25/08/2019 - 19:17

Ngã Ba sóng dồi 

Truyện ngắn: Lương Minh Hinh

Ghe xuồng tới Ngã Ba chịu sóng dồi mỗi lúc, mỗi chỗ, mỗi khác. Nào là xoay tròn xuôi xuôi ngược ngược, nào bập bênh dọc bập bênh ngang, nào chao nghiêng chao lệch. Rạch kinh lạ! Đường nước khắp đó đây không đâu có cái vũ điệu cuồng cuồng loạn loạn vầy. Ngã Ba các dòng mạch nguồn đổ về, biển ngược tới, trong lòng rạch cuồn cuộn quần quần xô đẩy đẩy xô. Dân hải hồ rạch kinh tới đây ngộ ra rằng phải lơi chèo lái để tự nhiên sóng dồi, lòng vòng rồi cũng tới chỗ cần tới. Và còn được bài học hay “Tới đâu theo nước đó” của thời mở cõi nước nổi bao la.

Người tá túc vùng giang đồng này trải đời ngày đêm làm ăn, thức ngủ với miên man dòng nước. Tay canh nông vườn ruộng thì ưu ái rạch Đông đục đỏ sắc phù sa màu mỡ. Tay ngư phủ lại linh hoạt với các loại trang trại hầm cá vuông tôm và đăng đó vó lưới với các loại thủy sản của con nước ngọt, con nước lợ và con nước mặn. Ở đây lúa gạo trái rau cá tôm thứ nào cũng nổi tiếng. Dân mình mấy ngàn năm dựng nước, mấy trăm năm mở cõi có nhiều cố sự quý giá.

Ngã Ba nước nổi này mỗi phận người mỗi kể ra bao nhiêu cố sự dòng trong dòng đục. Hai Óng nằm võng trong nhà mình nhìn con nước của Ngã Ba, nghĩ đến mẹ sinh cha dưỡng, rồi quay nhìn sau nhà. Mí bờ rạch bên kia là nấm mồ của cha, bên hông ngôi nhà của cha mẹ Hai Óng.

****

Mấy chục năm trước nhà ghe Nguyễn Hóa - Kim Trầm xuôi rạch Tây tới Ngã Ba, lên bờ dựng nhà lo gia viên. Họ phảng leng lên mương vườn, trong khi chồng vẫn ghe vợ vẫn xuồng câu lưới cần mẫn. Rồi họ lâm nạn sóng nước. Cái buổi chiều nhập nhoạng ấy, Kim Trầm ham hố săn “tôm ăn chạng vạng” (*) ở bờ bên kia. Con cá lớn dính câu lưới. Thế là ra cuộc vật lộn quyết liệt. Kim Trầm la thất thanh. Nguyễn Hóa từ bến nhà mở máy ghe lao tới lo cho vợ. Cái ghe phóng vào hàng bình bát nằm nước. Ba ngày sau người ta mới phát hiện Nguyễn Hóa chết trong cái ghe lật úp. Họ lấy ghe làm quan tài, lên cho Hóa nấm mồ bên hông nhà. Còn cái xuồng của Kim Trầm bị vặn vẹo bung keo dán ván lườn nước ào vào ngập ngụa, cô bị té nằm sàn xuồng chết giấc. Xuồng trôi dạt tới nấm đất giữa giang đồng. Đêm khuya Kim Trầm mơ tỉnh bò lên nấm đất đụng cặp lu, bám lu cất mình lên vục mặt vào dòng nước mát tràn trề. Trầm nằm ôm chân lu lơ mơ xoa xoa cái bụng bầu, vơ cỏ, lượm trái rụng bỏ miệng. Dăm bảy ngày sau có người đi ngang nấm đất thấy Kim Trầm thì đưa về Ngã Ba. Trầm được rước lên cửa nhà, nhìn thấy nấm mồ của chồng, Trầm lại ngất. Liên tiếp những ngày sau Trầm cứ bò lết ra ôm nấm mồ. Người ta tìm ra nơi chốn nên cơ duyên vợ chồng của Kim Trầm. Trầm là “cô quản tum liếp vườn” lo nơi ăn chốn ở cho các thợ vườn của một đại điền chủ ở phố huyện. Trầm và thợ vườn Nguyễn Hóa phải lòng nhau rồi phiêu dạt tới Ngã Ba… Nghe chuyện vợ chồng Trầm gặp nạn, chủ vườn cũ lại cho cô làm tiếp việc cũ chờ ngày sinh. Phước đức! Kim Trầm có công ăn việc làm, sinh hạ Hai Óng vuông tròn, nuôi con học hành. Mười lăm tuổi Hai Óng quỳ trước ông bà chủ xin về với cha Nguyễn Hóa. Chủ thanh toán công xá rồi tặng cho mẹ con cái nhà ghe mới, thêm cái xuồng.

Về ngôi nhà cũ ở Ngã Ba, hai mẹ con đèn nhang lễ lạc dâng trước mồ Nguyễn Hóa. Mẹ cho con hết số tiền làm công và tháo cặp bông tai đeo cho Hai Óng. Đôi bông cha tặng ngày cưới, nay mẹ tặng lại con gái. Chúng ta mỗi người mỗi chỗ. Con về với cha. Ở đây cần cái ghe hơn. Mẹ về nấm đất có cặp lu. Đó là nơi Kim Trầm đã kể bao lần rằng đôi lu đó là của một cặp vợ chồng mang tới. Đời dân nước nổi có sao sống vậy, nhưng phải lo nấm mồ xây để chết có chỗ nằm đó, kẻo nước nổi tiêu tan mất. Đôi vợ chồng đó tính cặp lu thay cho mộ xây, nhưng rồi họ bỏ đi, vượt trùng dương bao la đến đất mới. Mẹ đã trôi tới nấm đất có đôi lu ngày cha mất, nay mẹ bước xuống xuồng, lái ghe về Ngã Ba sóng  dồi.

****

Hai Óng sửa ngôi nhà của mẹ cha và lên ban thờ gia tiên, nhưng cô vẫn ở nhà ghe. Hai Óng cũng đi từng nhà cám ơn những người trước kia đã lo chôn cất cho cha bằng nấm mồ nhà ghe, sau đó cô xây mộ cho cha. Con báo hiếu bằng cách mỗi lần mẹ về là chuẩn bị đầy đủ thức ăn, hoa trái mà cha thích, để mẹ bày ra bên mộ cha mà kể, mà nhớ. Hai bên mộ lát đá, là giường phản cho mẹ có nhớ thương thì cứ nằm hoài, không phải như ngày nào lăn lộn ôm mồ đất để bị kè vào nhà, đưa về tận phố huyện xa biền biệt.        

Trên bờ Ngã Ba có mấy chục nhà tá túc. Nhà nào cũng dựng nhà mí bờ trong đồng. Hai Óng thì dựng ngôi nhà bên dòng rạch phương Nam. Lần đầu tiên Ngã Ba có ngôi nhà hướng ra đường nước, lại duy nhất là nhà cất ở trên một trong ba mũi đất Ngã Ba. Người ta sợ sóng dồi, bảo cô Hai Óng lấy chồng rồi tính tuổi làm nhà tốt hơn. Hai Óng bảo cất nhà để bắt rể.

Rể chưa thấy đâu nhưng bến nhà Hai Óng là cái bến duy nhất ở đây nên thành bến Ngã Ba. Ghe xuồng xuôi ngược tới, Hai chào hỏi mời lên nhà. Tất nhiên là chủ các ghe rinh cả bếp than, bếp ga, đồ mồi... lên đỏ lửa. Hai Óng cũng đỏ cà ràng xào xào chiên chiên ba thứ rau trái vườn nhà bán cho khách thập phương. Sum họp vầy tâm giao thương thảo, hữu hảo hài hòa, đầm ấm. Cá tôm rau trái của nhà Hai Óng được tiêu thụ, đem lại thu nhập đáng kể.

Chỗ đất nước vầy ắt có khách không mời cũng tới. Ấy là Tiến sĩ môi trường Văn Quốc một lần đi công tác ngang đây, ngưỡng mộ trước cô gái trẻ đẹp mà làm ăn theo cái cách “trông nước ngước trời” hay tới mức Văn Quốc quyết cùng Hai Óng kết dính “trăm năm” ở cõi Ngã Ba sóng dồi.

Từ ngày có Văn Quốc tư vấn thêm, quan hệ của Hai Óng với bạn hữu xuồng ghe cũng có thêm nhiều công chuyện trồng nuôi xa gần, phát triển kinh tế, đưa sản vật quê hương vượt xa Ngã Ba sóng dồi. Đài báo tưng bừng đưa tin tức đời sống mới, khen hoạt động vừa làm giàu vừa bảo vệ môi trường. Hai Óng mừng vui bàn bạc xem vợ chồng cô phải làm gì cho Ngã Ba tốt hơn? Văn Quốc chợt nghĩ đã mở bến mặt nước sao không đóng góp cùng xã làm cầu? Hai Óng nhìn Ngã Ba. Từ đây bắc hai nhánh cầu qua hai mũi đất bên kia. Có khi nào tới đây nơi này sẽ là Ba Ngã Đầu Cầu?

Vừa lúc đó mẹ Kim Trầm tới, Hai Óng ríu rít xoa bụng bầu nói với Kim Trầm giờ sắp lên chức bà ngoại kế hoạch cháu ra đời đúng ngày cầu được xây dựng. Chợt có tiếng loa sôi sục lời kêu gọi bà con di dời gấp Ngã Ba sắp có sụt lở nguy hiểm. Mẹ Trầm bảo Văn Quốc con lo di dời nhà cửa, mẹ đưa Hai Óng và cháu đi trước. Mẹ xách đồ, rước con xuống ghe, ra tay máy cái ghe luồn lách rời Ngã Ba sóng dồi. Coi bộ chuyện làm cầu phát triển Ngã Ba phải được tính nhanh thôi. 

..............

(*) Thành ngữ: “Tôm ăn chạng vạng, cá ăn rạng đông”.

 

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Ngã Ba sóng dồi