26/05/2019 - 08:17

Nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ 

Hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ có vai trò quan trọng thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, công nghệ; góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động này bằng nhiều giải pháp thiết thực. Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ” được tổ chức tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) Cần Thơ vừa qua đã mở ra nhiều hướng đi, nhằm đưa hoạt động này đi vào chiều sâu và thực chất.

Đại biểu tham quan, tìm hiểu máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật cho đồng ruộng của Công ty Cổ phần Đại Thành.

Đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN

Hoạt động kết nối cung - cầu CN là một trong những giải pháp cụ thể, quan trọng của Bộ KH&CN trong việc phát triển thị trường KH&CN; tạo cầu nối giữa các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có nhu cầu đổi mới CN và những nhà nghiên cứu, nhà sở hữu CN. Từ đó, chuyển giao, ứng dụng CN nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới một cách hiệu quả nhất.

Theo thống kê của Cục Ứng dụng và Phát triển CN, hiện nay, cả nước đã có 8 Điểm Kết nối cung - cầu CN tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội (2 điểm), TP Hồ Chí Minh, Phú Yên, Nghệ An, Đắc Lắc và Cần Thơ. Trong năm 2018, các Điểm Kết nối cung - cầu CN đã tổ chức 80 lượt tư vấn, tọa đàm, kết nối cung cầu; giới thiệu và trình diễn gần 200 sản phẩm KH&CN; ký kết thành công 10 hợp đồng chuyển giao CN với tổng trị giá gần 5 tỉ đồng… Ngoài ra, hiện nay còn có 40 nhu cầu CN của 30 doanh nghiệp với giá trị đầu tư trên 170 tỉ đồng đang được giới thiệu thông qua các điểm này. Dự kiến, năm 2019, Bộ KH&CN sẽ thành lập mới 3 Điểm Kết nối cung - cầu CN tại 3 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Gia Lai.

Bên cạnh các Điểm Kết nối cung - cầu CN, hoạt động Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ (Techdemo) được tổ chức hằng năm, luân phiên ở các tỉnh, thành phố lớn đã và đang mang lại hiệu quả cao trong việc thúc đẩy hợp tác đầu tư nghiên cứu ứng dụng, đổi mới CN và phát triển thị trường KH&CN.

Tuy nhiên, theo một số viện, trường, mối liên kết giữa các doanh nghiệp và các viện nghiên cứu khu vực công còn yếu; chưa có thị trường KH&CN thực sự trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả liên kết giữa sản phẩm nghiên cứu của viện, trường và khả năng thương mại hóa trong doanh nghiệp. Đại diện Viện Lúa ĐBSCL chỉ rõ: “Vấn đề bản quyền của các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp là rất khó, do cơ chế, chính sách về bảo vệ bản quyền chưa được thực hiện tốt; nên đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự hình thành thị trường sản phẩm KH&CN trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, kéo theo hệ lụy là các doanh nghiệp chưa hợp tác đầu tư về nghiên cứu khoa học với viện”.

Các đại biểu kiến nghị: nên có chính sách tổ chức quản lý, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia phối hợp, thực hiện các nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, chợ KH&CN cho ngành nông nghiệp; chuyển dần việc giao nhiệm vụ KH&CN truyền thống sang đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm KH&CN và đáp ứng nhu cầu cấp bách trong xã hội và trong sản xuất…

Ngoài ra, nhiều giải pháp thiết thực khác được đề xuất tại hội thảo như: tăng cường thực thi sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm KH&CN, nhất là các giống cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng CN 4.0 trong nghiên cứu KH và hoạt động chuyển giao CN; có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp về thuế, nguồn vốn, CN mới, đào tạo, nhân lực và thương mại… khi doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN.

Cần Thơ và những nỗ lực không ngừng

Nhiều năm qua, TP Cần Thơ đã nỗ lực không ngừng phát triển thị trường KH&CN thông qua các hoạt động: xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin KH&CN, sàn giao dịch CN, tăng cường liên kết, hợp tác, tổ chức hội thảo, hội nghị… Đặc biệt, việc tổ chức thành công Techdemo 2018 và ra mắt Điểm Kết nối cung - cầu CN tại sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển thị trường KH&CN và hoạt động chuyển giao, ứng dụng CN.

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ - đơn vị đầu mối trong hoạt động chuyển giao, ứng dụng CN của TP Cân Thơ - được thành phố quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn lực. Hiện trụ sở mới của Trung tâm (ở đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Bình, quận Ninh Kiều, cạnh Trường Đại học Nam Cần Thơ) đã được xây dựng hoàn thiện và đi vào hoạt động. Với tổng diện tích gần 24.000m2, Trung tâm có các khu: trưng bày, phòng làm việc, nhà xưởng, phòng thí nghiệm khang trang, có các đầy đủ các máy móc, thiết bị hiện đại. Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ, cho biết: “Chiến lược phát triển của đơn vị là trở thành trung tâm vùng ĐBSCL về tổ chức trung gian của thị trường KH&CN thông qua việc phát triển Điểm Kết nối cung - cầu CN thành sàn giao dịch CN. Ứng dụng tiến bộ KH&CN và chuyển giao những công trình nghiên cứu khoa học phục vụ nâng cao giá trị, gia tăng các sản phẩm chủ lực, nhất là các lĩnh vực mà TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL cần đầu tư CN, như: cơ khí và cơ giới hóa tiến đến tự động hóa; CN sau thu hoạch; ứng dụng CN sinh học, vật liệu mới trong sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, trung tâm hướng tới mục tiêu trở thành tổ chức thẩm định, đánh giá, khảo nghiệm CN của TP Cần Thơ”.

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ đã ký kết hợp tác chiến lược với 3 đơn vị, mở ra những triển vọng mới. Cụ thể, Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và phát triển IDE sẽ giúp Cần Thơ triển khai các hoạt động cấp giấy chứng nhận và quản lý hệ thống thông tin sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa; góp phần thực hiện mục tiêu quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm, phục vụ nông nghiệp sạch và nông nghiệp CN cao trên địa bàn TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Công ty Cổ phần dịch vụ Thương mại Thiết kế Bách Việt (TP Hồ Chí Minh), đơn vị chuyên về lĩnh vực thiết kế và thương mại dịch vụ các sản phẩm cơ khí CN cao tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, hợp tác với Cần Thơ trong việc nghiên cứu phát triển để tạo ra sản phẩm mới, CN mới; thương mại hóa các sản phẩm từ hoạt động sản xuất thử nghiệm và sản xuất công nghiệp; chuyển giao CN cho các tổ chức, cá nhân và địa phương có nhu cầu… Công ty Cổ phần Đại Thành (Bắc Ninh) sẽ chuyển giao các thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật cho đồng ruộng...

Bài, ảnh: Lệ Thu

Chia sẻ bài viết