Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy
Gần nửa cuộc đời ba tôi sống bằng nghề chở nước sang cồn Sơn, cồn Ấu, cồn Linh. Ba đã gồng gánh cả gia đình đi qua những ngày tưởng đâu không thể bám trụ nổi ở thành phố nữa. Ba đã cõng tôi đi dọc bên bờ sông, lau lách mọc đầy, nói rằng: “Con thấy không, đó là sông Hậu, dòng sông cưu mang chúng ta. Sau này con có đi đâu cũng đừng quên sông Hậu”. Một vụ tai nạn giao thông đã cướp đi đôi chân khỏe mạnh của ba tôi. Ở tuổi xế chiều, chiếc xe lăn là bạn đường của ba. Xấp vé số dày cộp cùng ba tôi mưu sinh.
Một ngày ba bảo tôi sang bên kia cồn tìm chị Hai về cho ba gặp. Từ hồi má mất tới giờ, chị Hai không trở lại nhà lần nào. Tôi dạ mà bồn chồn trong lòng. Hai mươi mốt tuổi, chưa một lần tôi đặt chân lên cồn. Mảnh đất ngay giữa dòng sông Hậu, đứng bên này sông nhìn sang chỉ thấy xanh màu cây cỏ. Ngày chị tôi lấy chồng, má tôi không đưa chị sang sông mà đứng nhìn theo đoàn rước dâu. Tôi nhìn theo mà ứa cả nước mắt. Ngày người ta rước chị về cồn, có đàn sáo sậu từ đâu bay về đậu trên ngọn tre, kêu những tiếng khẽ khàng.
Má cứ nói: “Chị Hai con cãi má, bên này cũng có người thương mà nó không ưng, đi ưng cái người bên kia cồn”. Nhiều lần tôi giận chị, từ cồn sang đây cách có một quãng sông, đi một lần đò là tới, mà sao mãi chị Hai chưa chịu về thăm nhà. Má tôi muốn sang thăm nhưng ngại. Cái ngại có lẽ phần nhiều đến từ chuyện má từng không ưng chuyện chị lấy người chị chọn. Chiều nhớ chị, má tôi đứng bên bờ sông ngó về xóm cồn giữa dòng sông. Không thấy chị đâu, má tôi chỉ trông thấy cánh chim trời, sông nước mù khơi mà lòng má vỡ ra thành muôn ngàn cánh sóng…
Tuổi thơ tôi gắn bó với chị Hai. Chị không trắng trẻo như những cô gái thị thành khác, nhưng mang nét duyên của người con gái Nam Bộ xa xưa, dịu dàng, kín đáo. Chị không đi học, nhường cho tôi được ăn học tới nơi tới chốn. Tôi hay nói với chị, ra chiều chắc chắn: “Để sau này em nuôi chị Hai”.
Từ khi chị lấy chồng, tôi hay tự hỏi không biết chị có nhớ ba má và tôi hay không? Mấy lần tôi định đi đò sang thăm chị, nhưng má cản: “Chừng nào má đi con mới được đi”. Từ đó, nhớ chị, tôi đứng xa trông nhìn. Biết chừng nào sáo trở lại thăm cành tre lấp lửng sau hè?
* * *
Một ngày tôi đi học về đến đầu ngõ, bỗng nghe hàng xóm chạy ra báo tin dữ: nhà tôi cháy, má tôi lạc đâu trong đám cháy, ba tôi ngất xỉu, người ta đưa vô bệnh viện.
Tôi chạy thật nhanh về ngôi nhà nhỏ cuối con hẻm thông ra sông Hậu. Tôi trở về khi ngôi nhà tỏa khói nghi ngút, cột cháy thành tro, tôi không nhận ra đâu là những đồ vật quen thương của mình. Cả người quan trọng nhất cuộc đời tôi là má. Người ta giữ tôi lại, sợ tôi lao vào đống lửa nguy hiểm. Tôi chết lặng, chỉ ước ao giá mà chút nữa thôi má tôi trở về nhà, còn nãy giờ má đi đâu đó, sang nhà hàng xóm hoặc đi chợ, hoặc đi qua cồn tìm chị Hai. Má sẽ lại đi trên con đường mòn, đầu đội nón lá, hai tay đánh đùng xa. Má sẽ lại trách tôi cứ mê chơi bỏ bữa cơm chiều. Má sẽ lại nhắc ba đi bán vé số về trễ dữ thần, coi chừng bữa nay ôm mấy tờ, không khéo mà đổi đời cho coi.
Nhưng má tôi không về.
Hàng xóm tìm thấy má tôi trong đống lửa cháy dở. Tôi không còn khóc được nữa. Má tôi về với gió. Ngày má mất, hình như con sáo báo cho chị Hai tôi biết hay sao mà chị tôi về. Chị tôi quỳ trước quan tài của má, khóc nức nở. Chị ngất đi tỉnh lại nhiều lần, chị trách mình sang sông mà vẫn giận hờn má nên mãi không chịu về, để bây giờ có trở lại cũng không còn được gặp má. Chị ân hận, nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng. Người ta có hối hận cách mấy cũng không thể nào quay ngược thời gian, để được sưởi ấm, để được chăm sóc, để được vun vén yêu thương cho những người thân thuộc. Ngày má mất, tôi thấy con sáo trở về, đậu trên nhành cây sau nhà, gió vờn khúc Nam Ai người ta cất lên trong đám tang má, buồn thương đứt ruột.
* * *
Chị Hai trở lại cồn. Trong căn nhà mới được chính quyền trợ cấp xây dựng, ba con tôi sống những ngày không có má bên cạnh. Ba tiếp tục đi bán vé số, tôi đi học. Ngày tôi có kết quả thi đậu đại học, tôi đốt nhang khấn vái trước bàn thờ của má, cầu mong má phù hộ ba khỏe mạnh, chị Hai vượt qua được nỗi ân hận tủi hổ mà trở lại gặp ba.
Sáng hôm đó, tôi đón đò đi qua cồn tìm chị. Tôi đi qua con đường uốn cong bờ tre, con đường thẳng tắp bên ao đầm và con đường hai bên cây trái xum xuê nối từ đầu cồn đến cuối cồn. Tôi thả bộ dưới những tán cây xạc xào gió. Người bán nước ở túp lều nhỏ chỗ bến đò chỉ tôi nhà chồng chị phía cuối cồn. Tôi cứ nhắm đường mà đi.
Căn nhà được xây theo kiểu nhà Nam Bộ cổ xưa, phía trước là hàng cau còn phía sau là vườn cây xum xuê rậm rạp.
“Ầu ơ, gió đưa gió đẩy
Về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá
Về đồng ăn cua…”
Giọng ai nghe sao giống giọng chị Hai. Đúng là chị đang hát ru con. Vậy là tôi được lên chức làm cậu của một em bé rồi. Giữa gió mát và nắng trong buổi trưa đất cồn, giọng hát ru của chị làm tôi thấy mình hệt như những ngày thơ trẻ nằm trên cánh võng sau nhà có gió sông Hậu thổi vào mát rượi, chị tôi tay cầm võng đưa đều, chị hát ru tôi cũng bằng bài hát ngọt ngào, thân thương đó.
Tôi gọi chị Hai. Chị ngoái lại nhìn. Mắt chị đỏ hoe, rơm rớm. Tôi nói:
- Ba biểu em qua nói chị về nhà chơi. Về với ba, với em, thắp nhang cho má. Má không trách chị bao giờ...
Chị tôi không kìm được nước mắt, khóc thành tiếng.
Ngoài kia, sóng nước Hậu giang vẫn vỗ bờ như muôn thuở. Chúng tôi cùng trở về. Trên đò, chị tôi một tay bồng con, một tay dùng nón lá che nắng cho con. Thi thoảng, chị vươn tay lau mồ hôi trên trán của tôi. Mặc cho tôi đã lớn, tình thương của chị dành cho tôi thì chẳng bao giờ đổi thay. Chị nói:
- Chị nhớ hồi xưa má cũng dắt hai chị em mình đi đò. Má bồng em, chị ngồi trước, má cứ nhắc hoài: vịn cái be xuồng cho chắc, sóng đánh dữ lắm.
Tôi nhìn mặt nước sông quê. Bóng con đò dập dềnh trên sóng. Và đâu đó bên dòng sông, tôi bắt gặp bóng dáng má hiền lành, mỉm cười với tôi và chị Hai.