12/09/2019 - 09:21

Ngân hàng và doanh nghiệp đồng hành cùng phát triển 

ĐBSCL là vùng kinh tế năng động có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch... đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản của đất nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp tại ĐBSCL đang đối mặt với hàng loạt khó khăn liên quan đến quy hoạch, tổ chức sản xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm, ổn định và mở rộng vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm. Để giúp doanh nghiệp ĐBSCL khơi dậy được những tiềm năng, thế mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, không thể thiếu vai trò của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc khơi thông dòng vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.

Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ quảng bá, giới thiệu sản phẩm gạo đóng túi đến doanh nghiệp Singapore và Malaysia. Ảnh: MINH HUYỀN

Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ quảng bá, giới thiệu sản phẩm gạo đóng túi đến doanh nghiệp Singapore và Malaysia. Ảnh: MINH HUYỀN

Tiếp thêm nguồn lực  

ĐBSCL đóng góp tới 4/7 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có kim ngạch trên 1 tỉ USD (lúa gạo, tôm, cá tra, rau quả). Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong những ngành hàng chủ lực của vùng đã nỗ lực đưa nông sản chế biến của vùng vươn ra thị trường thế giới. Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh có nhà máy chế biến đặt tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chuyên sản xuất nước ép trái cây cô đặc và trái cây sấy dẻo từ những loại trái cây đặc sản của vùng ĐBSCL. Dù mới thành lập từ năm 2017 nhưng đến nay công ty đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, doanh thu năm 2019 ước đạt 10 triệu USD. Theo ông Phạm Tiến Hoài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh, từ ngày đầu triển khai dự án vào năm 2016, công ty tiếp cận được vốn vay tại Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Cần Thơ theo chương trình cho vay ưu đãi đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, cụ thể là lĩnh vực xuất khẩu. Nhờ tiếp cận vốn vay hiệu quả, đầu tư bài bản, đến nay, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu trên 30 quốc gia ở châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ. Công ty còn được ngân hàng hỗ trợ quản lý tài chính, quản lý rủi ro, thủ tục xuất nhập khẩu...

Toàn vùng ĐBSCL với mạng lưới 350 chi nhánh TCTD và trên 150 quỹ tín dụng nhân dân. Tín dụng của khu vực ĐBSCL những năm qua liên tục tăng và đạt bình quân khoảng 15% giai đoạn 2015-2018. Tính đến 31-7-2019, quy mô tín dụng tại khu vực ĐBSCL đạt 623.926 tỉ đồng, tăng 7,76% so với 31-12-2018, chiếm khoảng 8,06% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Trong đó tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 14,8%, một số lĩnh vực thế mạnh của vùng như lúa gạo và thủy sản có tốc độ tăng trưởng khá (lúa gạo tăng 13,92%, thủy sản tăng 8,45%). Các TCTD khu vực ĐBSCL đã chủ động tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với ngân hàng, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cho biết: “Agribank đã chỉ đạo các chi nhánh vùng ĐBSCL thực hiện nghiêm túc chính sách của Chính phủ về ưu đãi lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hỗ trợ cho vay mới khôi phục sản xuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn bị rủi ro vì thiên tai, dịch bệnh như dịch tả heo châu Phi, hạn hán xâm nhập mặn...”. Còn ông Phạm Quốc Thanh, Phó Tổng Giám đốc HDBank, cho biết: “Bên cạnh việc triển khai cho vay tạm trữ, hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, HDBank còn cho vay theo chuỗi, cung ứng nhiều gói tài trợ chuỗi chuyên biệt cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác nhau, cụ thể như: Tài trợ chuỗi trang trại nuôi thủy sản, nuôi heo; chuỗi máy nông nghiệp Yanmar; cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn gia súc; xăng dầu; chuỗi siêu thị tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Khách hàng có nhu cầu vay vốn đều có thể tiếp cận dễ dàng các gói tài trợ này với các ưu đãi hấp dẫn về lãi suất, phí”.

Dây chuyền chế biến nước ép trái cây xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh.

Dây chuyền chế biến nước ép trái cây xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh.

Hiểu để đồng hành, chia sẻ

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, các sản phẩm thế mạnh của vùng như lúa gạo, thủy sản, trái cây… Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Đối với các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tài chính, xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật; tích cực tham gia các chuỗi giá trị, cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng sản xuất, tạo điều kiện cho các TCTD kiểm soát dòng tiền, chủ động phối hợp cùng các ngân hàng trong quá trình vay vốn, trả nợ vay.

Theo các TCTD, đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL luôn tiềm ẩn rủi ro về thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến kết quả sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây. Việc cho vay theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế do chưa có nhiều mô hình liên kết chuỗi hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, nông nghiệp ở ĐBSCL còn nhiều dư địa để phát triển nhất là đối với các sản phẩm chế biến, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Khơi thông dòng vốn tín dụng cho nông nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất theo công nghệ tiên tiến, hiện đại. Chia sẻ về kinh nghiệm vay vốn ngân hàng, ông Phạm Tiến Hoài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh, cho biết: Trước hết tôi chuẩn bị bộ hồ sơ thủ tục pháp lý đầy đủ của dự án, thứ hai là bản thân tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này. Do đó, khi làm việc với ngân hàng, doanh nghiệp chia sẻ toàn bộ mong muốn, kế hoạch và cả những khó khăn vướng mắc, từ đó, được ngân hàng hiểu, chia sẻ và đồng hành suốt quá trình khởi nghiệp của tôi.

Doanh nghiệp ĐBSCL đang nỗ lực vươn ra thị trường thế giới từ những sản phẩm chế biến chủ lực của vùng. Bà Dương Thị Bích Diệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lavifood (Long An), cho rằng: Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn song trên thực tế, doanh nghiệp còn gặp một số khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng. Lavifood tham gia vào chuỗi ngành hàng chế biến xuất khẩu rau củ quả, nhưng cơ chế áp dụng vay vốn cho ngành rau củ quả chưa rõ ràng, nên khi làm hồ sơ xin vay vốn doanh nghiệp còn lúng túng. Do đó, doanh nghiệp rất cần Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại hỗ trợ, hướng dẫn về thủ tục để  tiếp cận vốn hiệu quả hơn. Lavifood không chỉ đầu tư vào nhà máy chế biến mà còn đầu tư cả chuỗi giá trị nên rất cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư nhà mát, kho lạnh, xử lý rau củ, quả, chiếu xạ… Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi giá trị nên cũng mong muốn được ưu tiên vốn hỗ trợ thuê, mua, đầu tư hạ tầng trạm thu mua, kho bãi đề phát triển hạ tầng logistics chuyên biệt cho ngành hàng, giúp giảm thiểu thất thoát, đảm bảo chất lượng nông sản sau thu hoạch…

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết