17/04/2010 - 21:43

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng

Ngày hội lớn của người dân Việt

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm

Thờ Vua Hùng là một truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Truyền thống ấy đã thấm
sâu vào tâm khảm và trở thành một nhu cầu về tình cảm – một biểu hiện về mặt đạo đức của mỗi người dân đất Việt. Truyền thống ấy là sức mạnh tinh thần của dân tộc để vượt qua mọi thử thách gian nan trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước. Được về dự ngày giỗ Tổ, người Việt Nam cảm thấy lòng mình thanh thản, thực hiện được chữ hiếu với Tổ tiên. Đền Hùng thực sự trở thành biểu tượng cho ý chí, tinh thần đoàn kết, điểm tựa văn hóa- tâm linh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thời đại Hùng Vương là thời đại mở đầu rực rỡ của lịch sử dân tộc Việt Nam. Những di chỉ khảo cổ học Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Làng Cả... đã khẳng định thời kỳ Hùng Vương là có thật và nền văn minh buổi đầu của ông cha chúng ta thật đáng tự hào. Các Vua Hùng đã xây dựng nhà nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của Việt Nam, đã hình thành và cố kết được cái gốc của dân tộc, đặt nền móng cho sự phát triển của lịch sử Việt Nam.

Theo tài liệu của Sở Văn hóa- thông tin Vĩnh Phú trước đây, ở Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ) có 627 làng thuộc 387 xã thờ các Vua Hùng, vợ con và tướng lĩnh của các Vua Hùng. Bộ Lễ thời Lê đã thống kê trong quyển sách thờ bán thần có tới 1026 đình đền ở 944 xã thờ Hùng Vương, nhân thần và các tướng lĩnh của Vua Hùng gồm: Hưng Hóa 58, Kinh Bắc 112, Hải Dương 112, Thanh Hóa 26, Sơn Nam 231, Nghệ An 70. Năm 2005, Cục Văn hóa cơ sở – Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) đã thống kê các tỉnh thành trong cả nước có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam.

Ở TP Hồ Chí Minh có đền thờ Hùng Vương trong Thảo Cầm Viên, Bà Rịa – Vũng Tàu thì có đền thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ. Các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tiền Giang đều có đền thờ Hùng Vương. Người dân Việt Nam ở nước ngoài: Mỹ, Pháp, Srilanka, Canada khi về nước đã xin đất thiêng ở Đền Hùng và xin chân hương về để thờ vọng. Hiện nay, đền thờ Vua Hùng được bà con Việt kiều xây tại New York (Mỹ), Paris (Pháp). Những số liệu thống kê về các đền thờ Vua Hùng, vợ con và các tướng lĩnh các Vua Hùng ở khắp nơi đã chứng minh trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam Vua Hùng có một vị trí quan trọng đặc biệt.

***

Các triều đại phong kiến nối tiếp nhau tôn vinh khu di tích Đền Hùng, đưa nghi lễ nhà nước vào các kỳ Giỗ Tổ một cách trọng thể trang nghiêm, thể hiện tình cảm thành kính của con Lạc cháu Hồng với Tổ tiên. Khi đất nước ta giành độc lập vào thế kỷ X, vua Lê Đại Hành đã chính thức cho viết Thần tích vào năm Thiên Phúc nguyên niên (980), việc xây dựng kiến trúc và tổ chức lễ hội được duy trì hoàn thiện hơn. Đến thời Lý Trần, Khu di tích Đền Hùng đã là một di tích khá đẹp. Thời Lê sau khi giải phóng đất nước, triều đình cử Lễ bộ Thượng thư lên thị sát xây dựng lại Đền Hùng bị quân Minh tàn phá, phong cho dân làng Cổ Tích là “Dân trưởng tạo lệ” cho miễn phu, tạp dịch, thuế má để trông nom Lăng miếu Vua Hùng và cho viết lại Thần tích vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470) sao lại vào năm Hoằng Định nguyên niên (1600) (bản sao này hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng Hùng Vương, trong Khu Di tích Đền Hùng). Triều Nguyễn cho trùng tu các đền trong khu di tích, định ra chính hội và hội thường: cứ 5 năm một lần chính hội do Thượng thư Bộ Lễ chủ tế, quan tuần phủ Phú Thọ làm bồi tế, hội thường quan tuần phủ Phú Thọ chủ trì và đồng chủ tế, tri huyện Lâm Thao, Phù Ninh làm bồi tế, quyết định chính thức lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Lễ hội Đền Hùng Phú Thọ. Ảnh: Phutho.Gov 

Sau khi nước nhà độc lập, Chính phủ lâm thời cử cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước - lên dự Giỗ tổ đầu tiên (Bính Tuất- 1946). Năm 1954, trước khi tiếp quản thủ đô, Bác Hồ đã về thăm Đền Hùng. Tại đây, Người nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong (Sư đoàn 308) và có lời dặn bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ đã từng về thăm Đền Hùng. Khu di tích đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể để Đền Hùng xứng với tầm vóc là một trong những khu di tích lịch sử quan trọng bậc nhất quốc gia. Năm 1990 và 1995, Bộ Văn hóa- thông tin và UBND tỉnh đã tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương với nghi thức trọng thể. Đặc biệt, Năm Canh Thìn 2000, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức quy mô cấp quốc gia. Tiếp đó Chính phủ đã có Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 6-11-2001 về nghi lễ nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài. Giỗ Tổ Hùng Vương được quy định là ngày lễ lớn của dân tộc. Tại Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 3-9-2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dự án tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng. Năm 2005, Giỗ Tổ Hùng Vương được quy định là Quốc lễ. Mới đây, ngày 10-12-2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2069 về việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trong 10 ngày ở Phú Thọ theo nghi thức cấp Nhà nước.

***

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm Canh Dần đã được Chính phủ quyết định tổ chức ở quy mô cấp nhà nước trong 10 ngày từ 1/3 đến 10/3 tại Phú Thọ. Các tỉnh thành khác nơi có di tích thờ Hùng Vương và thể các nhân vật có liên quan đến thời đại Hùng Vương tổ chức lễ giỗ trong 2 ngày. Có 21 tỉnh, thành đại diện cho các vùng miền trong cả nước cùng với Phú Thọ trực tiếp tham gia tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng. Với tinh thần Quốc Lễ, Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trang trọng, linh thiêng mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Dịp này các tỉnh, thành phố đã lựa chọn những gì đặc sắc nhất của địa phương mình để tham gia ngày hội, thành kính dâng lên Tổ tiên trong ngày 10-3. Mùng 1-3 âm lịch tại đền Hùng là Lễ khai mạc Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm Canh Dần 2010 còn gắn với Khai mạc Ngày hội văn hóa thể thao du lịch các tỉnh Đông Bắc lần thứ VII tổ chức tỉnh Phú Thọ, biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng Đất Tổ Vua Hùng”. Sáng mùng 1-3 đoàn văn hóa dân gian các tỉnh vùng Đông Bắc, các tỉnh thành phố, 13 huyện, thị, thành tỉnh Phú Thọ từ 4 hướng diễu hành về Nhà Bảo tàng Hùng Vương dự Lễ khánh thành và triển lãm hiện vật quý thời Hùng Vương, hiện vật thời Lý-Trần. Lễ hội năm nay cũng được coi là những hoạt động mở đầu chào đón Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Trong lễ hội có các chương trình văn hóa, văn nghệ dân gian: rước kiệu, thi đấu các môn thể thao dân tộc và hiện đại : vật, cờ tướng, đẩy gậy, bóng chuyền, bơi trải trong diễn trường rộng từ Khu di tích Đền Hùng đến nhiều địa điểm trong TP Việt Trì và các huyện Lâm Thao, Phù Ninh. Cùng với các hoạt động trên sẽ diễn ra nhiều triển lãm mang nội dung phong phú: trưng bày tác phẩm hội họa tranh thờ của các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc, trưng bày quảng bá tiềm năng văn hóa du lịch thương mại các tỉnh vùng Đông Bắc, các tỉnh góp giỗ và các huyện, thị, thành tỉnh Phú Thọ; trưng bày các tác phẩm nghệ thuật Trại sáng tác điêu khắc quốc tế mang tên “Ấn tượng Đất Tổ Hùng Vương” lần thứ 2; triển lãm ảnh “Các vùng kinh đô Việt Nam”; triển lãm ảnh tư liệu “Giỗ Tổ Hùng Vương – xưa và nay”; Triển lãm sách tư liệu “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam”; giới thiệu văn hóa ẩm thực dân gian các dân tộc vùng đông Bắc; trình diễn trang phục dân tộc; triển lãm sản phẩm làng nghề truyền thống, tổ chức chợ quê, giao lưu dân ca các vùng miền...

Các chương trình mang tính “điểm nhấn” trong hành trình Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương như biểu diễn với chủ đề “ Kinh đô Văn Lang - Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tỏa sáng” vào 20 giờ ngày 8-3 âm lịch, biểu diễn võ thuật dân tộc “Hào khí Đất Việt” tối 9-3 âm lịch; chương trình “Nối vòng tay nhân ái vì người nghèo Phú Thọ” cùng chương trình bắn pháo hoa tại Việt Trì vào 22 giờ ngày 9-3 âm lịch.

Trên các sân khấu lớn trong khu vực Trung tâm Lễ hội sẽ có các chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng, tại các sân thể thao tổ chức thi đấu giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh Cúp Hùng Vương 2010; thi đấu vật dân tộc trong chương trình Ngày hội Đông Bắc, rước kiệu truyền thống các xã vùng ven di tích vào Đền Hùng.

Tại khu vực đền Tam Giang (phường Bạch Hạc) diễn ra giải bơi trải truyền thống trên sông Lô. Trong không gian trải rộng từ Đền Hùng đến Bạch Hạc (Việt Trì), thị trấn Lâm Thao, thị trấn Phong Châu (Phù Ninh) và nhiều làng xã vùng ven khu di tích nhiều hoạt động lễ hội được tổ chức đan xen với các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của các tỉnh, thành về tham gia giỗ Tổ tạo nên một không khí tưng bừng, rộn rã mà tâm điểm là khu di tích lịch sử Đền Hùng.

TRẦN VĂN QUANG

Chia sẻ bài viết