20/09/2019 - 08:02

Nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam 

Ngày 19-9, tại TP Cần Thơ, Thời báo kinh tế Việt Nam phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức hội thảo phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam 2019 với chủ đề “Đột phá công nghệ, nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất và tiêu thụ lúa gạo”. Tại hội thảo này, các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp hay nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam...

►Nhiều bất cập kéo dài

Trong hơn 3 thập kỷ qua, sản xuất lúa gạo giữ vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế của Việt Nam. Song, sản xuất gạo ở nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ theo quy mô nông hộ, cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, liên kết chưa chặt chẽ, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều … nên khó bán được giá cao. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: “Hiệu quả chuỗi giá trị ngành gạo Việt Nam thấp do tỷ lệ thất thoát cao, lên đến 13,7%, trong khi Thái Lan là 6,1% và Ấn Độ chỉ 6%. Chất lượng gạo xuất khẩu của nước ta cũng còn thấp, gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%.  Phân phối lợi nhuận và chia sẻ rủi ro giữa nông dân và các đối tác bất cập. Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 15% thị trường thế giới nhưng không có thương hiệu gạo nổi bật, chỉ  được gọi một tên chung là gạo trắng Việt Nam”.

Cũng theo ông Sơn, hạ tầng và công nghệ bảo quản, chế biến lúa gạo lạc hậu còn làm giảm chất lượng trong bảo quản. Hệ thống sấy lúa ở nước ta còn thiếu, công nghệ sấy bất cập ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu. Hệ thống kho chứa mới chủ yếu bảo quản gạo, không đủ diện tích kho để bảo quản lúa; do đó sau khi thu mua lúa, các cơ sở phải xay xát ngay và tồn trữ dưới dạng gạo lứt, chất lượng gạo bị giảm trong quá trình bảo quản. Chế biến sâu, đa dạng hóa các loại gạo và sản phẩm chế biến từ gạo còn chưa phát triển. Các sản phẩm phụ từ gạo như: trấu, cám, rơm rạ chưa được tận dụng tốt để nâng cao giá trị gia tăng, tăng hiệu quả sản xuất.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, ngành sản xuất lúa Việt Nam đang thâm dụng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên và cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên nhưng cho đến nay đời sống của người trồng lúa Việt Nam, đặc biệt ở ĐBSCL, vẫn rất chậm được cải thiện. Một trong những lý do chính là suốt nhiều năm liền, chúng ta chú trọng tăng năng suất và sản lượng lúa, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng của lúa gạo và giảm tổn thất sau thu hoạch. So với những nước sản xuất lúa gạo tiên tiến, tổn thất trong và sau thu hoạch lúa của nước ta còn khá cao. Điều này không chỉ làm mất mát về số lượng mà còn cả về chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận về “cơ hội và thách thức của ngành lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh mới” tại hội thảo.

►Cần sự vào cuộc của các bên    

Để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo, đòi hỏi phải quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là các giải pháp về khoa học, công nghệ và phải có sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan. Cụ thể, các ngành chức năng và địa phương quan tâm quy hoạch lại vùng sản xuất, áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững, phù hợp. Cải tiến công nghệ sau thu hoạch và chế biến. Nâng cao năng lực tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Đặc biệt, nông dân và doanh nghiệp phải tăng cường liên kết khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, không gắn với nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết: “Công nghệ cao hiện là công cụ quan trọng nhất để nâng cao giá trị gia tăng của nông nghiệp khi đất đai, lao động và một phần chính sách đã phát huy hết hiệu lực. Trong lĩnh vực lúa gạo, chuỗi giá trị lúa gạo thế giới đã mở rộng, phát triển và liên kết sâu với các ngành công nghiệp khác để hình thành những ngành công nghiệp mới sau lúa gạo có giá trị gia tăng rất cao. Các sản phẩm phụ sau thu hoạch đã và đang được khai thác tối đa. Đặc biệt, với cám gạo, sau quá trình trích ly dầu cho ra những thành phẩm làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác. Việc mở rộng chuỗi giá trị sau lúa gạo, tức là chế biến càng sâu sẽ đòi hỏi hàm lượng chất xám và công nghệ cao, nhưng bù lại giá trị sẽ cao hơn rất nhiều lần. Đơn cử, 1kg tinh chất Oryzanol (được tinh chế từ cám gạo) dùng trong ngành dược phẩm có giá trị lên đến 600USD”.

Ngoài chất lượng, còn nhiều yếu tố khác tác động đến giá trị hạt gạo trên thị trường như: thương hiệu (uy tín của doanh nghiệp), quy trình canh tác và truy xuất nguồn gốc…Theo Tến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, để nâng cao hơn nữa giá trị của hạt gạo Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu cần  hợp tác và đầu tư nhiều hơn nữa trong xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình canh tác lúa phù hợp, lúa hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị nghiên cứu để tiếp nhận và quảng bá các giống lúa mới có phẩm chất tốt ra thị trường; duy trì sự ổn định của chất lượng giống và lúa hàng hóa trong vùng nguyên liệu. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến các giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng và gạo chức năng, dù thị phần không lớn nhưng có giá trị kinh tế cao...

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết