15/09/2015 - 21:25

Ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL

Nâng cao nhận thức và hành động từ doanh nghiệp

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL, Báo Công thương và Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách "Rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, các nguy cơ đối với doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL". Tại Diễn đàn này, nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp (DN) trong vùng chưa quan tâm đề ra giải pháp chủ động ứng phó các nguy cơ và rủi ro đối với hoạt động sản xuất kinh doanh do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra.

* Khả năng ứng phó còn thấp

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu trên thế giới. Do vậy, những tác động của BĐKH không chỉ gây thiệt hại kinh tế ĐBSCL mà là cả nước, quốc tế. Đáng chú ý là nông nghiệp vùng ĐBSCL còn rất dễ bị tổn thương bởi BĐKH do chưa có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trong khi ngành công nghiệp vùng còn dựa nhiều vào công nghiệp chế biến nông sản. ĐBSCL là vùng đất thấp và có nền đất yếu cũng là nguy cơ tiềm ẩn đối với các hoạt động xây dựng, sản xuất kinh doanh và thiệt hại có thể xảy ra không chỉ đối với vùng ngoại ô mà cả ngay các trung tâm đô thị. Thêm vào đó, sự cộng hưởng với ô nhiễm môi trường sẽ gây ra thiệt hại to lớn nếu không có giải pháp chủ động phòng tránh. Đặc biệt, ĐBSCL là vùng được dự đoán sẽ chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng trong tương lai.

 Cảnh ngập nước tại một tuyến đường ở quận Ninh Kiều - quận nội ô TP Cần Thơ sau một trận mưa lớn hồi tháng 5-2015.

Theo Kịch bản BĐKH của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình năm có thể tăng từ 2,5-3,70C, nước biển dâng trung bình từ 0,8-1m. Khi ấy, có khoảng 39% diện tích ĐBSCL bị ngập trong nước, ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhiều người dân. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN trong vùng cũng sẽ bị hưởng nặng, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong nhóm ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại-dịch vụ… Tuy nhiên, phần lớn các DN trong vùng vẫn chưa quan tâm, đề ra giải pháp chủ động ứng phó các nguy cơ và rủi ro đối với hoạt động sản xuất kinh doanh do BĐKH gây ra. Nhiều DN còn khá thờ ơ hoặc trông chờ vào các hành động và giải pháp hỗ trợ từ Nhà nước. Trong khi đó, công tác thông tin, tuyên truyền về ảnh hưởng BĐKH đối với DN của ngành chức năng còn hạn chế. Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: "Qua các kết quả điều tra gần đây của VCCI Cần Thơ cho thấy, cộng đồng DN trong vùng có hiểu biết về BĐKH, nhưng phần lớn DN chưa có các kế hoạch đầu tư ứng phó BĐKH. Do vậy, khả năng ứng phó không cao khi có sự cố xảy ra. DN vẫn còn tâm lý nhà nước có chính sách hỗ trợ thì tham gia chứ chưa có kế hoạch riêng. Trong khi đó, nhiều cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương chủ yếu mới xây dựng giải pháp ứng phó chung cho cộng đồng, chưa có nhiều giải pháp riêng cho DN".

 Sạt lở bờ sông ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Trên thực tế, BĐKH, nhất là nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, gần đây tác động của BĐKH ngày càng phức tạp, khó lường. Lượng mưa giảm, thay vào đó là giông lốc xuất hiện nhiều hơn, nhiệt độ trung bình tăng cao, thiếu nước sản xuất xảy ra một vài nơi trong vùng, đặc biệt có nơi bị thiếu cả nước sinh hoạt ở những vùng mà từ trước đến nay chưa từng xảy ra. Lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ít hơn những năm trước, xâm nhập mặn sớm và lấn sâu vào nội địa và thời gian kéo dài hơn, sạt lở đất ven biển, ven bờ sông diễn ra ở nhiều nơi… đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và DN trong vùng. Từ thực tế đó, đòi hỏi người dân và các doanh nghiệp phải có bước chuẩn bị trong ứng phó với những tác động này, nhất là thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với rủi ro mà nguyên nhân là do BĐKH gây ra. Theo đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm 2014 toàn vùng ĐBSCL có hơn 37.000 DN hoạt động, thu hút hơn 870.000 lao động, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 73%. Thời gian qua, vấn đề ứng phó với BĐKH được các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư nhưng chưa nhiều, chưa đi vào chiều sâu cũng như chưa có các biện pháp cụ thể đánh giá để có kế hoạch quản lý, tránh rủi ro. Các doanh nghiệp còn hạn chế trong nhận diện tác động và đề ra phương thức giảm thiểu những thiệt hại.

* Cần nâng cao nhận thức và hành động

Từ thực tế trên và trước tác động của BĐKH ngày càng lớn và diễn ra nhanh so với nhiều dự đoán, các chuyên gia cho rằng, cộng đồng DN vùng ĐBSCL phải quan tâm nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH, chủ động xây dựng các kế hoạch ứng phó với các nguy cơ và rủi ro gắn với chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh cả trong ngắn, trung và dài hạn. Đặc biệt, các cấp, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn về ảnh hưởng của BĐKH cho DN ĐBSCL. Chính phủ cần định hướng giải pháp ứng phó BĐKH cho doanh nghiệp bằng chính sách cụ thể; xây dựng lộ trình (kịch bản) khả thi nhất để doanh nghiệp tham gia; xây dựng chương trình phát triển kinh tế vùng gắn với sự tham gia của các bên có liên quan trong ứng phó BĐKH; kịp thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng và doanh nghiệp…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, nước biển dâng, kết hợp với sự sụp lún đất đang làm tăng nhanh ảnh hưởng của nước biển dâng tại ĐBSCL, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của vùng, cần có cách tiếp cận tổng hợp, nhận rõ các nguyên nhân và có cách ứng phó phù hợp. Trong đó, cần có sự tham gia phối hợp tốt giữa các cấp chính quyền với cộng đồng người dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: "Các DN trong vùng cần xây dựng lộ trình, kế hoạch chủ động trong sản xuất kinh doanh và phòng tránh các nguy cơ, rủi ro do BĐKH gây ra. Nhà nước cần có một chương trình truyền thông toàn diện về ảnh hưởng của BĐKH cho DN vùng ĐBSCL".

Trong quá trình ứng phó BĐKH và các tác động của thiên tai, làm tốt công tác chuẩn bị để phòng tránh thiệt hại có thể xảy ra là rất quan trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, chủ động phòng tránh hơn là để xảy ra rồi lo khắc phục hậu quả. Chúng ta cần đổi mới tư duy, quan tâm đầu tư công tác dự báo, chú ý khen thưởng các doanh nghiệp và người làm tốt công tác phòng tránh và ít để xảy ra thiệt hại hơn là chú trọng khen người khắc phục hậu quả tốt. Cần khuyến khích doanh nghiệp "đầu tư tối thiểu" để "giảm thiểu tối đa" các rủi ro. Thực tế cho thấy, thời gian qua, một số DN ở ĐBSCL đã quan tâm đầu tư, xây dựng các kế hoạch chủ động ứng phó BĐKH, với nhiều hạng mục đầu tư ít tốn chi phí mà hiệu quả rất cao, giúp DN nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống bất ngờ. Ông Huỳnh Quang Vinh, Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang, cho biết: Ban lãnh đạo công ty trong các kỳ họp định kỳ luôn có phần đánh giá về khả năng có thể xảy ra rủi ro trong sản xuất kinh doanh do thiên tai để từ đó có biện pháp, kế hoạch chủ động ứng phó. Công ty đã lên các phương án dự phòng và áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm giảm tác hại BĐKH và thiên tai từ nhà cung cấp nguyên liệu đến vận chuyển và xuất khẩu. Nhờ vậy công ty tránh được các gián đoạn trong sản xuất kinh doanh. Công ty quan tâm trang bị đầy đủ bảo hộ, dụng cụ, thiết bị dự phòng các tình huống xấu của thiên tai; giáo dục ý thức toàn thể cán bộ, công nhân viên tham gia phát hiện mối nguy và chủ động phòng tránh. Đặc biệt, công ty có ban hành danh mục tình trạng khẩn cấp và các biện pháp xử lý. Trong đó, liệt kê mô tả các vấn đề khẩn cấp có thể gặp phải; phạm vi-mức độ nguy cấp; biện pháp phòng; hướng dẫn ứng phó; bộ phận liên quan phụ trách; các văn bản hướng dẫn, thủ tục cần thiết…".

Theo ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng BĐKH TP Cần Thơ, trong công tác ứng phó với BĐKH, DN có vai trò rất lớn. DN không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho người lao động mà còn cung cấp các dịch vụ, hàng hóa quan trọng cho đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Nếu DN ứng phó tốt được các sự cố BĐKH sẽ góp phần quan trọng giúp cộng đồng nhanh chóng vượt qua các khó khăn và ngược lại.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết