Có một làng quê nghèo vẫn duy trì một trò chơi dân gian là “Đố thai”. Đây là một trò chơi truyền thống được tổ chức hằng năm tại thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng vào những ngày lễ lớn như lễ thượng điền, rằm tháng hai, rằm tháng tám ở đình Thần Hoàng hay Miếu Thần.
Trò chơi “Đố thai” ở Mỹ Xuyên không biết có tự bao giờ. Theo những người già, trò này phổ biến nhất vào năm 1950. Thời đó một số người đam mê nghệ thuật dân tộc đã tụ hội tổ chức “Đố thai” như ông Xe (mù), ông Sam, ông Lời, ông Tư Hiếu, ông Hai Còn, Ba Râu... Trò chơi đố thai trở thành thông lệ hằng năm, đã thành câu thai đố lưu truyền:
Làng thai đẹp nhất tiền nhân
Xe - Sam - Lời - Hiếu danh gần tiếng xa
Ba Râu ý đẹp sâu xa
Mỗi ông mỗi nét tinh hoa bốn mùa
(Xuất vật dụng = Bộ bài tứ sắc)
 |
Cụ Nhung và những “thai đố” được niêm yết. |
“Đố thai” ở Mỹ Xuyên như một thứ ánh sáng riêng, thuần khiết và trong trẻo, có nhiều thầy thai đã để cả cuộc đời tìm tòi nghiên cứu để cho ra những câu đố bình dị, mộc mạc hay văn hoa bóng bẩy thể hiện bằng thơ. Tác giả của những bài thai đố tìm được cảm giác thăng hoa nghệ thuật trong đố thai, thể hiện tấm lòng gìn giữ văn hóa cổ truyền dân gian.
Một trong số những người đó là ông Trịnh Văn Bé, 67 tuổi, ở ấp Châu Thành, thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Ông Bé đã hơn ba mươi năm vui buồn với trò sáng tác và tổ chức “Đố thai”. Cùng với ông Bé, ở thị trấn Mỹ Xuyên vẫn còn nhiều người tâm huyết với trò chơi văn hóa dân gian đố thai như cụ Nguyễn Văn Nhung 76 tuổi, Trịnh Văn Bé, anh Tô Thanh Quang, anh Tô Thái Bình, Ngô Chí Huỳnh. Riêng nhân dân tại thị trấn, hằng năm sắp đến ngày chơi thai là lại nôn nao hỏi thăm, chờ đợi. Ông Bé cho biết: Năm nay sẽ tổ chức “Đố thai” tại miễu Thần Hoàng vào đêm 10-5-2009.
***
Trước cửa miếu thần hoàng hay đình thần trong đêm lễ hội “Đố thai” được tổ chức trên khu đất rộng. Nơi đó dựng một cái bảng lớn, trên bảng dán nhiều câu đố (cầu thai). Ban giám khảo (tổng ty) là những người có uy tín địa phương biết lời giải và chịu trách nhiệm “bảo mật” lời giải. Thầy ra thai ngồi phía trong che màn, trên bàn chất rất nhiều giải thưởng. Giải thưởng là những món quà cho những ai đáp đúng lời giải cũng khiêm tốn như một vài gói thuốc, 5-7 gói mì, vài quyển tập, cây bút... xuất chi từ quỹ chung của miếu, của đình do nhân dân trong ấp hoặc các thầy thai ủng hộ. Đêm “Đố thai” thật sôi nổi, thường khoảng 200 - 400 người. Người lớn tuổi ngồi uống trà bàn luận. Thanh niên, thiếu nữ, trẻ em chen lấn để đọc câu đố và trả lời. Những câu thai mở đầu thật khiêm nhường:
- Kính chào quý vị buổi chơi thai
Chữ nghĩa lời văn thuộc ít bài
Ngặt nỗi cuộc vui đành phải rán
Mong nhờ quý vị giúp sửa sai
(Xuất vật dụng: Tờ Nhựt trình)
Có những câu đố thai nói lên tình quê hương kết quả là địa danh quê nhà:
- Mỗi buổi ban mai một nén hương
Tạ ơn trời đất tạ tông đường
Nguyện cùng chỗ chỗ mùa màng trúng
Kính chúc người người vạn thọ khương
(Xuất công dụng: cầu Thạnh Lợi ở Mỹ Xuyên)
Trong đêm chơi thai, chừng 40 - 50 câu thai viết theo vần điệu, thể lục bát, song thất lục bát, câu đối... được dán lên bảng, mỗi câu đều có số riêng, bất kỳ ai cũng có thể tham gia đố thai, không phân biệt địa phương.
Ban giám khảo đọc xong mỗi câu thai thì trống đánh “bùm”. Người giải sai thì ban giám khảo gõ vào thành trống một tiếng “cốc”, nếu đáp gần đúng thì trống gõ ba tiếng “tùng, tùng, tùng”... để khuyến khích người đáp cố gắng suy nghĩ thêm, nhiều lúc thầy thai cũng mớm ý, dẫn dắt người chơi... không khí thật hồi hộp và ấm áp. Người chơi đáp đúng, ban giám khảo đánh 3 tiếng trống “tùng tùng tùng”, sau đó gõ thanh la một tiếng “phèng”. Một người trong ban giám khảo gỡ câu thai trúng xếp lên dĩa, phần thưởng chồng lên trên, trân trọng trao cho người trúng thưởng.
Để buổi sinh hoạt trong đêm “Đố thai” đông vui, có sinh khí, thường thì ban giám khảo chia câu đố làm ba loại: dễ, hơi khó và những câu thật hóc búa. Giá trị giải thưởng cũng tùy theo câu đáp đúng khó hay dễ. Trong mỗi câu thai đều gợi ý đáp án thuộc dạng nào, ví dụ: về cây gọi là xuất mộc, đồ xài thì gọi xuất vật dụng, đồ thuộc loại nhà nước gọi là xuất công dụng, cây thuốc gọi là xuất dược vị, thảo mộc thuộc loại dây bò là xuất thảo thằng, đồ ăn gọi là xuất nhật thực v.v...
Những buổi diễn ra “Đố thai” không những thu hút đông đảo nhân dân địa phương mà còn có các cán bộ, công nhân viên, thầy cô giáo, học sinh... tham gia, ủng hộ. Không khí vui nhộn ngay từ lúc bắt đầu, những thanh thiếu niên không giải được chạy về nhờ người lớn giải giùm, từ đó gần như huy động nhà nhà đều chơi thai. Người trả lời đúng vinh dự được trao phần thưởng, riêng người đáp chưa trúng thì suy nghĩ tiếp để trả lời câu khác vì họ không mất gì cả vì “trúng ăn trật huề”.
Về câu đố, người ra thai có thể sưu tầm trong sách báo, hoặc tự suy nghĩ ra câu thai và đáp án tương đối hợp lý.
***
Cụ Năm Nhung ở thị trấn Mỹ Xuyên, một trong những người có công gìn giữ trò chơi đố thai gần 50 năm qua, cho biết: Tư cách của người chơi thai phải nghĩ đến: tình - ý - lý - lái. Điều quan trọng là đáp án của thầy ra thai luôn luôn giữ bí mật, vợ con cũng không được biết.
Trong những đêm hội “Đố thai”, từ người già đến trẻ em đều hòa mình trong đêm vui truyền thống quê nhà. Trước đây, những năm đến dịp bà con che lều dựng rạp, cho đêm đố thai thật hoành tráng. Theo cụ Năm Nhung, việc lưu giữ, phát triển, đào tạo đội ngũ, phát hiện tài năng, khích lệ phát triển người ra câu đối hay, mới lạ để dòng chảy văn hóa dân gian liên tục, không bị ngắt quãng, đó là điều trăn trở của cụ. Cụ Năm Nhung tự tay chuyển giao hơn mấy trăm câu đố thai cho ông Trịnh Văn Bé, với ước mong trò chơi dân gian này phát huy và duy trì ở thị trấn Mỹ Xuyên, góp phần tôn tạo nền văn hóa dân gian.
Ông Bé khoe rằng đang lưu giữ trên 300 câu đố của người xưa để lại, hơn 200 câu mượn văn hành vật của ông, 50 câu trong truyện Kiều và hơn 50 câu của các thầy thai đến giúp vui. Ông Bé nói: Đây là kho báu dân gian mà địa phương chúng tôi đã có được trên 50 năm qua.
Trong tinh thần “gìn giữ và phát huy vốn quý truyền thống của dân tộc” những người khởi xướng tổ chức và gìn giữ đố thai không vụ lợi, không tính toán để trò chơi đố thai nhiều năm qua ở phường Mỹ Xuyên bền vững, như một nếp văn hóa lành mạnh tại địa phương.
Bài, ảnh: TÔN THẤT LANG