không lo được cuộc sống no đủ cho Diệu. Ngày xưa cưới Diệu, Khoa cũng sính lễ cau trầu, cũng mời 10 bàn khách. Nhưng bệnh của ba Khoa ập tới bất ngờ, chạy chữa hết tiền trong nhà, bán đi một phần đất ruộng, thiếu nợ họ hàng, vậy mà ông vẫn ra đi. Cắt cho vợ chồng Khoa mảnh đất bên sông, mẹ Khoa cũng hết sức. Hai vợ chồng cày cục mưu sinh, vừa lo tiếp mẹ trả nợ. Xui rủi năm trước lũ lớn, năm nay lại hạn hán, Khoa  trắng tay. Nhiều nhà bỏ ruộng bỏ đất dong ghe đi xứ khác làm ăn, chỉ còn hơn chục người trụ lại.

-Từ hồi theo về làm vợ mình tôi ngày càng cực. Coi nè- Diệu vô tư vô tâm chìa tấm áo bạc màu rách một mảnh to tướng trên vai.

Diệu xát muối vào tim người đàn ông tội nghiệp. Khoa đầu tắt mặt tối, đôi bàn chân thấm phèn lở loét từng mảng da to tướng. Những đêm trời lạnh, Diệu lấy dây chuối khô treo ngược chân chồng lên vách cho đỡ nhức. Ngày trước, Khoa là ước mơ của con gái trong xóm, bởi tính hiền lành chân chất, lại chí thú làm ăn. Ngặt nỗi Khoa không thương ai chỉ thương cô gái xóm bên mỗi ngày chèo xuồng bán ba khía rong. Mấy bận Khoa có giang xuồng Diệu qua sông, Diệu gửi cho mẹ Khoa mấy con ba khía muối ăn lấy thảo, mà nên chồng nên vợ.

Mới mấy năm thôi mà Khoa phờ phạc. Gần ba mươi tuổi, mái đầu lấm tấm bạc, đôi bàn tay sần sượng bởi Khoa quần quật đến quên cả giờ giấc. Nhiều bữa trưa không thấy chồng về ăn cơm, Diệu đội nón lá băng ra đầu bờ mẫu lóng ngóng gọi “Mình ơi, vô ăn cơm”. Đêm xuống, Khoa mệt lả người. Đặt lưng xuống giường là hai mắt nhắm nghiền. Nhiều lần Diệu ôm bờ vai chồng mà khóc, hỏi: “Ngày xưa mình mặn nồng, sao bây giờ…”. Khoa ôm vợ vào lòng, bảo Diệu ráng chờ thêm ít năm nữa…

***

Bếp lửa đã tàn, Diệu đi thẳng vô buồng buông mùng xuống ngủ. Khoa bưng đèn ra sau bếp, ăn vội tô cơm nguội rồi ra võng nằm, chợt nghe tiếng đàn trên bến vắng. Tiếng đàn khiến Khoa nhớ Diệu của năm nào, trong mỗi buổi chiều bên bờ sông, Diệu ôm cây đàn bầu lên bờ ngồi dưới gốc cây sầu đâu đàn cho Khoa nghe. Bây giờ Diệu không còn đàn khi hoàng hôn buông. Khoa cựa mình bước xuống võng, tìm hũ dầu lửa để dưới chân bàn châm vào cây đèn trứng vịt rồi bưng ra treo lửng lơ ngoài mái nhà. Người trong xóm vẫn thường làm như thế, là dấu hiệu cho ghe xuồng đi ngang qua dòng kênh chia xóm làm hai nửa, nhìn lên thấy ngọn đèn, biết rằng vẫn còn người trụ lại mảnh đất quê hương…

Gió bấc xập xòe trên ngọn dừa trước nhà. Trời hửng sáng, người trong xóm bàn tán chuyện “Đêm qua, vợ thằng Khoa bỏ nhà đi”. Khoa bàng hoàng. Diệu ra đi không nói một lời, Khoa chạy lên xóm trên tìm Diệu, lại dong xuồng ngược xuống xóm dưới, cách mấy dòng sông. Mẹ Khoa hay tin, ngăn con:

- Thôi, con Diệu đã dứt nghĩa dứt tình thì còn luyến lưu chi nữa hả con?

- Tại nghèo quá, cũng tại con không thể lo cho cô ấy cuộc sống đủ đầy. Vợ chồng mấy năm, sao con nỡ xem như không có chuyện gì được hả mẹ? Khoa nói mà nước mắt rơi.

Mẹ Khoa cũng không cầm được nước mắt trên đôi gò má rám nắng. Bà không trách Diệu. Bởi bà cũng từng trải qua cảnh khổ khi chồng đau ốm. Đàn bà ai cũng cần một chỗ dựa, chí ít cũng cơm no, áo lành. Bởi vậy mấy năm sau, bà vẫn để Khoa đi tìm vợ…

***

Đêm ấy, Diệu bỏ theo ghe hàng bông của người chị bà con đã góa chồng, sống kiếp thương hồ rày đây mai đó. Thì cũng chẳng hơn gì cuộc sống với Khoa nhưng ít ra cũng thoát cảnh tù đọng quẩn quanh, buồn đến cháy lòng. Lúc ghe rời bến, Diệu chỉ kịp nhìn về căn nhà thân thuộc, ở đó vẫn còn ngọn đèn đỏ tỏa ánh sáng dập dờn giữa màn sương…

Khoa đợi mãi mà Diệu không về. Cuối mùa gió bấc, Khoa kêu người bán bầy vịt đồng đang đẻ trứng, thu dọn đồ đạc rồi trở về sống hủ hỉ với mẹ già. Căn nhà đơn sơ có ngọn đèn lửng lơ phía trước tan dần trong ngọn lửa ngùn ngụt một chiều đầy gió. Cái nhà không còn, những ký ức cuối cùng về Diệu vĩnh viễn nằm sâu trong tro tàn bụi lạnh...

***

Loay hoay qua năm mùa gió bấc, kể từ mùa gió Diệu bỏ Khoa ra đi không một lời từ biệt. Có lần mẹ kêu:

- Hay con cưới thêm lần nữa. Đến lúc mẹ trăm tuổi già, còn có người sống cùng con. Diệu có về với con nữa đâu mà đợi với mong hoài!

  Khoa chối:

  - Con có đợi ai đâu hả mẹ? Cô ấy có còn là gì của con nữa đâu?

Giận thì nói vậy chứ mẹ biết Khoa còn thương Diệu nhiều lắm. Khoa không giấu được mẹ dẫu bề ngoài Khoa nói nói cười cười, thi thoảng ra bờ sông nướng cá khô bổi lai rai với thanh niên trong xóm. Rồi có những buổi chiều mẹ thấy Khoa ngồi một mình thả mắt về bến sông năm nào, lâu lâu lại đưa tay dụi mắt. Khoa nhớ thương ai mà dụi mắt? Hay tại con bìm bịp kêu đứt ruột ngoài bến sông mà lòng dạ cũng ngổn ngang?

Mùa nay, gió bấc lại về. Chiếc ghe lênh đênh cập bến. Người trong xóm thấy người đàn bà mặc áo bà ba, tóc búi sau gáy ngồi nhặt rau mà khuôn mặt ngẩn ngơ buồn. Đâu ai biết cô đã từng dứt bỏ hạnh phúc bình dị, dứt bỏ căn nhà liêu xiêu trên cánh đồng năm cũ… Khi thời gian qua, người đàn bà cũng dần có thói quen treo ngọn đèn bão trước mũi ghe, như mong mỏi ngọn đèn đưa về xóm cũ.

***

Diệu tìm về xóm, dần dừ chưa dám tìm người xưa, bởi sợ phải thấy cảnh Khoa giờ có vợ con đuề huề hạnh phúc. Chiều nay con nước rạt rào, gió lạnh và chân trời tím ngát, Diệu lên bờ ngồi dưới cây sầu đâu đàn một khúc. Có người đàn ông qua sông về xóm, ngẩn ngẩn ngơ ngơ nhìn ngọn đèn lập lòe trên mũi ghe chòng chành sóng nước và bóng hình quen thuộc bên cây sầu đâu… 

Chia sẻ bài viết