07/07/2015 - 21:58

Nghịch lý giá phân bón

Sau một thời gian dài ở mức thấp, gần đây giá nhiều loại phân bón bất ngờ tăng cao khi nông dân TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL bước vào vụ sản xuất lúa thu đông 2015. Nhiều nông dân đã không khỏi băn khoăn, thậm chí bức xúc trước tình trạng nhiều loại phân Urê được sản xuất trong nước bị nhà sản xuất và kinh doanh đẩy giá lên cao bất thường…

Urê Phú Mỹ tăng hơn 50.000 đồng/bao

Cách nay hơn 1 tháng, giá bán lẻ Urê Phú Mỹ (doanh nghiệp Việt Nam sản xuất) tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ chỉ ở mức 390.000 đồng/bao/50 kg. Tuy nhiên, một vài tuần qua, giá bán lẻ Urê Phú Mỹ đã vọt lên ở mức 440.000-445.000 đồng/bao, tức tăng khoảng 50.000-55.000 đồng/bao. Theo đà tăng giá của Urê Phú Mỹ, nhiều loại phân Urê khác như: Urê Ninh Bình, Đạm Cà Mau (Urê Cà Mau), Urê nhập khẩu từ Trung Quốc… cũng nhích giá lên khoảng 10.000- 40.000 đồng/bao. Riêng giá bán nhiều loại phân DAP, NPK, Kali và lân tương đối bình ổn. Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, giá Urê Cà Mau, Urê Ninh Bình (Việt Nam) và nhiều loại Urê xuất xứ Trung Quốc đang có giá 410.000-420.000 đồng/bao. Giá bán lẻ nhiều loại DAP trên thị trường đang phổ biến từ 530.000- 620.000 đồng/bao…

 Khách hàng chọn mua phân bón tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Thanh Hải, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Nông dân các địa phương vùng ĐBSCL đang vào vụ sản xuất lúa thu đông 2015, nhu cầu sử dụng phân bón cho lúa tăng, nhưng theo nhận định của ngành chức năng, nguồn cung các loại Urê trên thị trường vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, giá Urê Phú Mỹ và một số loại Urê khác lại có biến động tăng. Nguyên nhân chủ yếu được nêu ra là do các cửa hàng bán lẻ gặp khó trong việc tiếp cận nguồn cung từ các nhà sản xuất và đầu mối phân phối. Chủ nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ cho biết, hiện muốn mua được nguồn hàng giá rẻ từ các công ty sản xuất và đầu mối phân phối hàng của công ty, đòi hỏi các cửa hàng bán lẻ phải đặt mua hàng với số lượng lớn và đáp ứng một số điều kiện nhất định của công ty. Cụ thể, gần đây các cửa hàng bán lẻ phân bón muốn mua được nguồn Urê Phú Mỹ với giá rẻ, phải đáp ứng điều kiện được các đầu mối cung ứng hàng đưa ra là: mua Urê Phú Mỹ kèm với một số lượng DAP Phú Mỹ nhất định, chứ không chỉ bán riêng mặt hàng Urê Phú Mỹ. Trong khi đó, mặt hàng DAP Phú Mỹ dù có chất lượng tốt nhưng xuất hiện trên thị trường chưa lâu, nên nhiều nông dân chưa mạnh dạn mua về bón cho lúa. Các cửa hàng sợ rủi ro khi lấy hàng với số lượng lớn, nên nhiều cửa hàng bán lẻ chấp nhận mua hàng với số lượng vừa phải qua các trung gian, dù mức giá cao hơn.

Theo ông Nguyễn Mạnh Vân, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Vân ở TP Cần Thơ, vừa qua, nhiều cửa hàng bản lẻ vật tư nông nghiệp phải mua Urê Phú Mỹ qua các trung gian bán hàng với giá có cao hơn khoảng 20.000 đồng/bao so với các đơn hàng lớn mua Urê Phú Mỹ kèm với DAP Phú Mỹ. Mua vào giá cao, buộc phải bán lại với giá cao. Chỉ tội cho nhiều nông dân vốn đã có thói quen sử dụng Urê Phú Mỹ cho sản xuất nông nghiệp, nên họ rất khó khăn khi muốn chuyển sang các loại phân bón khác. Hơn nữa, khi Urê Phú Mỹ tăng đã "dẫn dắt" thị trường các loại Urê khác cũng nhích lên, bởi Urê Phú Mỹ đang chiếm lĩnh thị phần lớn trên thị trường. Ông Lưu Thanh Hải, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Thanh Hải, ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cũng cho biết: "Thời gian qua, cửa hàng của tôi cũng phải mua phân Urê Phú Mỹ với giá khá cao do không có điều kiện mua hàng trực tiếp từ nhà máy. Theo tôi biết, giá Urê trên thị trường tăng gần đây còn ảnh hưởng bởi việc Nhà máy Urê Phú Mỹ thực hiện duy tu, bảo dưỡng nhà máy nên ít nhiều có tác động đến nguồn cung. Mặt khác, gần đây nhiều nhà nhập khẩu phân bón có phần e dè trong nhập Urê vì sợ các doanh nhiệp sản xuất Urê trong nước đột ngột giảm giá bán, họ sẽ khó tiêu thụ hàng".

Nông dân bức xúc

Giá phân bón tăng góp phần đẩy giá thành sản xuất tăng, trong khi giá lúa hàng hóa và nhiều loại nông sản trong thời gian qua có xu hướng giảm khiến cho nhà nông bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, nói: "Tưởng rằng sau khi mặt hàng phân Urê được đẩy mạnh sản xuất trong nước sẽ giúp giá cả ổn định ở mức thấp, giúp người nông dân bớt lo chuyện giá cả tăng khi bước vào các vụ sản xuất, nhưng kết quả lại không mong muốn. Lúc Urê Phú Mỹ mới xuất hiện trên thị trường, giá rẻ hơn nhiều loại Urê nhập khẩu của Trung Quốc, vậy nên chúng tôi mới chuyển sang ưu tiên hàng trong nước. Khi có chỗ đứng rồi thì giá bán lẻ Urê Phú Mỹ tại thị trường trong nước đã nhanh chóng vượt qua mức giá bán của nhiều loại Urê nhập khẩu. Tương Tự, Đạm Cà Mau lúc mới ra lò giá khá rẻ, nay người tiêu dùng ĐBSCL dần dần chuyển sang mua Đạm Cà Mau, thì nhà sản xuất cũng nhích giá lên…". Theo ông Tuấn, vụ lúa thu đông 2015, gia đình ông gieo sạ 13 công lúa, mỗi công phải sử dụng khoảng 50 kg phân bón các loại. Do vậy, giá phân bón và nhiều chi phí sản xuất đầu vào tăng như: giá thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, điện, nhân công… có tác động rất xấu đến sản xuất lúa của người nông dân, nhất là khi thời gian qua giá lúa giảm thấp, không biết bao giờ mới phục hồi.

Cùng chung nỗi băn khoăn, anh Nguyễn Văn Linh, ngụ xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ có 6 công lúa gieo sạ vụ thu đông 2015 được 20 ngày tuổi, anh Linh cho biết: "Đã bón phân cho lúa 1 đợt, còn phải mua phân bón cho lúa thêm 2 đợt nữa. Giá phân bón tăng tôi rất lo và sợ giá còn tăng, nhưng không thể mua dự trữ trước vì không có sẵn tiền, phải mua thiếu của cửa hàng. Tôi cũng rất lo khi trong 2 vụ lúa vừa qua, giá lúa tươi IR50404 được nhiều nông dân bán tại ruộng cho thương lái chỉ ở mức 4.000-4.200 đồng/kg. Nhưng theo tính toán của tôi, vụ này ruộng lúa IR50404 của tôi phải có giá bán từ khoảng 4.600-4.700 đồng/kg mới đảm bảo có lời". Hiện nay, nhiều nông dân và cửa hàng bán lẻ phân bón rất mong các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước kịp thời điều chỉnh giá và chính sách bán hàng một các phù hợp nhằm giúp nông dân và các cửa hàng bán lẻ thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn cung từ nhà máy. Tránh tình trạng nhiều loại phân bón được sản xuất trong nước nhưng bị đẩy giá lên cao do được buôn bán theo kiểu "mua đứt bán đoạn" hoặc phải qua rất nhiều khâu trung gian mới đến tay người nông dân. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tích cực vào cuộc để điều tiết cung cầu và quản lý tốt thị trường, tránh tình trạng thao túng về giá bán và việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Những năm gần đây, năng lực xuất phân Urê của các doanh nghiệp trong nước được tăng cường rất đáng kể. Hiện tại, Nhà máy đạm Hà Bắc công suất 180.000 tấn/năm đã hoàn thành việc cải tạo, mở rộng và nâng công suất lên 500.000 tấn/năm. Nhà máy đạm Phú Mỹ công suất 800.000 tấn/năm, Nhà máy đạm Cà Mau có công suất 800.000 tấn/năm và Nhà máy đạm Ninh Bình công suất 560.000 tấn/năm. Nhiều chuyên gia cho rằng, với công suất của các nhà máy, hiện năng lực sản xuất Urê trong nước có thể đạt khoảng 2,6 triệu tấn/năm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và có dư khoảng vài trăm tấn để xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xuất khẩu phân bón cần phải tính toán lựa chọn thời điểm và xuất khẩu với số lượng phù hợp nhằm tránh giá Urê bị đẩy lên cao vào những lúc cao điểm mùa vụ. Cần có sự phối hợp chặt chẽ với hoạt động nhập khẩu để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, giúp thị trường bình ổn.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết