Tuổi thơ vẫn đọng thời gian tháng tư tháng năm Âm lịch, khi những trận mưa đầu mùa trút xuống thì ở những con rạch, dòng kinh quê nhà, cá chốt về đầy, bụng căng đầy trứng. Có thể câu, lưới, chài
cá chốt. Mồi nhử là mỡ heo, nghe mùi là cá chốt lên thành quầng đen cả mặt kinh. Quăng chài. Một chài thôi mà gỡ cá nửa ngày trời vì quá nhiều và vì ngạnh cá chốt đâm trúng tay nhức nhối. Bởi cá chốt thân mình dài, phần trước tròn phần sau dẹp, có hai ngạnh (gai) bên mang và vây trên lưng cũng là ngạnh.
Cho nên, mới có một cách bắt cá chốt mà nhàn nhã như ngồi chơi. Đó là nắm râu cá chốt. Nói thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được. Quê tôi chỉ có ông Mười, sống bằng nghề đặt trúm bắt lươn và nắm râu cá chốt. Ông nói với bọn tôi: Phải tập hai ngón tay và đôi mắt nhanh nhẹn chính xác, mọi động tác nhẹ nhàng êm ru kẻo cá giựt mình không lên.
Tôi mê nắm râu cá chốt, nên theo ông Mười. Đợi nước vừa chớm ròng cho dòng nước chảy yếu, ông ngồi giữa chiếc xuồng, nghiêng be xuồng cho sát mặt nước, một tay cầm miếng da chuột thui thơm lừng dạo dạo trên mặt nước nhử cá. Ông nói: Không có da chuột thui thì dùng mỡ heo cũng được. Nghe mùi mỡ, mùi thơm da chuột, cá tranh nhau lên thành một quầng lớn bằng cái nia. Khi đó, ông Mười đưa hai ngón tay sát mặt nước kẹp râu cá chốt quăng lên xuồng, có khi kẹp lần hai con. Cá chốt mê mồi giành ăn, con này trườn lên con kia, con nào ló râu lên thì bị nắm quăng lên xuồng, cứ thế tới khi nước chảy mạnh, cá tan đi thì ông Mười cũng đã đầy khoang xuồng cá.
Cá chốt ngon nhứt là vào đầu mùa mưa, cá mập ú, được chế biến thành nhiều món ăn: canh chua, kho tiêu, kho lạt, làm mắm
Tôi mê cá chốt nấu canh chua bằng cơm mẻ của mẹ tôi. Khi đi học về thấy tô canh chua nóng hổi thoáng mùi chua của cơm mẻ, mùi ngò thơm thơm, mùi ớt cay cay bên cạnh dĩa cá chốt kho tiêu, là biết bữa đó nồi cơm mẹ nấu hết sạch. Đến giờ nhắc lại, vẫn thấy thèm bữa cơm thời thơ ấu vô cùng.
Nay sông rạch bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, lại thêm môi trường nước bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc dùng trong trồng trọt, chăn nuôi, nên cá chốt mất dần và nghề nắm râu cá chốt cũng không còn mấy ai nhớ.
Nhật Hồng