20/08/2012 - 21:46

Năm học mới, nỗi lo cũ!

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa đến ngày khai trường, thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới 2012-2013 của các quận, huyện trên địa bàn thành phố cơ bản đã sẵn sàng. Nhiều công trình trường, lớp mới đưa vào sử dụng, tô điểm cho bức tranh giáo dục thành phố thêm nhiều màu sắc. Thế nhưng, một số quận, huyện trên địa bàn vẫn còn không ít nỗi lo chuyện thiếu trường, lớp và giáo viên...

Vui với trường, lớp mới

Những tiết học đầu tiên của cô trò Trường THCS Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ) trong năm học mới 2012-2013. 

Đến Trường Tiểu học (TH) Trung Thạnh 2 (huyện Cờ Đỏ) vào những ngày này, phụ huynh học sinh thấy rất vui vì khuôn viên trường ngày càng xanh-sạch-đẹp hơn, dãy phòng học, phòng chức năng còn thơm mùi vôi mới... Thầy Trần Phước Chiến, Hiệu trưởng nhà trường, khoe: “Ngoài khối nhà 1 trệt, 1 lầu (10 phòng học) vừa đưa vào sử dụng khoảng tháng 3-2012 thì 10 phòng chức năng của trường cũng vừa được nâng cấp sửa chữa vào dịp hè, kịp đưa vào sử dụng trong năm học mới. Như vậy, nhà trường có tổng cộng 16 phòng học phục vụ cho học sinh”. Trước đây, Trường TH Trung Thạnh 2 có 4 điểm lẻ, phần lớn các phòng học bán kiên cố đã xuống cấp nên ảnh hưởng đến việc dạy và học. Hiện nay, trường chỉ còn 2 điểm lẻ. Khi cơ sở vật chất hoàn thiện, trường có điều kiện mở thêm lớp 2 buổi/ ngày, từ 2 lớp lên 10 lớp, trong tổng số 18 lớp đang dạy; đồng thời, mở 2 lớp bán trú phục vụ cho học sinh khối lớp 1 tại điểm trung tâm. Theo thầy Nguyễn Phước Chiến, năm học mới này, trường “đón” 100% học sinh trên địa bàn vào học lớp 1 và 98% học sinh từ lớp 2 đến lớp 5.

Ngành giáo dục huyện Cờ Đỏ hiện có 16 trường mầm non (MN), mẫu giáo (MG), 23 trường tiểu học (TH), 7 trường THCS; trong đó có 6 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm học mới này, huyện có thêm nhiều trường được xây dựng phòng học mới khang trang, hiện đại, như: TH Thạnh Phú 3, THCS Trung Thạnh, TH Thới Đông... Trong đó, THCS Trung Thạnh vừa đưa vào sử dụng vào đầu năm 2012- kể từ khi tách THCS ra khỏi Trường THPT Trung An (trước đây, học sinh THCS và THPT học chung). Thầy Lưu Thành Danh, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Thạnh, cho biết: “Hiện nay, trường có 18 phòng học và các phòng chức năng đều được trang bị đầy đủ các thiết bị giảng dạy, đảm bảo phục vụ cho khoảng 1.500 học sinh (trong đó có hơn 450 học sinh lớp 6 mới vào trường). Học tập, giảng dạy tại cơ sở mới, chúng tôi rất phấn khởi và nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục”.

Không riêng gì huyện Cờ Đỏ, các quận, huyện khác như: Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt... đã sẵn sàng mọi mặt cho năm học mới. Nhiều công trình trường, lớp mới được đưa vào sử dụng. Chẳng hạn như, ở quận Ninh Kiều có các trường: TH An Nghiệp, TH Nguyễn Du (điểm B), TH An Bình 3, TH An Bình 4, TH Hưng Lợi... Quận Ô Môn hiện có 37 trường, trong đó có 1 trường MN mới thành lập; số trường đạt chuẩn quốc gia của quận là 10 trường. Năm học mới này, quận Ô Môn đưa vào sử dụng một số phòng học mới ở các điểm trường: MN Phước Thới, MG Trường Lạc, TH Trưng Vương, MG Long Hưng, THCS Thới Long. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng các công trình trên 67 tỉ đồng. Thầy Nguyễn Hùng Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ô Môn, cho biết: “Việc đưa vào sử dụng các điểm trường mới giúp quận có điều kiện giảng dạy tốt hơn, nhất là thực hiện hiệu quả công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi”. Theo thống kê của quận, năm học 2012-2013, ngành giáo dục quận tuyển hơn 1.900 học sinh vào lớp 1 và xét tuyển hơn 1.900 học sinh lớp 6.

Canh cánh nỗi lo thiếu giáo viên, thiếu đất xây trường

Những năm qua, tuy mạng lưới trường lớp của toàn thành phố đã có những chuyển biến đáng phấn khởi nhưng nếu nhìn tổng thể chung trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều mặt khó khăn. Một số địa phương vẫn canh cánh nỗi lo thiếu trường, lớp, thiếu đất xây dựng; một số điểm trường xuống cấp... Đơn cử như quận Ninh Kiều- nằm ở trung tâm thành phố, khó khăn nhất trong xây dựng cơ sở trường lớp của quận (nhất là xây dựng các trường chuẩn quốc gia) là vấn đề diện tích trường học. Một số điểm trường có thể khắc phục được chuyện thiếu giáo viên nhưng đất xây dựng trường thì khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Các điểm trường thiếu diện tích đất so với qui mô học sinh như: TH Lê Quý Đôn, TH Ngô Quyền...

Trung tâm thành phố đã thế, các quận, huyện ngoại thành: Cờ Đỏ, Ô Môn... càng khó khăn hơn. Ông Nguyễn Hùng Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ô Môn, cho biết: “Các trường mới đưa vào sử dụng năm học mới này, thực tế đã xây dựng cách đó vài năm. Riêng năm học vừa rồi (2011-2012), toàn quận không có thêm trường đạt chuẩn quốc gia mà chỉ có 3 trường tái công nhận đạt chuẩn. Khó khăn nhất của quận là thiếu kinh phí xây dựng trường lớp, trong khi đó các trường không thu được quỹ tăng cường cơ sở vật chất”. Hiện nay, quận Ô Môn còn 21 công trình trường học đang chờ vốn để tiến hành thi công công trình.

Một khía cạnh khác làm không ít các nhà quản lý “đau đầu” vào mỗi mùa tựu trường là đội ngũ giáo viên (một trong hai yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng GD-ĐT), ở hầu hết các quận, huyện đều thiếu, nhất là giáo viên mầm non. Như huyện Cờ Đỏ, ngoài việc thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ bản, huyện còn thiếu cả đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Mặc dù thời gian qua, ngành đã nỗ lực rất nhiều để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non. Theo thống kê của huyện Cờ Đỏ, đến cuối tháng 5-2012, toàn huyện còn thiếu khoảng 60 giáo viên mầm non. Còn theo ông Nguyễn Hùng Dũng, số giáo sinh đang đào tạo lớp mầm non trung học sư phạm 12+2 ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên đến tháng 12-2012 mới ra trường. Vì thế, tính đến đầu tháng 8-2012, quận Ô Môn còn thiếu 75 giáo viên mầm non. Ông Dũng đề xuất: “Thành phố cần quan tâm tăng cường đầu tư kinh phí, hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở vật chất cho các trường; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên để ngành giáo dục quận thực hiện hiệu quả hơn công tác giáo dục, đào tạo”.

Theo báo cáo của ngành giáo dục thành phố, giai đoạn 2008-2012, các địa phương đề nghị xây dựng 1.949 phòng học (từ MN đến THPT) và 120 nhà công vụ cho giáo viên, với tổng nhu cầu vốn đầu tư cả giai đoạn trên 352 tỉ đồng. Qua 4 năm (2008-2011), thành phố đã xây dựng 56 công trình (51 công trình đã hoàn thành), trong đó, 435 phòng học và 57 nhà công vụ giáo viên đã hoàn thành. Tổng kinh phí được phân bổ trên 178,3 tỉ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và địa phương. Tuy nhiên, theo ngành giáo dục thành phố, trên địa bàn vẫn còn một số công trình trường học cấp 4. Trong khi, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ cho thành phố còn thấp (chiếm 20%), so với các tỉnh lân cận; vốn đối ứng của ngân sách thành phố không đảm bảo khả năng cân đối để thực hiện kế hoạch đề án... Vì vậy, Trung ương cần tăng mức đầu tư cho thành phố tạo điều kiện để thành phố thực hiện hiệu quả Đề án, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết