03/09/2019 - 14:04

Ngôi nhà hoa, ếch... 

Cũng như hàng ngàn hộ dân ở làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp,  trồng hoa là nghề  gia truyền của  anh Trần Thanh Hùng, ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Qui Đông, TP Sa Đéc. Song cuối năm 2016, anh Hùng quyết định chọn một "ngã rẽ" khác với số đông cư dân làng hoa, quyết định của anh nông dân này đã tạo "cú sốc" lớn cho gia đình thời điểm đó. Tuy nhiên sau gần 3 năm gắn bó với nghề mới, mô hình kinh tế nuôi ếch của anh Hùng đã trở thành một mắt xích quan trọng trong phát triển ngành du lịch của TP Sa Đéc.

Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại Homestay Ngôi nhà hoa, ếch.

Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại Homestay Ngôi nhà hoa, ếch.

Từ ngôi nhà hoa, ếch...

"Từ xưa đến giờ mình biết quê hương mình phong cảnh hữu tình, con người nồng hậu, dễ thương nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đây sẽ là lợi thế để phát triển du lịch. Sau khi được chính quyền địa phương vận động làm du lịch bản thân cũng thấy thích, nhưng thật tình cũng không hiểu khái niệm du lịch cộng đồng là như thế nào, rồi từ từ làm tới đâu rút kinh nghiệm tới đó"- anh Trần Thanh Hùng, chủ Homestay Ngôi nhà hoa, ếch nhớ lại.

Xuất thân là nông dân nên cách làm du lịch của anh Hùng cũng dễ thương và mộc mạc. Cái tên Ngôi nhà hoa, ếch cũng xuất phát từ sự chân quê, mộc mạc đó. Trước đây, ngoài nghề trồng hoa gia truyền, anh Hùng còn làm thêm nghề nuôi ếch giống, đã chuyển sang làm kinh doanh du lịch nhưng anh Hùng vẫn muốn giữ lại những hình ảnh thân thương trước kia để giới thiệu cho du khách.

Được UBND TP Sa Đéc tạo điều kiện để anh Hùng và một số nông dân khác đến tham quan và học tập kinh nghiệm ở các tỉnh Tây Bắc, anh Hùng trở về cải tạo hơn 3.000m2 khuôn viên nhà và vườn hoa của mình để phát triển làm du lịch. Cùng với việc cải tạo phòng nghỉ cho khách lưu trú trong gia đình, anh Hùng xây thêm ngôi nhà nghỉ cộng đồng với sức chứa khoảng 30 khách và khu vực nhà hàng phục vụ ăn uống cho khách đoàn (và dĩ nhiên không thể thiếu món ếch) khi đến tham quan làng hoa. Nhờ nằm ở ven sông Tiền và khu vực trung tâm của làng hoa nên Homestay ngôi nhà hoa, ếch của anh Hùng tạo hấp dẫn đặc biệt cho du khách.

 Từ một nông dân "chân ướt chân ráo" chuyển sang làm du lịch quả thật là một thử thách lớn đối với anh Hùng. Ban đầu cái gì anh cũng không biết, quê mùa đến nỗi cái điện thoại thông minh anh Hùng cũng không biết xài, nhưng rồi với niềm đam mê, anh Hùng quyết tâm học hỏi, trau dồi kiến thức để phục vụ cho khách du lịch tốt hơn, những khiếm khuyết về kiến thức lễ tân, phục vụ, internet, ngoại ngữ từng bước được anh Hùng khắc phục.

Hiện tại không những sử dụng thành thạo các ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính mà anh Hùng còn lập cả tài khoản Fanpage cập nhật thường xuyên hình ảnh về Làng hoa Sa Đéc, chia sẻ các thông tin về du lịch trên trang của mình. Ngoài ra, bên cạnh việc tiếp khách đoàn lưu trú đặt phòng theo cách truyền thống, Homestay Ngôi nhà hoa, ếch còn chào đón nhiều đoàn khách quốc tế đặt phòng qua trang Booking.com và một số trang đặt phòng online khác.

Đến hội quán làng hoa

"Làm nghề dịch vụ được ví von là cái "nghề làm dâu trăm họ", lúc nào cũng phải học hỏi và nâng cao chất lượng dịch vụ mình thêm lên. Cái gì không biết thì phải học hỏi, trau dồi, nếu ngày hôm nay mình dừng lại không tiếp tục cập nhật những điều mới mẻ thì cũng đồng nghĩa bản thân mình đang thụt lùi" - anh Hùng tâm sự.

Phát triển du lịch cộng đồng tuy dễ nhưng lại khó, phân khúc khách hàng chọn loại hình du lịch cộng đồng thường là những người có sở thích khám phá và trải nghiệm. Vì vậy, bên cạnh những cái thiên nhiên đã phú cho vùng quê Sa Đéc, một văn hóa bản địa với nhiều chấm phá độc đáo thì bản thân những người làm du lịch cộng đồng cũng phải biết khai thác và làm mới mẻ thêm nhiều loại hình dịch vụ, để thu hút khách.

Đây cũng chính là nguyên nhân ra đời của Hội Quán cùng nhau làm du lịch, tại phường Tân Qui Đông, TP Sa Đéc. Tháng 3 vừa qua anh Trần Thanh Hùng và một số hộ dân làm du lịch rủ nhau ngồi lại để tìm giải pháp nâng chất cho du lịch làng hoa. Theo đó, các dịch vụ của thành viên hội quán sẽ được thiết kế thành một chuỗi dịch vụ khép kín. Khi đến với làng hoa Sa Đéc khách du lịch có thể trải nghiệm nhiều loại hình dịch vụ từ cùng ăn cùng ở với dân, cho đến khám phá cách trồng hoa kiểng của cư dân bản địa. Bên cạnh đó, khách du lịch cũng có thể trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian, ngắm phố thị nhộn nhịp nép mình bên sông Tiền của TP Sa Đéc…

"Sau gần 3 năm gắn bó với mô hình du lịch cộng đồng tôi nhận thấy mình cần phải đầu tư hơn nữa, hiện tại du lịch cộng đồng ở địa phương chỉ mới dừng lại khai thác những gì mà chúng ta đang có, chưa tạo ra được nhiều loại hình dich vụ hấp dẫn và đa dạng mới. Có tạo ra đa dạng dịch vụ, sự tham gia của nhiều người, nhiều thành phần thì mô hình du lịch cộng đồng mới có thể bền vững được. Mô hình du lịch cộng đồng ở Hội An là một ví dụ, khi ở Sa Đéc nhà nhà ở làng hoa, người người ở làng hoa đều được hưởng lợi từ du lịch thì sẽ có được sự chung tay của cả cộng đồng"- anh Hùng tâm huyết.

Chính niềm đam mê, sự chịu khó học hỏi, từng bước giúp anh Hùng có những bước đi vững chãi trên con đường khởi nghiệp của mình. Năm 2018, Homestay Ngôi nhà hoa, ếch của anh Hùng đã đón được hơn 2.000 lượt khách, thu nhập từ du lịch cao gấp 2 lần nghề trồng hoa trước đây của gia đình anh.

Bài, ảnh: Vân Khánh

Chia sẻ bài viết