01/04/2017 - 16:29

Nghề chạm khắc gỗ Chợ Thủ

Thuộc huyện Chợ Mới của tỉnh An Giang, Chợ Thủ xã Long Điền A nổi tiếng từ cách đây gần hai thế kỷ nhờ làng nghề mộc và chạm khắc gỗ, được tạo nên bởi những người thợ thủ công đa tài, khéo léo. Câu ca: "Long Điền Chợ Thủ quê anh / Trai chuyên làm tủ, gái sành cửi canh…" đã gói gọn hai nghề rất lâu đời và độc đáo của địa phương. Đó là nghề dệt và nghề đóng, chạm khắc các sản phẩm từ gỗ như bàn, ghế, giường, tủ,…

Từ huyện lỵ Chợ Mới, theo tỉnh lộ 942 đi khoảng 7km sẽ tới Chợ Thủ. Theo Đại Nam nhất thống chí, Chợ Thủ ban đầu có tên là chợ Tú Điền thuộc huyện Đông Xuyên, là một trong chín mươi ba chợ lớn nhỏ của Nam kỳ lục tỉnh hồi thế kỷ XIX. Các cụ cao niên ở Chợ Thủ kể rằng: Vào khoảng năm 1890, làn sóng dân di cư từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống ở các tỉnh miền Tây Nam bộ rất nhiều, lúc đầu tập trung ở Gò Công, sau đó từng nhóm đi vào các tỉnh, trong đó có nhóm sinh sống ở Chợ Thủ mang theo nghề mộc và chạm trổ. Họ truyền nghề lại cho con cháu và dạy cả những người có nhu cầu học nghề sống tại địa phương. Lúc đầu nghề mộc chủ yếu đóng đồ gia dụng phục vụ sinh hoạt gia đình, chạm trổ rất sắc sảo, công phu và tỉ mỉ. Những năm 1960- 1970, làng nghề mộc Chợ Thủ phát triển mạnh nhờ có đội ngũ thương lái khoảng ba mươi ghe (100 tấn/ghe) từ Tiền Giang- Mỹ Tho (thường gọi là thương lái Định Tường) đến mua đồ gỗ đi bán khắp các tỉnh đồng bằng.

Nghệ nhân Chợ Thủ chế tác trên gỗ. Ảnh: kiemkedisan.vn

Các thao tác, kỹ thuật của nghề chạm khắc gỗ ở Chợ Thủ rất đa dạng, phong phú, nhưng có thể quy về bốn loại chính: chạm trổ, chạm lộng, chạm nổi và chạm âm. Mỗi loại chạm ứng với từng loại sản phẩm nhất định. Chạm trổ là tạo nên hình tượng không gian ba chiều và tách rời, khiến ta có thể quan sát được hình tượng từ mọi hướng, thường có hình con người hay chim, thú. Chạm lộng cũng tạo nên hình tượng không gian ba chiều nhưng không tách rời nhau mà các hình tượng này dính liền nhau thành một dây, thường áp dụng đối với các hình tứ linh hay tứ quý trên các bao lam, thành vọng. Chạm nổi tạo hình tượng nổi một phần trên nền gỗ có văn hoa đính kèm, thường áp dụng đối với các bức phù điêu. Còn chạm âm là loại chạm đơn giản, khoét lõm vào bề mặt gỗ, thường áp dụng đối với các tấm liễn (khắc các câu đối).

Để tạo nên những sản phẩm tinh xảo, nghề chạm khắc gỗ ở Chợ Thủ cần đến rất nhiều dụng cụ chuyên dụng. Trong đó các loại đục giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Thông thường một bộ đục có khoảng bốn mươi chiếc, quy về bốn loại chính: đục bạt, đục dũm, đục tách và cây chàng. Đục bạt là loại đục thông thường, có lưỡi phẳng, dùng để phá nền, tạo khung mặt phẳng trong chạm nổi. Đục dũm có hình dáng gần giống như đục bạt nhưng bề mặt lưỡi mô lên như hình máng xối dùng để tạo các mặt cong. Đục tách có lưỡi hình chữ V dùng để khắc các đường nét. Cuối cùng là cây chàng có lưỡi nhọn hình mỏ chim dùng để khắc các nét nhỏ.

Để làm ra một sản phẩm phải qua rất nhiều công đoạn, có sự tham gia của cả thợ mộc lẫn thợ chạm. Đầu tiên là khâu chọn gỗ. Các loại gỗ dùng để chạm khắc thường là gỗ quý, gồm có: gỗ nhóm một như cẩm lai, bên (tức gõ đỏ) dùng đóng bàn ghế, tủ; nhóm hai có ván hương, căm xe… dùng làm cửa; nhóm ba có thao lao dùng làm các bao lam. Các gỗ này thường có nguồn gốc từ Campuchia, được tập kết về Mỹ Luông giáp ranh với Chợ Thủ.

Về đề tài chạm khắc, thường là do khách yêu cầu hoặc do nghệ nhân sáng tạo hoặc do họa sĩ chuyên nghiệp thiết kế. Các hoa văn thường theo mẫu có nội dung truyền thống nhưng vẫn pha thêm cảm hứng sáng tạo của nghệ nhân. Các hoa văn truyền thống:

- Tứ quý (mai- lan- cúc- trúc) biểu tượng của bốn mùa trong năm.

- Tứ linh (long- lân- quy- phụng) biểu tượng của tinh hoa trời đất vũ trụ.

- Lưỡng long triều nhật (hay lưỡng long tranh châu) có hình hai con rồng chầu hai bên mặt trời (hay viên ngọc) biểu ý cho câu chúc "tam dương khai thái", tức mọi việc đều hanh thông, thuận lợi.

- Rồng- phượng: biểu thị cho âm dương hòa hợp, trời đất giao hòa.

- Long- ẩn (tức rồng ẩn hiện trong mây) biểu thị cho cơ hội tốt lành (vân long khánh hội).

- Quy- hạc: biểu thị cho sự trường tồn vĩnh cửu.

- Trúc- mai: tượng trưng cho chí khí thanh cao của người quân tử.

- Tùng- lộc: biểu thị cho ước vọng đông con và tình yêu sâu sắc.

- Voi: chữ Hán là "tượng", gần âm với "tường" tức điềm lành.

Khâu tiếp theo là tạo nền, tạo dáng. Khâu này do thợ mộc đảm nhận. Nếu là chạm trổ hay chạm lộng thì trước tiên dùng khoan tạo lỗ xuyên qua thân gỗ rồi tra lưỡi cưa vào tiến hành cưa lộng theo đường nét đã vẽ sẵn. Lưỡi cưa dùng để cưa lộng thường có bề gáy rất ngắn giúp đường cưa có thể uyển chuyển linh hoạt theo đường nét văn hoa uốn lượn phức tạp. Nếu là chạm nổi hay chạm âm thì dùng đục bạt phá nền, tạo khung.

Kế đến là khâu chạm khắc do thợ chạm đảm nhận. Đây là khâu quyết định, là lúc người thợ tự "thổi hồn mình vào trong từng thớ gỗ". Bằng sự phối hợp nhuần nhuyễn bốn loại đục (mà chủ yếu là đục dũm hay đục tách), người thợ tạo tác nên nhiều đường nét, hình tượng mới lạ mà trên nền gỗ chưa hề có.

Khâu cuối cùng là cạo láng, làm bóng và sơn. Đây là thao tác tô điểm thêm cho các hoa văn hình tượng đã có. Ở Chợ Thủ không có thợ cẩn ốc xà cừ nên những sản phẩm nào cần cẩn ốc thì phải nhờ đến thợ chuyên môn ở Mỹ Luông làm giúp. Như vậy, để làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh đôi khi phải có sự phối hợp của cả thợ mộc, thợ chạm và thợ cẩn.

Hiện nay, đồ gỗ được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là mặt hàng chạm trổ Chợ Thủ nổi tiếng bởi tài hoa của nghệ nhân, nên làng nghề mộc Chợ Thủ sung túc. Toàn xã Long Điền A hiện có trên 300 cơ sở với trên 1.000 hộ tham gia làm nghề, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 2.300 lao động, chiếm gần 60% dân số vùng này. Bên cạnh đó còn có gần 1.300 lao động gián tiếp. Sản phẩm bây giờ cũng đa dạng hơn. Ngoài những sản phẩm cổ truyền còn có cả những tác phẩm mỹ thuật gỗ tham gia thị trường quà lưu niệm phục vụ du khách. Làng mộc Chợ Thủ thường tập trung chủ yếu ở bốn ấp: Long Thuận I, Long Thuận II, Long Bình và Long Định.

Nghề chạm khắc gỗ đã tạo cho Chợ Thủ một diện mạo riêng biệt so với các vùng xung quanh. Ít có ai nghĩ rằng giữa một vùng đồng ruộng chân chất lại xuất hiện một làng nghề độc đáo, tinh xảo như vậy.

LÊ QUANG TRẠNG


* Tài Liệu Tham Khảo:

- Lịch sử địa phương An Giang- NXB Giáo Dục, 2009.

- Địa lí địa phương An Giang- NXB Giáo Dục, 2010.

Cùng lời kể của các cụ cao niên, các nghệ nhân của làng nghề truyền thống Chợ Thủ.

Chia sẻ bài viết