20/01/2024 - 12:13

Ngành Nông nghiệp nỗ lực tạo chuyển biến mạnh từ chuyển đổi số 

Bên cạnh hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cũng đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp...

Hiệu quả thiết thực từ CĐS

Năm qua, sản xuất nông nghiệp TP Cần Thơ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá cao. Tốc độ tăng tổng sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của thành phố đã đạt mức 3,22% trong năm 2023, vượt khá cao so với con số 2,2-2,5% theo kế hoạch đã đề ra. Các chỉ tiêu quan trọng của sản xuất nông nghiệp đều đạt và vượt so với kế hoạch. Để đạt được những kết quả đó, ngành Nông nghiệp thành phố đã hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và phát triển các mô hình hiệu quả trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện CĐS, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp và nông thôn. Tích cực hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường phối hợp các viện, trường và đơn vị có liên quan đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các thiết bị, công nghệ mới cho người dân để sản xuất bền vững và mang lại giá trị cao. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học để phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh, tuần hoàn, sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, thân thiện với môi trường và ít phát thải khí nhà kính. Qua đó, giảm được các chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và hòa nhịp xu thế phát triển của thời đại 4.0.

Nông dân ở huyện Thới Lai sử dụng máy bay nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ,  năm qua, tổng diện tích gieo trồng và sản lượng lúa, cây trồng hằng năm, cây ăn trái và nuôi thủy sản, cũng như tổng đàn gia súc gia cầm đều thực hiện đạt vượt từ 0,29-26% so với kế hoạch. Năm 2023, ngành NN&PTNT  thành phố đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình ứng dụng hiệu quả cơ giới hóa, cũng như thành lập các hợp tác xã (HTX) và tổ, nhóm làm dịch vụ kỹ thuật để làm các dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, nhiều khâu trong quá trình sản xuất lúa như làm đất, thu hoạch, bơm tưới nước... đã được cơ giới hóa hầu như hoàn toàn và nông dân cũng áp dụng nhiều loại máy móc, thiết bị phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Song song đó, ngành cũng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng cơ sở, đơn vị trực thuộc, người dân và doanh nghiệp về CĐS thông qua nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, lớp tập huấn và qua các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng số khác. Ngành đã cấp mã truy xuất nguồn gốc điện tử (QR-Code) cho 222 chủ thể sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, với 480 sản phẩm, trong đó có 61 sản phẩm OCOP và 158 sản phẩm đã được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và 308 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Cần Thơ. Thời gian qua, ngành cũng phối hợp cùng Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT Cần Thơ,  MobiFone Cần Thơ và nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác để xây dựng và quảng bá, tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, xây dựng và lắp đặt các hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn tự động (IoT), triển khai áp dụng các công cụ, nền tảng phục vụ CĐS như nền tảng “Mạng nhà nông”, nền tảng (app) MobiAgri trên cây trồng, phần mềm Ricemo phục vụ quản lý sản xuất lúa. Cần Thơ đã cho đời trang thông tin điện tử (chonongsancantho.vn) phục quảng bá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản hàng hóa. Hiện đã có 102 đơn vị, doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tham gia quảng bá sản phẩm tại trang thông tin điện tử trên và có hơn 84.015 lượt truy cập.

Ông Đoàn Hữu Bốn, Giám đốc HTX hoa kiểng Bình An, quận Bình Thủy, cho biết: “Việc ứng dụng các thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp rất quan trọng nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhất là đối với sản xuất hoa kiểng. Thời gian qua, nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội và nền tảng số mà hoa kiểng của nông dân tại HTX đã được nhiều khách hàng biết đến và tìm đến tận nơi để mua hoặc đặt hàng mua, nhờ vậy đã tiêu thụ được nhiều loại hoa kiểng ngay tại vườn, giúp tiết kiệm chi phí so với đưa hoa ra chợ Tết để bán”.

Đẩy mạnh CĐS

Cùng với việc tăng cường công tác  đào tạo và tập huấn về CĐS cho nông dân và các bên có liên quan, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cũng đang chú ý tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước và thu hút, huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp và xã hội để thực hiện CĐS trong nông nghiệp. Quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện CĐS, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân cùng các tổ chức nông dân, doanh nghiệp trong tiếp cận, ứng dụng công nghệ số và các thiết bị, công nghệ mới phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Năm 2024, Sở tiếp tục tăng cường phối hợp các bộ ngành Trung ương, sở ngành tại địa phương và đơn vị, doanh nghiệp có liên quan để nỗ lực tạo chuyển biến mạnh trong CĐS nông nghiệp. Chú ý xây dựng và phát triển các nền tảng số để đẩy mạnh thực hiện minh bạch hóa sản xuất và chuẩn hóa sản xuất đáp ứng các yêu cầu thị trường về sản phẩm chất lượng, an toàn, có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các tổ chức và cá nhân trong việc đưa sản phẩm lên quảng bá và bán tại các sàn thương mại điện tử, cũng như tổ chức livestream bán nông sản. Phát triển đội ngũ nguồn nhân lực CĐS, nhất là phát triển các tổ, nhóm và lực lượng khuyến nông cộng đồng ở cơ sở tham gia thực hiện CĐS gắn với phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các địa phương và các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn để tập trung hỗ trợ nông dân thực hiện CĐS hiệu quả...”.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, tới đây Sở cũng tiếp tục tăng cường phối hợp để đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo, tọa đàm về CĐS trong nông nghiệp nói chung và từng lĩnh vực sản xuất để có các hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể cho nông dân. Qua đó, giúp nông dân được tiếp cận và khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết bị, công nghệ mới. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ nông dân, HTX và các doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời các khó khăn và hạn chế trong việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng số. Thực tế cho thấy, việc phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp vẫn đang còn gặp khó do nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ và chủ yếu tiêu thụ ở dạng tươi thô, trong khi các dịch vụ logistics còn “yếu” về khả năng tiếp nhận các đơn hàng nông sản tươi. Hiện đa phần nông dân cũng còn hạn chế về kỹ năng công nghệ thông tin và khả năng giao dịch, buôn bán hàng trên kênh thương mại điện tử.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết