29/12/2018 - 23:03

Ngành công nghiệp điện ảnh Indonesia đang gây chú ý 

Với dân số khoảng 260 triệu người, phần lớn là người trẻ, Indonesia còn có sự phát triển nhanh về công nghệ, trở thành thị trường được quan tâm của ngành công nghiệp giải trí. Thị trường tiểu ngạch này đang dần có sức ảnh hưởng khi dần phát triển thành phòng vé lớn thứ 15 trên thế giới. Theo đó, sự phát triển của điện ảnh Indonesia cũng tạo được sức hút.

“Wiro Sableng: 212 Warrior”.
“Wiro Sableng: 212 Warrior”.

Trong vòng hơn 5 năm, Indonesia đã có sức tăng trưởng đáng kể: số lượng màn hình đã tăng gấp đôi, đạt đến 1.638 màn hình trong năm 2018; phòng vé đạt 345 triệu USD vào năm 2017, trở thành phòng vé lớn thứ 15 trên thế giới bên ngoài Bắc Mỹ. Thực tế, doanh thu từ phòng vé của Indonesia đến từ các phim nước ngoài khá nhiều. “Avengers: Infinity War” với 25 triệu USD, “The Nun” với 7 triệu USD đều là những bom tấn Hollywood mở màn ấn tượng tại quốc gia này; hay “Satan’s Slaves” của Hàn với 11 triệu USD…

Sự tăng trưởng phòng vé cũng góp phần tạo sự ổn định cho điện ảnh Indonesia, nhất là các tác phẩm nghệ thuật, khi dần được chú ý tại các Liên hoan phim (LHP) quốc tế như: “Memories Of My Body” tại LHP Venice, “Marlina The Murderer In Four Acts” tại LHP Cannes, “The Seen And Unseen” tại LHP Toronto. Với một thị trường mới nổi như Indonesia, điều này mang đến rất nhiều lợi thế. Ông Shanty Harmayn, nhà sản xuất Indonesia, đồng sáng lập hãng Base Entertainment, nói: “So với 5-6 năm về trước, các dự án phim dễ dàng được bật đèn xanh hơn và ngân sách cũng tăng. Rạp chiếu cũng tăng nhanh, phục vụ mọi đối tượng, nhất là tầng lớp trung lưu”.

Những tín hiệu tích cực trên đến từ chính sách đổi mới của Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Để kích hoạt tăng trưởng kinh tế Indonesia, từ năm 2016, Tổng thống Joko Widodo có nhiều chính sách thân thiện doanh nghiệp, trong đó có quyết sách liên quan đến ngành điện ảnh. Theo đó, công nghiệp điện ảnh Indonesia có thể thu hút 100% vốn đầu tư nước ngoài, các công ty nước ngoài hoàn toàn có thể nắm giữ đến 100% cổ phần trong các công ty sản xuất, phân phối, trình chiếu phim ảnh.

Chính sách này lập tức tạo hiệu quả khi đã thúc đẩy tăng trưởng hệ thống rạp CJ CGV đến từ nhà đầu tư Hàn Quốc. CJ CGV hiện có 47 rạp với 300 màn hình ở Indonesia, trở thành đối thủ cạnh tranh lớn mạnh với Cinema 21 Group - công ty địa phương vốn độc quyền tại Indonesia trước đây. Theo chân CJ CGV, Lotte Cinema cũng đến Indonesia, mở đầu bằng hệ thống rạp ở Jakarta vào cuối năm 2018. Lippo Group, một công ty địa phương cũng nhanh chóng bắt tay với Cinemaxx để mở rộng hệ thống và sở hữu 45 điểm chiếu với 226 màn hình, đồng thời vạch ra mục tiêu lâu dài là tăng lên số màn hình lên gấp 4 lần trong 5 năm tới. Gerald Dibbayawan, CEO Cinemaxx, nói: “Chúng tôi có kế hoạch mở rộng hơn nữa hệ thống rạp đến nhiều thành phố. Hiện tỷ lệ màn hình trên dân cư của Indonesia vẫn khiêm tốn. Nhiều người dân phải mất hàng giờ di chuyển đến rạp gần nhất. Thị trường điện ảnh Indonesia đang có sự tăng trưởng khá tốt, tổng doanh thu từ phòng vé trong nước tăng 170% so với năm trước”.

“Marlina The Murderer In Four Acts”.
“Marlina The Murderer In Four Acts”.

Phim nội địa chiếm khoảng 30% thị phần ở Indonesia và các nhà đầu tư quốc tế cũng không ngại hợp tác sản xuất phim. Từ năm 2014, CJ E&M đã bắt đầu hợp tác với các nhà làm phim địa phương sản xuất phim nói tiếng Indonesia, sau đó 20th Century Fox, Ivanhoe Pictures cũng vào cuộc. “Wiro Sableng: 212 Warrior” - phim đầu tiên nói tiếng Indonesia do 20th Century Fox sản xuất đã ra mắt vào năm 2018, có đến 1,55 triệu lượt xem tại thị trường nội địa, sau đó được phát hành tại Singapore, Malaysia… CJ E&M thì đã sản xuất đến 5 phim nói tiếng Indonesia: “Satan’s Slaves”, “Cado Cado: Doctor 101”, “20 Forever”, “Dreadout: Tower Of Hell”, “Sunny”. Jerry Ko, Trưởng Ban Điều phối quốc tế của CJ E&M đánh giá sự hợp tác này có lợi cho đôi bên: nhà đầu tư hạn chế được rủi ro và những người làm phim địa phương vẫn giữ giá trị văn hóa bản địa. Các nhà đầu tư quốc tế hỗ trợ để nâng cao chất lượng sản phẩm, ngược lại sản phẩm đó thúc đẩy mở rộng kinh doanh của các nhà đầu tư.

Trên cơ sở này, phim Indonesia cũng bắt đầu xâm nhập thị trường quốc tế. Không chỉ các phim hành động - vốn là đặc trưng của điện ảnh Indonesia được ưa chuộng trên thị trường quốc tế - mà còn có các thể loại phim kinh dị, nghệ thuật được yêu thích. Điển hình, “Satan’s Slaves” có mặt ở hơn 20 thị trường; còn “Marlina The Murderer In Four Acts” đã được bán ra ở hơn 40 vùng lãnh thổ, phát hành ở các rạp của Mỹ, Anh, Canada… Isabelle Glachant, nhà sáng lập Asian Shadows, cho rằng: Phim “Marlina The Murderer In Four Acts” được ưa chuộng vì có sức hút tại LHP Cannes. Thành công của phim khiến các nhà phát hành chú ý đến nền điện ảnh Indonesia”.

Công nghiệp điện ảnh Indonesia vẫn còn rào cản về việc nhập khẩu và mở rộng thị trường. Hiện Cinema 21 Group vẫn độc quyền phát hành phim nước ngoài. Lại thêm các phim nước ngoài do đơn vị này mua chỉ chiếu ở hệ thống rạp riêng của họ mà không cung cấp cho các rạp đối thủ. Trong khi CJ E&M, Cinemaxx cũng khó lòng đưa phim đến Cinema 21 Group khi đơn vị này đang chiếm đến 80% thị phần của Indonesia. Gerald Dibbayawan, CEO Cinemaxx, nói: “Chúng tôi vẫn còn chưa đi được 1/5 đoạn đường và thị trường tại Indonesia vẫn có khả năng sinh lợi rất cao. Mặc dù có nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn cho rằng đây là thị trường mới đáng để khai phá và đầu tư”.

BẢO LAM (Theo Screendaily, Nytimes, Variety)

Chia sẻ bài viết