14/04/2015 - 21:36

Nâng cao năng lực quan trắc môi trường

Thời gian qua, TP Cần Thơ triển khai dự án “Tăng cường năng lực quan trắc và phân tích chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường”, với phương án đầu tư mới, đồng bộ các trang thiết bị phục vụ quan trắc môi trường đã giúp thành phố tự động cập nhật kịp thời nhiều thông tin quan trọng về môi trường. Trên cơ sở này để đưa ra các chương trình, kế hoạch hành động phù hợp.

Tự động hóa giám sát môi trường

 Hệ thống gương phản xạ của Trạm quan trắc không khí tự động (được lắp tại Trung tâm Thương mại Big C Cần Thơ) gần nút giao thông IC 3.

Thực hiện Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện dự án “Tăng cường năng lực quan trắc và phân tích chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường” từ năm 2013. Thành phố đầu tư 1 trạm quan trắc không khí tự động (đặt gần nút giao thông IC3) và 2 trạm quan trắc nước mặt tự động, với tổng mức đầu tư hơn 45,3 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Trạm quan trắc này gồm nhà trạm với trang thiết bị phân tích tín hiệu tự động được truyền về từ máy đo phản xạ chất lượng không khí, dữ liệu sau phân tích được truyền về bộ phận phụ trách của Sở TN&MT thành phố qua hệ thống không dây. Còn 2 trạm quan trắc nước, gồm một trạm đặt tại khu đô thị trung tâm thành phố gần vị trí lấy nước đầu vào của Công TNHH MTV cấp thoát nước Cần Thơ và tại khu công nghiệp Trà Nóc. Các trạm quan trắc có nhiệm vụ thu mẫu, lưu mẫu, truyền dữ liệu tự động về bộ phận chức năng phục vụ phân tích, đánh giá kịp thời diễn biến chất lượng nước trước ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và hoạt động sản xuất công nghiệp, cung cấp dữ liệu về nguồn nước mặt đầu vào cho các nhà máy cung cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn.

Theo Sở TN&MT TP Cần Thơ, các thiết bị mới vào vận hành hoạt động từ tháng 12-2014 đã giúp nâng cao được năng lực quan trắc môi trường, tự động hóa việc giám sát trong một số lĩnh vực môi trường. Với việc đầu tư các thiết bị hiện đại, các phòng chức năng thuộc Sở TN&MT thành phố có thể phát hiện sớm ô nhiễm, tiết kiệm được chi phí, thời gian do phân tích được các mẫu môi trường (mẫu nước, không khí...) ngay tại chỗ, trong khi trước đây phải lấy mẫu gửi đi TP Hồ Chí Minh phân tích. Những thông tin môi trường thu thập được ngày càng chính xác, kịp thời đã giúp các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng tốt các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.

Ông Phạm Nam Huân, Trưởng Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản (Sở TN&MT TP Cần Thơ), Phó Trưởng Ban quản lý Dự án, cho biết thêm: “Dự án đáp ứng yêu cầu theo dõi, giám sát chặt môi trường, nhất là môi trường nước và không khí nhằm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các cơ quan chức năng thuộc Sở TN&MT có điều kiện phối hợp với thanh tra và cảnh sát môi trường trong công tác kiểm tra, xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các báo cáo thẩm định môi trường định kỳ, kịp thời có các khuyến cáo giúp doanh nghiệp điều chỉnh trong hoạt động của mình nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường”.

Cần sự phối hợp

Hoạt động quan trắc là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước của địa phương ban hành các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chính sách bảo vệ môi trường và góp phần đắc lực trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, từng địa phương quan trắc môi trường vẫn chưa đủ mà phải có sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung để có kết quả đánh giá môi trường toàn diện và đưa ra những phương hướng hành động chung phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ cho biết, ngành TN&MT TP Cần Thơ mong muốn cung cấp cho các tỉnh bạn những thông tin hữu ích về Dự án. Đồng thời mong nhận được những chia sẻ quý báu của Sở TN&MT các tỉnh ĐBSCL và các sở, ngành chức năng về công tác quan trắc môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại vùng ĐBSCL. Từ thực tế đó, Sở TN& MT TP Cần Thơ vừa phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Thành Thiên (nhà thầu thực hiện Dự án tại Cần Thơ) tổ chức Hội thảo báo cáo dự án “Tăng cường năng lực quan trắc và phân tích chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường” sơ kết đánh giá dự án và cùng trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với các địa phương vùng ĐBSCL. Đại diện nhiều tỉnh vùng ĐBSCL rất quan tâm đến hệ thống quan trắc không khí và quan trắc nước mặt tự động mà TP Cần Thơ đầu tư và mong muốn tới đây sẽ có thêm nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đầu tư các hệ thống này để nâng cao năng lực quan trắc môi trường.

Ông Lý Quốc Sử, Phó Giám đốc Trung tâm quan trắc TN&MT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Tỉnh sẽ xây dựng được các trạm quan trắc môi trường tự động như TP Cần Thơ. Do vậy, chúng tôi rất quan tâm tìm hiểu thông tin về những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện Dự án, chi phí đầu tư và vận hành các trạm quan trắc tự động. Chúng tôi cũng mong TP Cần Thơ công bố kịp thời những thông tin về diễn biến chất lượng môi trường tại thành phố cho người dân nắm và có sự chia sẻ thông tin với các tỉnh ĐBSCL”. Theo Công ty cổ phần công nghệ Thành Thiên, để xây dựng một trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục cần đầu tư chi phí ban đầu trên 2,4 tỉ đồng; chi phí bảo trì và vận hành hằng năm trên 330 triệu đồng. Các địa phương vùng ĐBSCL sử dụng chung nguồn nước mặt từ sông Mê Công, do vậy rất cần có sự phối hợp với nhau, tránh lãng phí khi đầu tư xây dựng các trạm quan trắc môi trường, nhất là quan trắc nước mặt có vị trí quá gần nhau.

Lãnh đạo Sở TN&MT TP Cần Thơ cho biết, sẵn sàng chia sẻ thông tin với các tỉnh ĐBSCL, đồng thời sẽ công bố thông tin về diễn biến chất lượng môi trường tại thành phố thông qua các bản led điện tử để người dân hiểu và tham gia bảo vệ môi trường. Trước yêu cầu phải nâng cao năng lực quan trắc môi trường, thành phố cần tiếp tục đầu tư thêm các thiết bị quan trắc tự động và chuyên sâu. Trong đó, cần các hệ thống quan trắc nước ngầm nhằm theo dõi kịp thời về số lượng, chất lượng nguồn nước ngầm để làm cơ sở phân các vùng cấm và tạm cấm khai thác để bảo vệ tốt nguồn nước ngầm, phòng tránh các hiện tượng sụt lún đất do nguồn nước ngầm bị suy giảm. Sau khi hoàn thành việc xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, TP Cần Thơ cũng rất cần có các trạm qua trắc nước thải tự động để theo dõi chất lượng nước được thải ra môi trường sau khi qua các hệ thống xử lý.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết