12/09/2015 - 16:00

Nâng cao chất lượng xe buýt

Xe buýt là phương tiện vận tải hành khách công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thành phố, nhất là những người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên... Gần đây, đơn vị quản lý và khai thác xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ đã nỗ lực cải tạo phương tiện xe cũ, nâng cao chất lượng phục vụ; đồng thời dự kiến mở thêm các tuyến mới đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân tốt hơn.

Theo Ban Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Cần Thơ, trong 8 tháng đầu năm 2015, các tuyến xe buýt trên địa bàn phục vụ trên 3 triệu lượt khách đi lại, doanh thu đạt 13,6 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Hiện nay, xe buýt của đơn vị đang hoạt động trên các tuyến gồm: bến xe Cái Tắc-vòng xoay Hùng Vương-trung tâm Ô Môn-bến xe Lộ Tẻ, tuyến trung tâm Ô Môn-bến xe Cờ Đỏ, tuyến Lộ Tẻ - Kinh B. Tổng số xe đang hoạt động là 53 xe, trong đó Ban Quản lý có 34, còn lại là xe liên doanh. Tuyến bến xe Cái Tắc-vòng xoay Hùng Vương-trung tâm Ô Môn-bến xe Lộ Tẻ với tần suất xuất bến 15-17 phút/chuyến, tuyến Ô Môn-Cờ Đỏ tần suất 25-30 phút/chuyến xe, tuyến Lộ Tẻ - Kinh B tần suất 25-30 phút/chuyến xe. Giá cước các tuyến áp dụng từ năm 2013 đến nay, suốt tuyến bến xe Cái Tắc-vòng xoay Hùng Vương-trung tâm Ô Môn dài 40 km, giá 17.000 đồng/lượt khách, suốt tuyến Ô Môn-bến xe Lộ Tẻ dài 30 km giá cước 13.000 đồng/lượt khách, suốt tuyến Ô Môn-Cờ Đỏ dài 23 km giá cước 12.000 đồng/lượt khách, suốt tuyến Lộ Tẻ - Kinh B dài 28 km giá cước 14.000 đồng/lượt khách. Ban Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng cũng áp dụng giảm giá 30% cho sinh viên, 20% cho công nhân đi xe buýt thường xuyên.

Xe buýt đón khách tại trạm.

Hành khách chọn đi lại bằng xe buýt chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân, người dân nông thôn… bởi loại phương tiện công cộng này có giá rẻ hơn so với các phương tiện đi lại khác. Em Trần Chí Khang, đang là sinh viên một trường đại học tại Cần Thơ, cho biết: "Em thường đi xe buýt. So với "xe ôm", đi xe buýt rẻ hơn rất nhiều, lại an toàn hơn, đón xe buýt cũng dễ dàng. Tuy nhiên, xe buýt hiện nay tần suất hoạt động còn thưa, đôi khi chờ đợi đến 20 phút mới có xe, nhiều xe đảm bảo chất lượng nhưng cũng có nhiều xe cũ kỹ, xe buýt lại không có máy lạnh như các xe buýt ở TP Hồ Chí Minh"…

Hơn 1 năm nay, toàn bộ xe buýt đã chuyển giao từ Công ty TNHH Một thành viên Công trình đô thị TP Cần Thơ về cho Sở GTVT TP Cần Thơ quản lý và tổ chức hoạt động. Ban Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng đã sắp xếp các tuyến phục vụ hành khách đi vào nề nếp, hoạt động ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn nhất định, nhất là vẫn còn xe cũ trên 10 năm cần được cải tạo nâng cấp, đầu tư xe mới… Theo Ban Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng, để đảm bảo hoạt động xe buýt, từ đầu năm 2015 đến nay, đã tiến hành đầu tư cải tạo nâng cấp được 9 trong tổng số 34 xe do Ban quản lý. Ban cũng đang lập đề án trợ giá xe buýt trình UBND thành phố bù lỗ hoặc trợ giá 2,5 tỉ đồng/năm, tạo điều kiện cho người dân đi lại bằng phương tiện công cộng này nhiều hơn trong thời gian tới. Tạo điều kiện nâng cao đời sống của cán bộ, công nhân viên xe buýt, từ đó xe buýt góp phần phục vụ hành khách tốt hơn. Ông Nguyễn Hoàng Đạo, Trưởng Ban Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng, cho biết: Hiện Ban có 110 cán bộ, công nhân viên, thu nhập còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Do đó, phương án trợ giá xe buýt được duyệt ngoài góp phần làm cho xe buýt hoạt động hiệu quả hơn còn nâng cao đời sống đội ngũ nhân viên, giúp họ an tâm phục vụ hơn. Ngoài ra, Ban cũng kiến nghị xin đầu tư mua xe mới hoặc hỗ trợ cho vay mua xe mới đưa vào khai thác ở các tuyến trong thời gian tới…

Từ nay đến cuối năm, Ban Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng dự kiến sẽ mở thêm 2 tuyến xe buýt mới phục vụ người dân là: tuyến Thốt Nốt-thị trấn Cờ Đỏ (thông qua đường tỉnh 921 với chiều dài tuyến 25 km), tuyến Cần Thơ-Thiền viện Trúc lâm Phương Nam-khu dân cư 586. Hiện nay, Ban đã có một số xe dự kiến cho 2 tuyến này, còn thiếu một số xe đang kêu gọi liên danh đưa xe vào khai thác. Theo ý kiến của các sở, ngành thành phố, thời gian tới, Ban Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng có thể tham gia khai thác các tuyến xe buýt liên tỉnh như: Cần Thơ-Đại Ngãi-Sóc Trăng, Cần Thơ-Vĩnh Long. Cần Thơ là thành phố lớn nên thuận lợi mở các tuyến xe buýt liên tỉnh cự ly dài. Tới đây, xe buýt Cần Thơ phải hoạt động tốt hơn, xứng tầm là thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Tuy nhiên, để làm được điều này rất cần sự hỗ trợ từ các ngành chức năng thành phố quan tâm, nhất là có sự đầu tư vốn hợp lý cho nâng cao chất lượng xe buýt hiện nay, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân của một thành phố lớn, hướng tới xây dựng một đô thị văn minh - hiện đại.

Bài, ảnh: HỒNG BẢO

Chia sẻ bài viết