09/04/2012 - 21:22

Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo

Bài 2: Còn nhiều bất cập

Những năm qua, chính sách pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi. Từ năm 1987 đến nay, Luật Đất đai đã được ban hành mới 3 lần (vào các năm: 1987, 1993 và 2003) và sửa đổi, bổ sung 2 lần (năm 1998 và năm 2001). Hằng năm, các văn bản dưới luật cũng được ban hành, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn phát sinh. Nhưng đến nay, hệ thống các văn bản pháp luật về đất đai vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, nên công tác giải quyết KNTC gặp nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến nhiều vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong dân...

Khi nông dân trở thành nạn nhân

Do chủ quan và thiếu hiểu biết pháp luật, nông dân Võ Văn Tuấn (ngồi bên phải) cùng các bị hại khác sập bẫy bọn lừa đảo. Các đương sự có đơn khiếu nại và trình bày bức xúc về việc bị đối tượng xấu lừa gạt, chiếm dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Mấy năm trở lại đây, do chủ quan, thiếu hiểu biết pháp luật, nhiều nông dân ở một số quận, huyện liên tục có đơn cầu cứu các ngành chức năng của thành phố vì trót “sập bẫy” bọn lừa đảo, bị chiếm dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng (QSDĐ). Thủ đoạn của các đối tượng này là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và kẽ hở của pháp luật để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, thông qua hình thức như: Hợp đồng ủy quyền (có trường hợp được công chứng, chứng thực hợp pháp), hứa hẹn giúp người dân đi vay vốn với thủ tục nhanh gọn và với số vốn vay nhiều hơn (so với mức vay tại các ngân hàng)... Sau đó, các đối tượng này đem Giấy chứng nhận QSDĐ của người dân đi thế chấp, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác để hưởng lợi. Hậu quả, một số trường hợp khi đến hạn trả vốn và lãi nhưng không có khả năng chi trả, buộc phải chuyển nhượng QSDĐ cho các đối tượng này như đã thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền hoặc có trường hợp bị lừa đảo đem Giấy chứng nhận QSDĐ của người dân thế chấp tại các ngân hàng thương mại để vay với số vốn rất lớn...

Như trường hợp của ông Võ Văn Tuấn (ngụ xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), năm 2010, vợ chồng ông Tuấn có giao 3 Giấy chứng nhận QSDĐ, với tổng diện tích 20.000m2 đất cho ông Nguyễn Văn Hát, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quang Sĩ (tọa lạc tại đường Trần Hoàng Na, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều), để nhờ vay 200 triệu đồng. Trong khi ông Tuấn chưa nhận được một đồng vốn vay nào thì hay tin ông Hát đã lập thủ tục chuyển nhượng toàn bộ phần đất của ông Tuấn trên cho người khác... Ông Tuấn bức xúc kể: “Trước đây, thông qua người môi giới là ông Huỳnh Văn Vũ (ngụ ấp Đông Thới, xã Đông Bình, huyện Thới Lai) dẫn tôi đến gặp ông Hát để làm thủ tục vay vốn. Vợ chồng tôi và ông Hát đã ký hợp đồng ủy quyền, (với phạm vi ủy quyền: Bên A (vợ chồng tôi) đồng ý ủy quyền cho bên B (ông Hát) có toàn quyền sử dụng và quyết định việc giao dịch (chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, tặng cho) đối với tài sản là Giấy chứng nhận QSDĐ, thuộc quyền sử dụng của vợ chồng tôi)”. Đến ngày 28-12-2010, ông Hát làm hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ tài sản của ông Tuấn cho ông Đinh Vũ Bình (ngụ phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều), lấy số tiền 200 triệu đồng. Theo ghi nhận của chúng tôi, hợp đồng ủy quyền và hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ trên đều do ông Lương Chấn Thành, nguyên Công chứng viên, Văn phòng công chứng Việt - Chương TP Cần Thơ ký. Sự việc đổ bể, ông Tuấn khiếu nại ông Hát đến UBND phường Hưng Lợi thì ông Hát cam kết sẽ giao trả lại 3 Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Tuấn nhưng đến nay, ông Hát vẫn chưa thực hiện...

Trường hợp của ông Phạm Văn Lầm (ngụ phường Trường Lạc, quận Ô Môn) cũng tương tự. Do hoàn cảnh khó khăn, nên ngày 14-12-2008, ông Lầm có nhờ ông Phạm Văn Út (ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn) và ông Phan Văn Trung (ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều) dẫn đến gặp ông Trần Hữu Phước, (ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều) để vay tiền và thế chấp 2 Giấy chứng nhận QSDĐ, gồm: Giấy chứng nhận QSDĐ số H01577, thửa số 226, diện tích 675m2 đất ở đô thị và Giấy chứng nhận QSDĐ số H01575, thửa số 176, diện tích 2.840m2 đất trồng lúa, do ông đứng tên. Khi đó, ông Phước chia ra nhiều lần đưa tiền cho ông Lầm, mỗi lần từ 5 đến 10 triệu đồng. Ông Lầm cho biết: “Giữa tôi và ông Phước có lập 1 hợp đồng cầm cố ngày 14-12-2008, với tổng số tiền là 73 triệu đồng. Sau đó, ông Phước yêu cầu tôi phải ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, để ông Phước đứng tên vay vốn. Khi đó, ông Phước còn hứa khi nào tôi đủ tiền chuộc đất thì ông sẽ sang tên trả đất lại cho tôi sử dụng. Vì thế, tôi đã ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng cho ông Phước đứng tên trên Giấy chứng nhận QSDĐ. Nào ngờ, khoảng 2 tháng sau, tôi mang đủ tiền đến chuộc đất, thì ông Phước bặt tăm...”.

Nhiều bất cập cần được điều chỉnh

Thời gian qua, hệ thống các văn bản pháp luật phục vụ cho công tác giải quyết KNTC về đất đai được ban hành khá đầy đủ; các mối quan hệ pháp luật phát sinh được điều chỉnh trong từng luật liên quan, như: Luật Đất đai; Luật KNTC; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng dân sự... Đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước trong giải quyết KNTC đã đáp ứng khá tốt yêu cầu công tác quản lý Nhà nước về đất đai cũng như việc giải quyết KNTC. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển của đất nước diễn ra ngày một nhanh, cùng với xu thế đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều chính sách, pháp luật trong giải quyết KNTC về đất đai đã bộc lộ sự lạc hậu, không còn phù hợp, nhất là nhiều vấn đề mới phát sinh, nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh... đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần kịp thời xem xét để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Lê Tâm Niệm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Bình Thủy, cho biết: “Luật KNTC, Luật Đất đai năm 2003 và Bộ luật Tố tụng hành chính chưa thống nhất nhau về quy định thời hiệu khiếu nại (cụ thể như: Luật Đất đai quy định 30 ngày, Luật KNTC là 90 ngày và Bộ luật Tố tụng hành chính là 1 năm). Ngoài ra, việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa cơ quan quản lý nhà nước và TAND vẫn chưa được hướng dẫn rõ ràng, nên nhiều trường hợp người dân phải đi lại nhiều lần giữa TAND và UBND nhưng vẫn không được tiếp nhận để giải quyết. Theo khoản 1, Điều 136 Luật Đất đai quy định: Tranh chấp về quyền sử dụng đất (QSDĐ) mà đương sự có Giấy chứng nhận QSDĐ hoặc có một trong các loại giấy tờ qui định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền của Tòa án. Tuy nhiên, nhiều vụ việc tranh chấp QSDĐ nhưng cơ quan Tòa án khi tiếp nhận vụ việc hướng dẫn cho công dân khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ hoặc trong việc ban hành các giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 (vụ việc tranh chấp dân sự chuyển sang khiếu nại hành chính)”...

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hành chính, một trong các bên đương sự không đồng ý với các quyết định giải quyết khiếu nại của địa phương, người khởi kiện đều được quyền khởi kiện đến Tòa án. Đây là quy định mới, rộng mở hơn để người dân có thể yêu cầu cơ quan tư pháp đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong khi đó, điểm a khoản 2 Điều 138 Luật Đất đai lại quy định: “Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai do Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khởi kiện tại TAND hoặc tiếp tục khiếu nại đến chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong trường hợp khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng”. Quy định này, quyền khởi kiện của người khiếu nại sẽ bị hạn chế...

Ông Nguyễn Văn Kết, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: “Luật Đất đai năm 2003 quy định hòa giải tranh chấp đất đai là trình tự thủ tục bắt buộc, quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ việc tranh chấp về QSDĐ. Thời gian qua, UBND cấp xã với trách nhiệm theo quy định đã chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các thành viên, các tổ chức xã hội khác đã thực hiện hòa giải thành công nhiều vụ việc tranh chấp đất đai, chấm dứt vụ việc từ cơ sở. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về đất đai chưa chặt chẽ, nên phần nào giảm đi tính hiệu quả của công tác này. Cụ thể: Luật Đất đai năm 2003 không quy định biên bản hòa giải tranh chấp đất đai được các bên tranh chấp thống nhất, có hiệu lực pháp luật hay không? Trên thực tế, nhiều vụ việc tranh chấp đất đai sau khi đã được chính quyền cơ sở sử dụng nhiều phương pháp và thời gian hòa giải thành công, nhưng sau đó, một trong các bên tranh chấp lại gởi đơn yêu cầu giải quyết và thế là các cấp chính quyền phải tiếp tục hòa giải, giải quyết lại vụ việc, ảnh hưởng đến thời gian, công sức của cơ quan quản lý nhà nước”...

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Kỳ tới: Bài cuối: Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Chia sẻ bài viết