24/11/2020 - 09:03

Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ:

Nâng cao năng lực nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục 

Đội ngũ nhà giáo là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Thời gian qua, ngành Giáo dục TP Cần Thơ thực hiện các giải pháp nào trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo, đáp ứng xu thế phát triển giáo dục? Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố, cho biết:

Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Trần Hồng Thắm dự, phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới của Trường Tiểu học Võ Trường Toản. Ảnh: B.NG

- Cán bộ quản lý, giáo viên luôn có vai trò quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng GD&ÐT. Hiện toàn ngành có hơn 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó có 12.551 giáo viên bậc học mầm non, phổ thông. Số lượng giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục mới chiếm từ 97% trở lên. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không ngừng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021. Toàn thành phố hiện có 454 trường học từ cấp mầm non đến THPT; với tổng số khoảng 250.000 học sinh.

* Thời gian qua, thành phố đã có những giải pháp nào để xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thưa bà?

- Việc quán triệt nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục được tập trung thực hiện trước tiên; trong đó đặc biệt coi trọng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người làm công tác giáo dục. Sở đã tổ chức, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện việc rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện có, đồng thời căn cứ lộ trình triển khai áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, xác định đối tượng và số lượng giáo viên cần đào tạo, bồi dưỡng từng năm, để xây dựng kế hoạch đào tạo, nhằm đạt chuẩn trình độ về chuyên môn đại học sư phạm đối với giáo viên tiểu học theo quy định của Luật Giáo dục 2019, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới.

Sở GD&ÐT TP Cần Thơ còn tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán ở các cấp học làm nòng cốt trong công tác bồi dưỡng giáo viên và triển khai Chương trình GDPT mới, đồng thời tập huấn lại cho đội ngũ giáo viên của các đơn vị, đảm bảo tất cả giáo viên ở cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành chương trình bồi dưỡng trước thời gian bắt đầu triển khai áp dụng Chương trình GDPT mới đối với từng cấp học. Ngành bồi dưỡng năng lực quản lý nhà nước, quản trị trường học, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn cho nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng về phương pháp dạy học theo định hướng "lấy học sinh làm trung tâm"; tổ chức các chuyên đề, thao giảng giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực. Ngành thực hiện nghiêm túc việc đánh giá đội ngũ đúng thực chất (chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên), kịp thời thực hiện các chế độ chính sách, tạo động lực để nhà giáo an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

* Sau hơn 2 tháng thực hiện Chương trình GDPT mới lớp 1, bà đánh giá ra sao về hiệu quả công tác này?

- Ðể chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới lớp 1, Sở GD&ÐT thành phố đã chủ động và có lộ trình tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương, cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên tiểu học rất cụ thể, chi tiết về chương trình, sách giáo khoa. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc thực hiện Chương trình GDPT mới ở lớp 1 vào năm học 2020-2021, nên khi áp dụng thực hiện không gặp nhiều khó khăn. Ngành đã tham mưu với thành phố và chủ động phối hợp với các quận, huyện trong lộ trình chuẩn bị về cơ sở vật chất, đảm bảo đủ phòng lớp, đáp ứng yêu cầu 100% học sinh lớp 1 đều được học 2 buổi/ngày. Cán bộ quản lý, giáo viên đều đạt và vượt trình độ chuẩn, giáo viên dạy lớp 1 có nhiều kinh nghiệm, tất cả đều được tham dự tập huấn đầy đủ về Chương trình GDPT và sách giáo khoa mới do từng đơn vị lựa chọn. Công tác tuyên truyền triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 1 được thực hiện tốt qua nhiều kênh, nhiều hình thức tiếp cận, do vậy tạo được sự đồng thuận của phụ huynh và nhân dân trên địa bàn.

Sở và các phòng GD&ÐT quận, huyện giao hiệu trưởng các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; chỉ đạo cho từng tổ chuyên môn căn cứ vào kế hoạch đó để xây dựng kế hoạch dạy học các môn theo yêu cầu của Chương trình GDPT cấp tiểu học của tổ theo tuần, tháng, học kỳ và năm học; sắp xếp thời khóa biểu phù hợp ở từng buổi học. Giao quyền cho giáo viên chủ động thực hiện nội dung Chương trình GDPT, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học các nội dung trong sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Việc đánh giá học sinh được giáo viên thực hiện thường xuyên trong từng tiết học, từ đó phát huy khả năng học tập của từng em; đồng thời giáo viên kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học và hỗ trợ ngay cho các em chưa hoàn thành nội dung học tập trong từng tiết học.

Ngành còn tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học tại các trường tiểu học; tăng cường dự giờ, thăm lớp, nhất là giáo viên lớp 1. Mỗi tháng, Sở GD&ÐT tổ chức 1 chuyên đề nâng cao chất lượng dạy học 1 môn học trong Chương trình GDPT mới đối với lớp 1 cấp thành phố. Sau đó, từng quận, huyện sẽ triển khai tổ chức lại chuyên đề đó đại trà ở địa phương cho 100% giáo viên lớp 1 tham dự; từ đó giúp giáo viên có thêm kinh nghiệm chuyên môn, nắm vững hơn về chương trình, sách giáo khoa, để truyền thụ tốt kiến thức cho học sinh, nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

* Bà cho biết sắp tới ngành sẽ tập trung những nội dung nào trong công tác phát triển đội ngũ nhà giáo?

- Năm học 2021-2022, Chương trình GDPT mới sẽ thực hiện ở lớp 2, lớp 6. Chuẩn bị đội ngũ cho thực hiện chương trình, Sở GD&ÐT thành phố đã chỉ đạo các phòng rà soát, lập danh sách giáo viên chuẩn bị dạy lớp 2, lớp 6 cho năm học tới. Từ đó, Sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên cốt cán; tập huấn giáo viên đại trà; tập huấn sử dụng sách giáo khoa. Ðồng thời tổ chức bồi dưỡng đại trà cho tất cả giáo viên các cấp học bậc học theo chuẩn mô-đun đã được Bộ GD&ÐT triển khai. Ðặc biệt, 100% giáo viên dự kiến được phân công giảng dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022 được bồi dưỡng các mô-đun theo quy định trước 31-7-2021. Ngành tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên các cấp; tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt cụm, nhóm chuyên môn theo quận, huyện, cụm trường…để giúp đội ngũ giáo viên trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy Chương trình GDPT mới.

Các cán bộ, giáo viên tham dự tập huấn chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” do Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức năm 2020. Ảnh: B.NG

Các cán bộ, giáo viên tham dự tập huấn chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” do Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức năm 2020. Ảnh: B.NG

Bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục Cần Thơ vẫn còn gặp khó khăn. Hiện nay vẫn còn khó khăn về phân cấp quản lý kinh phí công tác đào tạo đội ngũ thực hiện Chương trình GDPT mới, nhất là chi phí đăng ký tài khoản trực tuyến hằng năm theo hướng dẫn của Bộ GD&ÐT, khiến ngành chưa thể chủ động trong công tác này. Ðể khắc phục khó khăn này, Sở sẽ phối hợp các cơ quan chức năng của thành phố chỉ đạo các quận, huyện chủ động lập dự toán kinh phí để có nguồn tài chính đầy đủ, kịp thời, phục vụ bồi dưỡng giáo viên đại trà các mô-đun theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới. Bộ GD&ÐT có thể cho phép địa phương tổ chức tập huấn linh hoạt bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến nhằm đáp ứng mục tiêu 100% cán bộ quản lý và giáo viên được tập huấn Chương trình GDPT mới; được bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa mới với chi phí thấp, hiệu quả.

* Xin cảm ơn bà!

Bích Ngọc (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết