21/04/2019 - 10:31

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai 

Thời gian qua, TP Cần Thơ bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Trung ương chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn. Qua đó đã hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn. Tuy nhiên, diễn biến thiên tai, thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường, để đảm bảo công tác PCTT trên địa bàn vẫn cần sự hỗ trợ của Trung ương. 

TP Cần Thơ đã và đang triển khai một số công trình thủy lợi chống sạt lở bờ sông. 

Trên địa bàn TP Cần Thơ, hằng năm thường xảy ra các loại thiên tai chủ yếu như: sạt lở bờ sông, lốc xoáy, ngập lụt, sét đánh… Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: Hằng năm, Ban Chỉ huy PCTT - Tìm kiếm cứu nạn thành phố tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch PCTT và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với các loại hình thiên tai trên địa bàn, như: phương án ứng phó với bão mạnh; phương án ứng phó với sạt lở bờ sông, kênh rạch. Cùng với đó, quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch thủy lợi mùa khô; kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh… Thành phố đã và đang thực hiện đầu tư một số công trình thủy lợi để phục vụ cho công tác PCTT, như: Kè chống sạt lở sông Ô Môn, Kè chống sạt lở chợ Rạch Cam... Nâng cao nhận thức cộng đồng trong PCTT, mỗi năm thành phố tổ chức khoảng 11 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với khoảng 450 người tham gia. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện quỹ PCTT; triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ, khắc phục thiệt hại sau thiên tai…

Tuy nhiên, qua thực tế tổ chức thực hiện công tác PCTT, thành phố nhận thấy còn một số tồn tại, bất cập. Cụ thể, theo ghi nhận từ các đơn vị trực tiếp thu quỹ PCTT, một số tổ chức kinh tế hạch toán độc lập (gọi chung là doanh nghiệp) có phản ánh mức đóng góp bắt buộc hằng năm tối thiểu 500.000 đồng và tới đa 100 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 94/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ PCTT (gọi tắt là Nghị định 94) là quá cao so với mức thu tối đa không quá 5 triệu đồng so với mức cũ. Nghị định 94 không có quy định tỷ lệ 40% quỹ được trích lại cho các quận, huyện nên khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT – Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện không chủ động chi hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời. Bên cạnh đó, Nghị định 94 chưa quy định mẫu biểu hướng dẫn về phê duyệt quyết toán, mẫu biểu báo cáo tài chính hằng năm, không quy định chế độ kế toán dẫn đến khó khăn công tác hạch toán kế toán thu, chi quỹ và lập báo cáo quyết toán cũng như công tác quản lý quỹ…

Trước tình hình diễn biến thiên tai, thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường như hiện nay, các điều kiện phục vụ cho công tác chỉ huy, chỉ đạo PCTT tại các quận, huyện chưa đảm bảo, nhất là bố trí con người và kinh phí. Phương tiện, thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ PCTT- tìm kiếm cứu nạn của thành phố còn rất hạn chế, thiếu về số lượng, chủng loại; đặc biệt là phương tiện tìm kiếm cứu nạn trên sông lớn. So với các địa phương khác, tình hình thiên tai của Cần Thơ không lớn dẫn đến một bộ phận dân cư còn chủ quan đối với biện pháp ứng phó hiệu quả. Do kinh phí đầu tư hạn hẹp, một số dự án phục vụ công tác PCTT và giảm nhẹ thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu thực tế…

Mới đây, Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Quốc hội khóa XIII làm việc với UBND TP Cần Thơ giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về PCTT trên địa bàn thành phố. Tại buổi làm việc, thành phố đã kiến nghị Đoàn công tác xem xét, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong công tác PCTT trên địa bàn trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đề xuất: Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ PCTT. Các Bộ, ngành Trung ương sớm triển khai thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, chuyển giao công nghệ, sản phẩm của Chương trình để phục vụ cho công tác phòng, chống, ứng phó với rủi ro thiên tai tại địa phương. Trên địa bàn thành phố có nhiều hệ thống sông lớn, như: sông Hậu, sông Cần Thơ… cần tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ làm công tác cứu hộ…

Ngoài ra, những năm gần đây, tình hình diễn biến của sạt lở bờ sông xảy ra trên địa bàn ngày một nghiêm trọng và phức tạp, tăng cả về quy mô và số lượng. Thành phố đã tổ chức thực hiện giải pháp công trình và phi công trình hạn chế mức thấp nhất thiệt hại. Tuy nhiên ngân sách thành phố còn hạn hẹp, đề nghị Chính phủ hỗ trợ bố trí vốn đầu tư xây dựng cho thành phố thực hiện một số công trình kè chống sạt lở trọng điểm bức xúc, như: dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn – Đoạn 2 dài 950m và Đoạn 3 dài 570m; dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn, phường Thới Hòa, quận Ô Môn dài 1,9km; Dự án Kè chống sạt lở sông Trà Nóc dài 1,1km…

Trước những kiến nghị của TP Cần Thơ, ông Lê Kế Sơn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết: Bộ NN&PTNT đã tổng hợp ý kiến của 63 tỉnh, thành phố về sửa đổi Nghị định 94 tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tồn tại thời gian qua và trình Chính phủ ký duyệt. Theo đó, Nghị định sửa đổi nêu rõ: Chủ tịch UBND tỉnh, thành chỉ đạo Cục Thuế hỗ trợ thu quỹ PCTT doanh nghiệp; cấp huyện và cấp xã được giữ lại 20% mỗi cấp phục vụ cho công tác PCTT trên địa bàn khi xảy ra khẩn cấp. Bên cạnh đó, Nghị định sửa đổi quy định rõ và chi tiết về chi quỹ PCTT...

Ông Nguyễn Vinh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Trưởng Đoàn giám sát, cho biết: Luật PCTT được Quốc hội thông qua ngày 19-3-2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2014. Theo quy định, sau 5 năm thực thi, Quốc hội tổ chức giám sát nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và sửa đổi phù hợp trong triển khai thực tế ở địa phương. Những đề xuất, kiến nghị của thành phố, Đoàn giám sát tổng hợp và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Bên cạnh triển khai các chính sách, trong PCTT phòng ngừa vẫn là chính. Vì vậy, thành phố cần quan tâm nâng cao nhận thức cho người dân và chính quyền về PCTT…

Bài, ảnh: Lạc Mẫn

Chia sẻ bài viết