21/05/2019 - 08:47

Nên giảm sử dụng thuốc trừ cỏ 

Hiện nay, việc sử dụng các loại thuốc trừ cỏ trong sản xuất nông nghiệp ngay càng phổ biến với mức độ sử dụng tăng cao tại nhiều hộ dân. Nông dân không chỉ tăng số lần phun thuốc trừ cỏ trên ruộng lúa, nương rẫy và vườn cây theo từng mùa vụ mà còn phun thuốc trừ cỏ tại các bờ bao, đê bao và cả những khu vực đất không phục vụ trồng trọt. Tác động tiêu cực cho môi trường và sức khỏe con người, làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp.

Nông dân ở quận Thốt Nốt phun thuốc trừ cỏ để diệt cỏ quanh bờ ruộng lúa.

Ông Trương Văn Triệu ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, cho biết: “Hiện nay, muốn diệt cỏ trong vườn cây hay ruộng lúa, nông dân đều dùng thuốc trừ cỏ. Nguyên nhân do chưa có phương tiện máy móc cơ giới diệt cỏ hiệu quả để thay thế cho thuốc trừ cỏ. Còn làm cỏ bằng tay mất rất nhiều thời gian và chi phí, có thể cao gấp 10 lần so với dùng thuốc trừ cỏ”.

Theo ông Nguyễn Văn Lợi ở xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, trong sản xuất lúa, nhiều hộ dân phun thuốc trừ cỏ khoảng 2 lần/vụ trở lên, ít hộ dân nào phun một lần. Nông dân phun thuốc diệt mầm cỏ cho ruộng lúa ở giai đoạn sạ được 0-5 ngày, đến giai đoạn lúa khoảng 12-20 ngày tuổi, nếu thấy ruộng lúa còn cỏ, nông dân phun thuốc thêm một lần nữa. Đồng thời, trong quá trình sản xuất, nhiều bà con cũng phun khoảng 1-2 lần thuốc để diệt cỏ quanh bờ bao ruộng lúa.

Chúng ta không thể chối bỏ những lợi ích thiết thực mà thuốc trừ cỏ mang lại. Thuốc trừ cỏ có khả năng tiêu diệt nhiều loại cỏ đa dạng và nhờ sử dụng thuốc trừ cỏ mà thời gian lao động trên ruộng, vườn được rút ngắn, khung lịch thời vụ được thực hiện kịp thời. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc trừ cỏ và sử dụng thuốc không đảm bảo các quy tắc an toàn sẽ trực tiếp tác động xấu đến sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp và gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, trong nhiều loại thuốc trừ cỏ chứa những hoạt chất hóa học rất độc hại, có thể gây hại cho con người, nhất là gây bệnh ung thư. Các độc chất này tác động khôn lường đối với nguồn đất, nước, không khí và cả hệ động thực vật trong tự nhiên. Do vậy, cần có giải pháp hữu hiệu để giảm tối đa việc sử dụng thuốc trừ cỏ.

Các ngành chức năng cần quan tâm tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền và vận động nông dân hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ và chỉ sử dụng thuốc trong danh mục cho phép. Mặt khác, chú ý nghiên cứu, phát triển các phương tiện, máy móc và công nghệ mới để diệt cỏ, kết hợp với các biện pháp kỹ thuật canh tác, tưới nước, bón phân, chọn giống cây trồng phù hợp... hạn chế sự phát triển của cỏ dại. Để xử lý cỏ tại các bờ ruộng, bờ bao, lề đường và những vùng không có sản xuất cây trồng, cần nghiên cứu, tìm cách khuyến khích nông dân tận dụng nguồn cỏ này làm thức ăn chăn nuôi, chứ không nên phun thuốc trừ cỏ. Có thể sử dụng các biện pháp cắt cỏ bằng máy và làm cỏ bằng tay để vừa diệt cỏ, vừa kết hợp lấy cỏ phục vụ chăn nuôi nhằm giảm chi phí. Ngoài ra, có thể đẩy mạnh áp dụng công nghệ sinh thái “trồng hoa quanh bờ ruộng” để dẫn dụ thiên địch thay vì để cỏ phát triển không có lợi hoặc sử dụng màng phủ nông nghiệp che chắn không cho cỏ mọc...

Giảm sử dụng thuốc trừ cỏ và các loại thuốc bảo vệ thực vật nói chung cũng là giải pháp quan trọng giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và giúp làm ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy, nông dân cũng cần phải quan tâm thực hiện để đảm bảo sản xuất bền vững. Nông dân cần tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của ngành chức năng và đọc kỹ hướng hướng dẫn trên bao bì, vỏ chai thuốc trước khi dùng, tránh sử dụng thuốc trừ cỏ theo kiểu ước lượng hoặc nghe qua người này, người kia nói và làm theo...

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
thuốc trừ cỏ