18/10/2022 - 09:26

Ngành sách ở Malaysia phát triển 

BẢO LAM (Tổng hợp từ freemalaysiatoday, asia.nikkei)

Các hiệu sách ở Malaysia vốn đứng trước nguy cơ đóng cửa hàng loạt bởi người dân quốc gia này ít có thói quen đọc sách. Thế nhưng dịch COVID-19 đã làm thay đổi cục diện trên và ngành sách đang lấy đà phát triển.

Malaysia tự hào là một trong những quốc gia có tỷ lệ bình quân người biết chữ cao nhất thế giới, nhưng trong một báo cáo năm 2016 cho thấy chỉ 3% người biết đọc thường xuyên đọc sách, còn lại là thích đọc báo. Các hiệu sách ở Malaysia cũng kinh doanh không hiệu quả và phải đóng cửa rất nhiều. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã tác động, làm thay đổi điều này. Người dân mắc kẹt ở nhà và bắt đầu đọc sách nhiều hơn. Còn các hiệu sách thì chuyển đổi hình thức để duy trì.

Ông Andrew Yap, đồng sáng lập chuỗi nhà sách BookXcess, cho biết: “Chúng tôi từng sắp phá sản khi hầu hết doanh số bán hàng đến từ hội chợ quốc tế Big Bad Wolf và thường phải bán những cuốn sách tồn hàng với mức chiết khấu cao. Khi đại dịch xảy ra các hội chợ không thể diễn ra, chúng tôi phải chuyển sang bán hàng trực tuyến. Bất ngờ việc kinh doanh lại được cải thiện”. Báo cáo của Thư viện Quốc gia Malaysia cho biết nhu cầu đọc các ấn bản điện tử đã tăng gấp đôi vào năm 2020 so với năm 2019. Các bản sách in cũng được quan tâm hơn trước đó. Cụ thể, doanh thu của Lit Books chuyên kinh doanh các sản phẩm sách in đã ghi nhận mức tăng doanh thu hàng tháng lên đến 60% vào năm 2020.

Lit Books (ảnh) là một hiệu sách được mở vào năm 2017 bởi hai cựu nhà báo Fong Min Hun và Elaine Lau. Thời điểm đó, ngành sách ở Malaysia vẫn gặp khó khăn, nhất là các hiệu sách truyền thống. Tuy nhiên, Elaine Lau vẫn tin tưởng rằng “mọi người vẫn đọc sách in” và quyết tâm mở hiệu sách của riêng mình. Không giống với các hiệu sách truyền thống ở Malaysia, Lit Books là mô hình hoạt động sáng tạo, với cửa hiệu có trần cao, nhiều ánh sáng mặt trời. Kệ sách có bánh xe để có thể dễ dàng di chuyển nhằm tạo không gian biểu diễn nhạc jazz, gặp gỡ tác giả hoặc tổ chức các chương trình đố vui văn học. Khách có thể đến đây uống trà, cà phê và đọc sách. Mô hình của Lit Books đã tác động và góp phần thay đổi ngành sách ở Malaysia. Nhiều hiệu sách đã bắt đầu đổi mới để có mô hình khác biệt.

Ông Andrew Yap cho biết hiện BookXcess đang quay lại tập trung vào các cửa hiệu. Lúc này, nhiều hiệu sách của BookXcess được thiết kế theo phong cách riêng biệt để thu hút khách hàng, ví như một cửa hiệu nằm trong cụm rạp chiếu phim cũ; hay một cửa hiệu có quầy kem và nhiều hiệu sách khác được mở ở trong các trung tâm mua sắm - nơi mọi người thường đến vào cuối tuần. BookXcess đã tăng từ 8 cửa hàng trước đại dịch lên 19 cửa hàng vào tháng 7-2022.

Không chỉ các chuỗi hiệu sách mà các hiệu sách độc lập cũng có những mô hình độc đáo thu hút khách hàng. Ví như hiệu sách độc lập Monsoon Books dành cho cộng đồng nói tiếng Trung của Malaysia. Khoảng hai phần ba số sách của họ là bằng tiếng Trung. Số lượng các tác phẩm của họ rất đa dạng và có xu hướng tăng cao. Hiệu sách độc lập Tintabudi của Nazir Harith Fadzilah giống như một thư viện cá nhân, với bộ sưu tập sách khổng lồ từ giai đoạn ông còn là sinh viên ở Úc. Nazir Harith Fadzilah đã mang bộ sưu tập đó về Malaysia, kết hợp với khách sạn Kloe Hotel để vận hành một phòng đọc sách tại đây. Hiệu sách Tintabudi trở thành điểm đến của nhiều người từ đó.

Các hiệu sách ở Malaysia đang có sự phát triển mới, với sự trợ giúp từ Chính phủ và ngành chức năng. Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob gần đây cho biết Chính phủ nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ việc tổ chức các hội chợ sách và hoạt động xuất bản, vì những chương trình như vậy sẽ tăng cường văn hóa đọc trong các gia đình Malaysia.

Chia sẻ bài viết