Ghi nhận từ Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ, những ngày nắng nóng gần đây, trẻ nhỏ mắc bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa có xu hướng tăng. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh có con nhỏ nên lưu ý chăm sóc sức khỏe, nâng cao đề kháng cho trẻ; chủ động phòng ngừa bệnh; nhận diện các dấu hiệu nghiêm trọng để đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.
BS Cẩm Trinh thăm khám cho bệnh nhi.
Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh BV Nhi đồng TP Cần Thơ tiếp nhận từ 1.600 đến 1.900 lượt bệnh nhi. Trong đó, khoảng 700 trẻ gặp các vấn đề liên quan đến nhiễm khuẩn hô hấp và 200 trẻ bị bệnh đường tiêu hóa.
Bé An Nhi (4 tuổi), con gái chị Trần Thị Thu Thảo (ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), bị ho, sổ mũi hơn 1 tuần, đã mua thuốc về nhà uống nhưng bệnh của bé kéo dài không khỏi. Vì thế, chị Thảo đưa con đến BV Nhi đồng TP Cần Thơ thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phế quản, cho thuốc uống và hẹn tái khám sau 3 ngày.
BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng Khoa Khám bệnh BV Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết, mùa nắng nóng, trẻ nhỏ thường mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: sốt siêu vi, nhiễm khuẩn hô hấp cấp (viêm họng, viêm thanh quản, phế quản, viêm phổi). Ngoài ra, trẻ còn có thể mắc các bệnh thủy đậu, quai bị, viêm màng não mô cầu. Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa thường gặp trong thời tiết nắng nóng gồm tiêu chảy, nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, tay chân miệng...
BS Cẩm Trinh lưu ý, trong các bệnh về đường hô hấp, phụ huynh cần nhận biết dấu hiệu liên quan đến bệnh viêm phổi để đưa trẻ đến BV điều trị kịp thời. Các triệu chứng gồm ho, sốt, thở nhanh, thở có tiếng rít; thở co lõm ngực; rên rỉ; không uống được nước; ngủ li bì, khó đánh thức; suy dinh dưỡng nặng. Với những trẻ dưới 2 tháng tuổi, phụ huynh cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay khi trẻ bị tím tái, co giật, bỏ bú hoặc bú kém…
Theo BS Cẩm Trinh, phụ huynh cần tránh tự ý mua thuốc khi trẻ chưa được bác sĩ thăm khám, có thể dẫn đến lạm dụng kháng sinh hoặc sử dụng thuốc không đúng chỉ định, khiến bệnh trẻ nặng thêm. Để chủ động phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, phụ huynh nên cho bé ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng sức đề kháng. Trẻ cần được tiêm ngừa đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng tại cơ sở y tế địa phương, đồng thời chủng ngừa thêm một số bệnh khác ngoài chương trình. Phụ huynh tránh cho trẻ đến những nơi đông người khi dịch bệnh đang lưu hành; hạn chế trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, nơi ô nhiễm, khói bụi; cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài. Ngoài ra, cha mẹ cũng tập cho trẻ cách dùng khăn giấy và dùng tay che miệng khi hắt hơi, sổ mũi, ho.
BS Trương Cẩm Trinh cũng khuyến cáo về việc phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa. Thời tiết nắng nóng, thức ăn rất dễ thiu, môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus sinh sôi, là tác nhân gây bệnh cho trẻ. Với trẻ sơ sinh, phụ huynh không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm, trước 4-5 tháng tuổi; duy trì nuôi trẻ bằng sữa mẹ đến 18-24 tháng tuổi. Phụ huynh thực hiện cho trẻ chế độ ăn uống phù hợp theo lứa tuổi, đa dạng thực phẩm, bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin.
Đối với trẻ đang mắc các bệnh đường tiêu hóa, phụ huynh tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ nếu trẻ đang bú, chọn các thức ăn dễ tiêu hóa, hạn chế dầu mỡ. Thức ăn cho trẻ cần được nấu kỹ, nhuyễn, chia thành nhiều lần trong ngày. Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với phương châm “ăn chín, uống sôi”. Giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ, hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách và thường xuyên rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tạo môi trường nhà cửa xung quanh bé sạch sẽ, thoáng mát. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi của trẻ, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, sàn nhà, bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Nếu trẻ có các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa nên đưa đến BV để bác sĩ thăm khám, có phương án điều trị hiệu quả. Không tự ý mua thuốc cho trẻ uống hay dùng thuốc cầm tiêu chảy... có thể gây hại cho trẻ.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG