12/07/2022 - 09:22

Ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc trước nguy cơ bão hòa 

BẢO LAM (Tổng hợp từ Korea Times, SCMP, Billboard)

Ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc phát triển mạnh trong những năm qua, nhất là có nhiều nhóm nhạc thành công trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nhiều lộn xộn và nguy cơ bão hòa đang xuất hiện...

Nhóm BTS.​

Thành công của các nhóm nhạc Big Bang, SNSD, EXO, BTS, Blackpink… đã giúp ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc (Kpop) có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Kpop trở thành hiện tượng và được ngành công nghiệp âm nhạc nhiều quốc gia quan tâm. Kim Jin Woo, Giáo sư kiêm trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghệ thuật Seoul, nói: “Chúng ta chứng kiến ​​sự xuất hiện của các nhóm nhạc mang màu sắc của Kpop ở nhiều quốc gia. Ðiển hình là NiziU - một nhóm nhạc Nhật Bản có mô hình hoạt động như các nhóm Kpop”. Giáo sư Kim Jin Woo cho đó là “công thức mô hình” mà các nhà sản xuất âm nhạc Hàn Quốc tạo ra cho nhóm nhạc của nước ngoài và kiếm tiền bản quyền. Tuy nhiên, việc mô hình hóa này có thể làm cho ngành công nghiệp âm nhạc đối mặt với nguy cơ khi khán giả bị “bội thực”. Ðiều này đang diễn ra tại Hàn Quốc. Jeff Benjamin, người phụ trách chuyên mục Kpop tại tạp chí Billboard chỉ ra rằng Kpop đang thực sự bão hòa khi mỗi năm có khoảng 50-100 nhóm nhạc ra mắt, nhưng không nhóm nào nổi trội vì thiếu chiến lược độc đáo. Jeff Benjamin cho biết: “Những chiến lược giống nhau đang được sử dụng lặp đi lặp lại, khiến khán giả quá mệt mỏi. Ðiều này không giúp ích cho bất kỳ nghệ sĩ nào trong chiến lược phát triển lâu dài”.

Nhận định của Jeff Benjamin rất đúng với thực trạng của Kpop hiện nay. Mỗi năm, Kpop có hàng trăm thần tượng ra mắt cùng một cách thức đào tạo, cùng một quy trình quảng bá. Người hâm mộ dần ít trông chờ hơn. Chưa kể, các tân binh lại hay vướng scandal. Cụ thể như Le Sserafim - nhóm nhạc 6 thành viên ra mắt lần đầu vào tháng 5-2021 với album “Fearless”, chỉ chưa đầy một tháng sau thì thành viên Kim Ga Ram buộc tạm ngừng hoạt động vì bị cáo buộc có hành vi bạo lực học đường. Le Sserafim vốn được kỳ vọng sẽ tiến xa ở thị trường quốc tế khi có bệ đỡ là Source Music - công ty con dưới trướng HYBE (nơi đào tạo BTS, Seventeen, GFriend).

Một nguyên nhân khác khiến Kpop gây tranh cãi là các thần tượng âm nhạc đến tuổi nghĩa vụ quân sự nhưng vẫn chưa nhập ngũ, mà điển hình là tranh luận nhóm nhạc nam BTS có nên được miễn nghĩa vụ quân sự hay không. Thêm vào đó, thành viên nhiều nhóm nhạc nổi tiếng đang có xu hướng tách riêng, mà điển hình như nhóm Bigbang, BTS, Blackpink... Năm 2022 đánh dấu sự chững lại của Kpop bởi nhiều hoạt động âm nhạc bị trì hoãn. Tất cả những điều này khiến cho ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Kim Jin Woo vẫn bày tỏ sự lạc quan: “Doanh số album của Kpop những năm qua luôn tăng, đây là minh chứng cho việc mở rộng người hâm mộ toàn cầu của Kpop. Những người yêu thích Kpop không chỉ mua album mới nhất của thần tượng mà cả album cũ để làm kỷ niệm. Ðây là sự lan tỏa ngược. Nhiều người cho rằng thị trường âm nhạc Hàn Quốc đang quá bão hòa, nhưng có vẻ vẫn có một thị trường ngách trên trường quốc tế”. Trong khi đó, Giáo sư Lee Gyu Tag cho rằng: “Trước đây, các ca sĩ đều cạnh tranh trong nước. Nhưng ngày nay, với sự nổi lên của các nền tảng trực tuyến toàn cầu, họ nên có cách tiếp cận hướng đến mục tiêu thị trường quốc tế”.

Chia sẻ bài viết