10/07/2008 - 08:33

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long:

Nâng cao chất lượng và sản lượng giống gúp nông dân đạt hiệu quả cao trong canh tác lúa vụ 3

 

Nhân dịp Hội Giống cây trồng Nam Bộ (HGCTNB) trực thuộc Hội Giống cây trồng Việt Nam vừa được thành lập vào ngày 8-7-2008, phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi ngắn với Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Chủ tịch HGCTNB, xung quanh hoạt động của Hội và vấn đề đang được quan tâm hiện nay là có nên canh tác lúa vụ 3? Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho biết:

- Hiện nay, ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam Bộ, vấn đề giống cây trồng rất là cần thiết. HGCTNB được thành lập với mục đích làm cầu nối giữa các nhà khoa học, các viện, trường với các nơi sản xuất, nhân giống nhằm đảm bảo giống cây trồng có chất lượng tốt hơn và đến với nông dân nhanh, hiệu quả hơn. Hội thành lập 3 ban gồm: ban chuyên về giống lúa; ban các giống khác như: rau màu và một số loại cây ăn quả; ban dịch vụ kỹ thuật giúp cho nông dân về kỹ thuật canh tác. Chủ trương của hội là làm sao hoạt động có hiệu quả, thiết thực để giúp cho nông dân ở khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ có được những giống cây trồng đảm bảo chất lượng và ngày càng có thu nhập cao hơn.

* Thời gian qua, nguồn cung giống lúa cấp xác nhận cho nông dân thiếu trầm trọng. Như vậy, việc HGCTNB ra đời có góp phần đẩy mạnh sản xuất cũng như cung ứng giống lúa cấp xác nhận cho nông dân trong thời gian tới, thưa tiến sĩ?

- Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian qua, ở ĐBSCL giống lúa xác nhận chỉ đáp ứng được khoảng 31%, nhưng trong đó cũng chỉ có 8% chính thức được xác nhận có chứng chỉ, còn lại là các đơn vị tự làm. Như vậy, giống lúa xác nhận rất thiếu. Muốn sản xuất lúa có hiệu quả, chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu thì rất cần giống xác nhận. Chính vì vậy, tới đây HGCTNB sẽ phối hợp với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long thành lập mạng lưới nhân giống lúa 3 cấp gồm: cấp siêu nguyên chủng và nguyên chủng (sản xuất tại Viện lúa); giống cấp xác nhận sản xuất tại các địa phương. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới HGCTNB sẽ hoạt động tốt để giúp cho bà con nông dân có nhiều giống cây trồng tốt, đặc biệt là giống lúa; phấn đấu đến năm 2010 đáp ứng được 40% giống lúa xác nhận cho nông dân.

* Năm nay, giá lúa ở mức cao, nông dân làm lúa có mức lãi hấp dẫn nên ở ĐBSCL diện tích lúa vụ 3 tăng mạnh. Tiến sĩ có ý kiến gì về vấn đề này?

- Năm nay, do tình hình khan hiếm lương thực, lúa gạo trên thế giới dẫn đến lúa trong nước có giá nên nông dân rất vui mừng và tăng cường sản xuất. Do đó, ở ĐBSCL, năm nay diện tích lúa vụ 3 tăng rất cao. Theo thống kê của chúng tôi, đến nay đã có hơn 400.000 ha lúa vụ 3 được xuống giống (năm 2007 chỉ 267.000 ha). Chúng tôi thấy rằng làm lúa vụ 3 đối với nông dân được lợi là tăng sản lượng, tăng thu nhập. Đồng thời, nếu nông dân sản xuất lúa vụ 3 thì sản lượng lúa của chúng ta được tăng lên, không những an ninh lương thực được đảm bảo mà xuất khẩu gạo cũng đạt. Hiện nay, ở ĐBSCL có gần nửa triệu ha làm 3 vụ lúa/năm, cung cấp sản lượng gần 2 triệu tấn lúa. Nhưng về mặt khoa học, làm lúa vụ 3 cũng có những bất lợi. Trong 1 năm chúng ta làm 3 vụ thì khoảng cách giữa các vụ rất ngắn, đây là cầu nối cho sâu bệnh phát triển, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Hơn nữa, nếu chúng ta sản xuất 3 vụ liên tục sẽ làm cạn kiệt đất, sau này khi chúng ta bón phân cho lúa chi phí sẽ nhiều hơn...

Về phía ngành nông nghiệp, chúng tôi không khuyến cáo nông dân làm lúa vụ 3. Nhưng khi nông dân đã có làm lúa vụ 3 rồi, chúng tôi cũng phải giúp cho nông dân về mặt kỹ thuật canh tác. Về mặt giải pháp: chúng tôi khuyến cáo nông dân phải có khoảng cách giữa các vụ ít nhất là 2 tuần để xử lý vấn đề sâu bệnh. Để cho lúa vụ 3 không làm ảnh hưởng đến vụ chính - đông xuân tới - nông dân nên chọn giống lúa ngắn ngày nhưng phải đạt tiêu chuẩn kháng sâu bệnh để gieo sạ; khi thu hoạch nên sử dụng máy gặt đập liên hợp trong điều kiện thiếu nhân công thu hoạch, nếu để dây dưa trong thu hoạch sẽ ảnh hưởng đến vụ sau. Lúa vụ 3 mang lại nhiều lợi nhuận cho nông dân nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Do vậy, bà con nông dân nên thường xuyên thăm đồng, ứng dụng đúng phương pháp IPM về phòng trừ sâu bệnh, sử dụng “4 đúng” trong phun thuốc. Nếu chúng ta làm tốt như vậy thì sản xuất lúa vụ 3 sẽ đạt hiệu quả cao.

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

ANH KHOA (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết