30/07/2023 - 07:53

NATO trong chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ 

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) diễn ra ở Litva mới đây có sự tham gia lần thứ hai liên tiếp của các nhà lãnh đạo Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc - điều này thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới.

Lãnh đạo các nước thành viên NATO và khách mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva ngày 11-7. Ảnh: Reuters

Có thể lý giải việc NATO sốt sắng mời lãnh đạo 4 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương (AP4) nói trên tham dự Hội nghị thượng đỉnh của khối bởi đây là những nước nổi bật nhất trong liên minh quốc tế bày tỏ rõ ràng quan điểm ủng hộ Ukraine và đồng ý trừng phạt Nga. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương đang có vai trò then chốt trong Khái niệm chiến lược 2022 của NATO. Tài liệu này đề cập đến quan hệ hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga, điều mà NATO coi là “mối đe dọa đối với trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc đã được thiết lập”.

Từ Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ

Nếu trong kỷ nguyên Chiến tranh lạnh, NATO chỉ kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô thì hiện nay liên minh này không chỉ kiềm chế Nga mà còn hướng vào Trung Quốc. Theo định hướng đó, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ bắt đầu điều chỉnh chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương (từ thời cựu Tổng thống Barack Obama) thành Chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương và thành lập Nhóm Bộ tứ gồm các nước: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Ðộ và Úc.

Sau khi lên cầm quyền vào đầu năm 2021, Tổng thống Joe Biden cho rằng Chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương sẽ tạo điều kiện cho Mỹ lãnh đạo “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” để phục vụ mục đích phát triển thịnh vượng và ổn định, còn nếu quyền lãnh đạo này nằm trong tay quốc gia khác (ám chỉ Trung Quốc) thì thế giới sẽ trở nên “hỗn loạn”.

Ðể hiện thực hóa Chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ chủ trương xây dựng “NATO Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương” nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, tương tự như cách NATO ngăn chặn ảnh hưởng của Nga ở châu Âu. Cấu trúc của “NATO Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương” được định hình từ Hiệp ước an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc (AUKUS) ký kết hổi tháng 9-2021 để tăng cường hợp tác đối ngoại, an ninh và quốc phòng trong khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương nhằm “hóa giải các thách thức trong thế kỷ XXI” mà trên thực tế là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Tuyên bố chung Mỹ - Anh - Úc về thành lập AUKUS nêu rõ, AUKUS được định hướng bởi lý tưởng lâu dài và cam kết chung đối với “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

 Do đó, AUKUS là bước đi quan trọng của Washington theo hướng điều chỉnh NATO từ châu Âu sang Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Trên cơ sở AUKUS, Washington cam kết sẽ tăng cường quan hệ song phương với các đồng minh và đối tác an ninh truyền thống ở châu Á và phát triển tương tác với các đối tác mới trong khu vực. Như vậy, có thể thấy rõ rằng AUKUS ra đời là động lực thúc đẩy sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu của NATO tới khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

“Mắt xích” giữa châu Á và châu Âu

Nếu Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Tây Ban Nha hồi tháng 6-2022 là cơ hội để AP4 thể hiện sự ủng hộ của họ đối với vấn đề Ukraine và cam kết mạnh mẽ hơn đối với sự hợp tác trong tương lai với NATO thì Hội nghị thượng đỉnh ở Litva là để đánh giá tiến trình đạt được. Ðây cũng là lý do tại sao trước thềm hội nghị, NATO đã nỗ lực để chính thức hóa quan hệ đối tác với cả 4 quốc gia này.

Mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa NATO và 4 đối tác ở châu Á -Thái Bình Dương còn có thể tạo thành “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới quan hệ ngoại giao và an ninh đang mở rộng giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây với Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, bởi những diễn biến trong khu vực này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh khu vực châu Âu - Ðại Tây Dương. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định: “Những gì xảy ra ở châu Á quan trọng đối với châu Âu và những gì xảy ra ở châu Âu cũng quan trọng đối với châu Á. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay là NATO cần tăng cường quan hệ với các đối tác ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương”. Trong chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản đầu năm 2023, ông Stoltenberg tuyên bố an ninh ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu là không thể tách rời.

Thông cáo chung của Hội nghị thượng đỉnh ở Litva cũng khẳng định Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng đối với NATO do những diễn biến trong khu vực này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của khu vực châu Âu - Ðại Tây Dương.

Chiến lược của NATO đến năm 2030 xác định Nga là “nguy cơ trực tiếp”, còn Trung Quốc là “mối đe dọa mang tính hệ thống đối với toàn bộ thế giới phương Tây”.

Chia sẻ bài viết