10/04/2016 - 08:50

NÂNG TẦM NÔNG NGHIỆP

Trong xu thế phát triển chung, khi mà tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm đi để công nghiệp và dịch vụ tăng lên thì phải chấp nhận có ít người làm nông. Tuy nhiên, trên 70% dân số nông thôn sống nhờ vào nông nghiệp và nông dân là đối tượng chịu "tổn thương" nhiều nhất khi nền nông nghiệp còn đang phát triển thiếu bền vững, mà hội nhập đã đuổi vào tận cửa nhà. Đã đến lúc phải nhìn nhận lại: sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, nông dân không thể đi một mình trong hội nhập.

* Tự đổi mới tư duy

GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, nội lực trong nông nghiệp, nông thôn rất lớn. Muốn phát huy nội lực thì đầu tiên phải có óc kinh doanh. Nhưng là kinh doanh có khoa học đàng hoàng, chứ không thể làm ăn chụp giựt, phải nghĩ đến 20- 30 năm tới. Có óc kinh doanh rồi thì mới nghĩ rằng mảnh đất này không chỉ làm ra lúa mà còn làm ra sản phẩm thị trường cần, nội lực phải gắn với thị trường. Còn với nông dân, một người có nghề nông, quản trị giỏi thì cũng trên mảnh đất đó, họ làm ra của cải nhiều hơn một người không có nghề nông. Nghị quyết về "tam nông" (Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn") đã có rồi, chính quyền địa phương phải hướng dẫn cho nông dân cần làm gì, làm thế nào để có ăn.

Ông nghĩ gì về hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hội nhập thời gian qua?- ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, nói ngay: "Không phải bây giờ mới nghĩ, mà nông nghiệp đã hội nhập từ 20 năm trước. Ngành nông nghiệp đã quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đưa công nghệ vào sản xuất làm sản phẩm an toàn, cạnh tranh. Đồng thời liên tục đào tạo nông dân để phục vụ cho định hướng phát triển mô hình GAP, VietGAP… hướng nông dân tới thị trường quốc tế, cũng là dự phòng để ứng phó với các rào cản kỹ thuật của đối tác nước ngoài". Đến cuối năm 2015, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của TP Cần Thơ là 6,58%, sản xuất nông nghiệp tăng dần đều qua từng năm, trình độ sản xuất của nông dân đã được nâng tầm thấy rõ. Đơn cử như cây lúa, lúc mới chia tách tỉnh, TP Cần Thơ có 94.000ha lúa, giờ còn khoảng 86.000 ha, nhưng sản lượng lúa hàng hóa đạt gần 1,5 triệu tấn/năm; trước đó chỉ 1-1,1 triệu tấn lúa/năm. Diện tích lúa chất lượng cao chiếm đến 80% diện tích đất lúa (trong đó, 60% là giống lúa Jasmine).

Cơ giới trong khâu thu hoạch lúa để giảm tổn thất sau thu hoạch. Ảnh: T.H

Sự thay đổi về chất trong sản xuất nông nghiệp cũng bắt đầu từ tư duy của nông dân. Nhiều nông dân "ngộ" ra rằng: hội nhập, buôn bán trong thị trường chung, không thể làm ăn theo kiểu ngẫu hứng, truyền thống như trước đây nữa. Ông "ngộ" ra điều gì trong quyết định đổi mới tư duy làm nông? Lão nông Nguyễn Văn Thành, ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ cười khà: "Nông dân tụi tui chả nghĩ gì cao siêu, hội nhập chỉ biết thông tin qua báo đài, chứ chưa tìm hiểu sâu. Bản thân tui nghĩ rằng, một vụ lúa 3 tháng, miệt mài bao nhiêu năm không giàu lên được nên phải tìm cách khác, sản xuất theo yêu cầu thị trường, tức là sản xuất sạch. Hơn nữa, làm lúa sạch ăn an tâm hơn, mình lội xuống ruộng coi sóc lúa cũng không sợ vì đã quản chặt chuyện bón phân, xịt thuốc an toàn rồi". Ruộng lúa của ông Thành nằm trong Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở ấp Thầy Ký. Đây là cánh đồng mẫu đầu tiên của TP Cần Thơ sản xuất theo GAP. CĐML ấy được xây nên từ Tổ hợp tác sản xuất Đồng Vạn. Cái tên Đồng Vạn cũng chẳng cao siêu gì, theo ông Thành đó chỉ là tên đặt theo địa danh cho dễ gọi thôi. Ban đầu mô hình chỉ có 19 hộ tham gia, diện tích 43,5ha; hiện nay đã có 208 hộ tham gia, diện tích 400ha. Trong đó, có 96ha của 40 hộ dân được chứng nhận VietGAP. Sự hợp tác của những nông dân với nhau, DN bao tiêu sản phẩm đã đưa Đồng Vạn phát triển ngày một mới. Tiêu biểu gần nhất là giữa tháng 12-2015, cá nhân ông Nguyễn Văn Thành và Ban quản lý CĐML ấp Thầy Ký được trao giải thưởng "Cánh đồng vàng 2015" do Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam trao tặng. Đây là một trong số 100 mô hình nông nghiệp tiêu biểu cả nước được tuyên dương.

Nhớ lại năm 2009, lúc kêu gọi nông dân cùng hợp tác, ông Thành kể: "Tui năn nỉ những người cùng tâm huyết với mình, chỉ có 7 hộ gật đầu. Có tổ hợp tác rồi thì quá nhiều cái khó phát sinh. Chỉ việc kêu giảm lượng lúa giống, gieo sạ bằng máy sạ hàng đã trần ai. Lúc đó, ai cũng sạ 200-250kg lúa giống/1ha, còn tui sạ chỉ phân nửa số đó. Một tuần sau lúa của ruộng kế bên xanh um, còn ruộng của tui lèo tèo. Có người đi ngang nói là vụ này tui không có trấu nữa lấy đâu lúa để mà ăn. Rồi khi áp dụng IPM, hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, lúa của tui sâu ăn vàng rực, ruộng người ta thì xanh ngắt. Có ông nông dân trêu tui là chỉ cần một mồi lửa là ruộng tui cháy sạch… Rồi đến hướng dẫn ghi chép đồng ruộng, có người cự tui quyết liệt vì họ bảo ruộng của mình ghi làm gì. Nhiêu khê lắm. Nhưng giờ thì ai cũng biết GAP".

* Còn lắm trăn trở

Rõ ràng nông dân rất biết cách thích nghi, tự "nâng tầm" để hội nhập, lão nông Nguyễn Văn Thành có thể sử dụng vi tính thành thạo, ông có thể kết nối mạng để hỏi chuyên gia, nhà khoa học, ngành nông nghiệp; hoặc hỏi gu-gồ để phổ cập kiến thức cho nông dân. Để cho đất "nghỉ ngơi", nông dân trong Tổ hợp tác sản xuất Đồng Vạn chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm, chủ yếu là Jasmine, năng suất 2 vụ 15 tấn/ha, thu nhập cao hơn bên ngoài 8-15 triệu đồng/ha. Có được thành quả hôm nay, nhưng ông Thành cho rằng, nông dân không thể đi một mình trong hội nhập, chúng tôi cần liên kết "4 nhà" đi vào thực chất hơn.

"30 năm đổi mới, tư duy sản xuất cũng thay đổi nhiều, sản xuất an toàn, tiệm cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Chính sách hỗ trợ cho nông dân chưa nhiều, chưa sát nên nông sản cứ mãi cái điệp khúc "được mùa, rớt giá". Nông dân chúng tôi còn mù mờ về hội nhập. Nhìn Thái Lan, Campuchia xây dựng thương hiệu nông sản mà buồn cho xứ mình"- ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thới An, quận Ô Môn bày tỏ. Năm 2012, ông Hải nhận giải thưởng "HTX thủy sản và xã viên tiêu biểu thế giới năm 2012" do HTX nghề cá quốc tế trao tặng. Ông từng được Nhà nước cho đi tham quan mô hình HTX ở nước ngoài, nhưng ông bảo rằng, cách làm ăn xứ họ khác xa với xứ mình. Họ hơn nông dân mình từ kỷ luật sản xuất, tay nghề và chính phủ của họ đầu tư rất lớn cho nông dân. Theo ông Hải, làm nông phải có giống tốt, ưu điểm vượt trội, cái này thì "3 nhà" (nhà khoa học, Nhà nước, doanh nghiệp) phải hỗ trợ nông dân. Chứ làm giống cũ, không ưu việt thì lấy gì cạnh tranh.

Lão nông Triệu Công Đỉnh, Phó Giám đốc HTX Rau an toàn Long Tuyền, quận Bình Thủy, cũng trăn trở khi nói về hội nhập. "Dù được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa có chỉ dẫn địa danh đàng hoàng, nhưng 9,8ha rau màu của HTX vẫn chưa đủ lực đi vào các siêu thị lớn. Vì siêu thị đòi hỏi nguồn cung ổn định, HTX chưa đủ lực, chúng tôi đang củng cố lại để đưa hàng vào siêu thị. Làm nông đòi hỏi phải có thời gian, trồng màu chí ít cũng 40 ngày, mà DN đâu có hiểu điều này, thiếu hàng thì họ gọi chúng tôi kêu cung cấp hàng liền. Nông nghiệp chứ có phải công nghiệp đâu mà đưa vào máy là có sản phẩm. Đừng hỏi nông dân phải làm gì trong hội nhập, mà Nhà nước phải vẽ đường, chỉ lối cho dân". Lão nông Nguyễn Văn Thành cho rằng, giá lúa VietGAP chỉ nhỉnh hơn lúa thường 200-300 đồng/kg thì khó mà hút nông dân, giá phải cao hơn lúa thường 800-1.000 đồng/kg thì cánh đồng lớn sẽ lớn hơn.

* Liên kết mở chân trời mới

Làm sao để củng cố liên kết "4 nhà", ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho rằng, thương hiệu nông sản, thành phố có khá nhiều, nhưng diện tích sản xuất nhỏ, chưa gắn với DN, liên kết "4 nhà" chưa chặt nên khó phát triển rộng. "Muốn làm lớn, nhưng DN còn thờ ơ thì làm lớn bán cho ai, nên chỉ tăng diện tích mô hình 5-10%/năm. Ngành nông nghiệp chỉ lo sản xuất, quản lý sản xuất, chuyện bán hàng, ứng dụng công nghệ, xây dựng thương hiệu thì các bộ, ngành và DN phải cùng xắn tay vào làm. Các khâu phải nhịp nhàng, đồng bộ mới phát triển được". Thành phố có 3 khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC); trong đó khu 2 (thuộc Nông trường Sông Hậu) khoảng trên 200ha nằm trong quy hoạch khu NNCNC của Chính phủ; thành phố đang xin vốn 500-1.000 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng. Cũng có nhiều DN đến tìm hiểu đầu tư nhưng hạ tầng chưa hoàn chỉnh nên họ chưa quay lại. Phát triển NNCNC cần 4 chiến lược mục tiêu. Đó là: đào tạo (cán bộ quản lý, nông dân), chuyển giao ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, huy động nguồn lực, cuối cùng là thị trường. Trong các khâu này, DN phải tham gia 3 khâu thì mới bung rộng sản xuất được. Thành phố đã cơ bản hình thành vùng sản xuất lúa, rau màu, trái cây, vùng nuôi thủy sản theo hướng sản xuất sạch, an toàn. Thêm vào đó, Nông trường Sông Hậu và Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, diện tích sản xuất lớn, nông dân có kinh nghiệm là điểm "nút" quan trọng để thúc đẩy liên kết "4 nhà".

Cơ hội đã đến với Nông trường Sông Hậu vào tháng 11-2015, Hiệp hội chăn nuôi Nhật Bản đã ký ghi nhớ hợp tác với nông trường để cung ứng rơm và tương lai là nuôi bò thịt, bò sữa. Đây là đánh dấu cho sự khởi đầu sau 6 năm ngưng trệ, do sản xuất kinh doanh không hiệu quả. Ông Lâm Minh Trí, Phó Giám đốc Nông trường Sông Hậu, cho biết: "Đất đai, nguồn lực chúng tôi đã có. Phía Nhật cũng muốn đầu tư sâu quy trình nuôi bò sữa cho nông trường. Đó là tương lai, còn trước mắt chúng tôi sẽ làm tốt khâu thu gom, sơ chế rơm để cung cấp cho đối tác Nhật. Hội nhập phải liên kết lại để làm ăn lớn, có thương hiệu hẳn hoi mới được". Nhật Bản tiêu chuẩn rất cao, nhưng nông trường viên đã rất thành thạo về quy trình "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" nên đảm bảo thu hoạch không còn tồn dư thuốc BVTV. Sản lượng lúa của Nông trường khoảng 83 ngàn tấn lúa/năm và cũng từng ấy rơm. Theo ông Trí, ngoài thu gom rơm, tới đây sẽ "xốc" lại sản xuất rau màu, cây ăn trái (chủ yếu là nấm rơm, xoài cát Hòa Lộc). "Bây giờ người dân chuộng sản phẩm sạch, an toàn, ăn để khỏe nên phải đổi mới phương thức sản xuất. Nông dân thay đổi tư duy sản xuất và cán bộ quản lý cũng thay đổi theo kịp thì hội nhập mới đạt kết quả"- ông Trí nói.

***

Năm 2016, với sự hòa nhập của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Người nông dân kỳ vọng hàng hóa thông thương mạnh hơn và họ cần cái nắm tay thật chặt với DN.

T.H

Chia sẻ bài viết