04/05/2021 - 20:15

Nghề uốn tầm vông trên vùng Bảy Núi  

Ra đời khoảng 30 năm trước, uốn tầm vông đang dần trở thành một nghề độc đáo trên vùng Bảy Núi.

Có thể nói vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) là nơi trồng cây tầm vông số lượng lớn nhất ở ĐBSCL. Tập trung nhiều ở các xã như Lương Phi, Lê Trì, Ô Lâm, Cô Tô và thị trấn Ba Chúc… thuộc huyện Tri Tôn.

Hằng năm, cứ đến mùa khô cư dân vùng Bảy Núi bắt đầu vào vụ thu hoạch tầm vông. Mùa thu hoạch thường bắt đầu từ tháng Giêng, kéo dài cho đến tháng 6 âm lịch.

Lúc này thì nghề uốn tầm vông cũng vào mùa. Vì cây tầm vông sau khi đốn thường cong, cần được đem đi uốn thẳng khi bán ra thị trường sẽ có giá cao.

Công việc uốn tầm vông được thực hiện theo cặp, cứ một người uốn gốc, người còn lại sẽ uốn ngọn. Mỗi lượt sẽ uốn khoảng 10 cây tầm vông, tùy vào kích thước, độ dài của cây.

Nghề này đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, giỏi canh lửa, canh chiều gió để điều chỉnh. Tùy vào lửa lớn hay nhỏ, nhiệt độ nhiều hay ít mà thời gian uốn sẽ nhanh hay chậm nhưng trung bình uốn mỗi cây mất 3-5 phút.

Anh Phan Văn Dễ, ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, cho biết vào mùa tầm vông, anh và vợ mỗi tuần uốn khoảng 2.000 cây tầm vong. Trong đó phần lớn là anh uốn thuê với giá 1.600 đồng/cây, bên cạnh đó anh còn mua thêm tầm vong về uốn bán lại, mỗi mùa cũng có thu nhập hơn 40 triệu đồng.

BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết