10/03/2012 - 21:54

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế

Các KCN, KCX góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong ảnh: Một góc KCN Trà Nóc 2, TP Cần Thơ.

Sau 20 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), khu chế xuất (KCX) đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế của các tỉnh, thành và cả nước nói chung. Tại Hội nghị giao ban Ban Quản lý (BQL) KCN, KCX, KKT các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lần thứ 15 vừa tổ chức tại TP Cần Thơ, các đại biểu cho rằng, cần xem xét lại vấn đề quy hoạch và hoạt động của các KCN, KKT ở các địa phương; đồng thời, tiến tới sự phân công, giao quyền cho BQL cấp tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả hoạt động của các KCN, KCX, KKT.

Hiện nay, cả nước có 283 KCN, KCX được thành lập, quy mô diện tích 76.000 ha. Trong đó, đất công nghiệp có khả năng cho thuê đạt gần 46.000ha. Các KCN, KCX thu hút được 4.113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 59,6 tỉ USD và 4.681 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư đạt gần 420.000 tỉ đồng. Bình quân hàng năm, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào các KCN, KCX tăng thêm từ 35-40% so tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên phạm vi cả nước. Các KCN, KCX đã và đang đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương cũng như trong cả nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo đánh giá từ các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, trong quá trình phát triển các KKT, KCN, KCX, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số vấn đề bất cập, chậm khắc phục như chất lượng quy hoạch chưa tốt, phát triển nhanh về số lượng, đầu tư dàn trải, tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp chưa cao, tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục kịp thời.... Ngoài ra, theo BQL các KCN, KCX, KKT các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tình hình thu hút đầu tư vào các KCN, KCX, KKT ngày càng trở nên khó khăn do bất ổn kinh tế vĩ mô, các chính sách ưu đãi khi mời gọi đầu tư, nguồn lao động giá rẻ của Việt Nam dần bị cạnh tranh bởi một số nước trong khu vực và cuộc chạy đua để thu hút nhà đầu tư vào KCN, KCX, KKT giữa các địa phương... Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban BQL các KCX và CN Cần Thơ, cho rằng: “Về vấn đề quy hoạch KCN nên có sự rà soát lại, những địa phương nào có điều kiện thì phát triển, ngược lại thì nên giảm. Không nên quy hoạch tràn lan, vừa lãng phí đất đai, vừa lãng phí nhân lực, vật lực, thậm chí triệt tiêu nhau. KCN tập trung nên quy hoạch ở trung tâm kinh tế vùng, còn các tỉnh, thành phố khác thì quy hoạch khu Tiểu thủ công nghiệp để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho địa phương. Tránh tình trạng phát triển ồ ạt, thiếu vốn xây dựng, cạnh tranh giá cho thuê đất không lành mạnh để thu hút đầu tư giữa các địa phương”.

Hiện nay, điều mà BQL các KCN, KCX, KKT quan tâm là làm thế nào để tập trung phát triển theo chiều sâu, thu hút đầu tư có chọn lọc đối với các ngành công nghệ, công nghiệp phụ trợ, những ngành nghề thân thiện với môi trường... Vấn đề giám sát, phát hiện và xử lý ô nhiễm môi trường ở các KCN cũng gây không ít khó khăn cho BQL các KCN, KCX, KKT. Ông Lê Thanh Mười, Trưởng Ban BQL các KCN Bình Thuận, cho biết: “Hiện tại trên địa bàn tỉnh, cơ quan thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư vào KCN là Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh; cơ quan phê duyệt xác nhận cam kết bảo vệ môi trường là UBND các huyện. Mô hình quản lý này gây trở ngại, khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường ở các KCN, vì các cơ quan này không thường xuyên kiểm tra các DN trong KCN có làm đúng các cam kết về bảo vệ môi trường hay không. Trách nhiệm còn lại thuộc về BQL, trong khi BQL lại không chủ động được trong hầu hết các công tác bảo vệ môi trường, chủ yếu là chỉ phát hiện và báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết, nên hiệu quả công tác quản lý môi trường trong các KCN chưa cao”.

Theo Ban Quản lý Các KCX và CN thì bộ máy quản lý KCN, KCX, KKT trong thời gian qua chưa thực sự ngang tầm với sự phát triển, do thẩm quyền chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào cơ chế ủy quyền của một số cơ quan, thậm chí cả UBND huyện. Vì vậy, đã đến lúc phải củng cố thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý các KCN, KCX, KKT bằng một cơ chế, bộ máy phù hợp để nâng cao hiệu quả vận hành. Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban BQL Các KCX và CN Cần Thơ, việc các sở, ngành thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra làm cho các doanh nghiệp trong KCN tốn nhiều thời gian, công sức để tiếp đón, cung cấp thông tin, số liệu, nên doanh nghiệp rất phiền hà. Nên chăng giao quyền cho BQL làm đầu mối, tập trung thống nhất mọi hoạt động thanh, kiểm tra trong các KCN, KCX, KKT, khi thanh tra phải có chế tài, phạt theo đúng các quy định của pháp luật.

Ngày 2-3-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg “Về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp”. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiến hành đánh giá việc thực hiện quy hoạch, thành lập, hoạt động của các KKT, KCN và đề xuất biện pháp xử lý đối với các KKT, KCN hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí đất đai, ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở đó rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển KKT, KCN Việt Nam đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV/2012. Trong quá trình rà soát, điều chỉnh Quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng việc bổ sung quy hoạch thành lập mới các KKT, KCN trên cả nước. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ ngành liên quan, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước đối với KKT, KCN, cụm công nghiệp từ Trung ương tới địa phương. Đây là những cơ sở quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các KCN, KKT, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết