07/01/2018 - 09:56

Nắm bắt xu thế phim khoa học giả tưởng 

Điện ảnh Trung Quốc đang bắt kịp xu hướng điện ảnh của các nhà làm phim phương Tây, nhất là thể loại khoa học giả tưởng. Không hẹn mà gặp, cả Trung Quốc lẫn Hollywood đều có hàng chục dự án phim về đề tài này ra mắt vào năm 2018.

Thể loại khoa học giả tưởng vốn là thế mạnh của Hollywood với các kỹ xảo, kỹ thuật hiện đại. Trung Quốc vốn khá e dè với đề tài này, nhất là hạn chế về kịch bản lẫn kỹ thuật. Nhưng nhiều năm hợp tác trực tiếp với các nhà sản xuất từ Hollywood đã giúp Trung Quốc học hỏi kỹ xảo làm phim hiện đại. Về kịch bản, quốc gia đến từ phương Đông đã mạnh dạn sử dụng nguồn dữ liệu phong phú đến từ các tác phẩm văn học, nhất là kể từ khi Liu Cixin- tác giả đầu tiên của Trung Quốc đoạt giải Hugo với “The Three Body Problem”- tác phẩm thuộc thể loại khoa học giả tưởng. “The Three Body Problem” cũng được chuyển thể lên màn ảnh rộng từ năm 2015, khơi nguồn cho khoảng 80 dự án phim khoa học giả tưởng triển khai vào cuối năm 2015.

Raman Hui- đạo diễn kỳ cựu của DreamWorks Animation, nổi tiếng với 2 tác phẩm “Shrek the Third”, “Monster Hunt”, đánh giá:  “Đó là xu hướng và là cơ hội để các nhà làm phim Trung Quốc làm phim mới lạ và sẽ rất hấp dẫn. Nhưng phim khoa học giả tưởng yêu cầu kỹ thuật rất cao. Đó là thách thức không hề nhỏ. Dù vậy, trong năm 2018, Trung Quốc sẽ ra mắt không dưới 10 tác phẩm thuộc đề tài khoa học giả tưởng”. Những tác phẩm gây chú ý là “The Wandering Earth”- chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Liu Cixin, “Crazy Alien”, “Realm of the Tiger”, “Shanghai Fortress”, “Star Core”, “The Girl From the Future”, “Pathfinder”…

Làn sóng làm phim khoa học giả tưởng ở Trung Quốc vừa thổi luồng gió mới nhưng cũng gây không ít e ngại, bởi thị trường Trung Quốc không chuộng thể loại này. Những phim viễn tưởng đến từ Hollywood đều có doanh thu thấp: “The Martian” chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng thu 630 triệu USD toàn cầu, “Star Wars: The Force Awakens” chỉ kiếm được 6% ở Trung Quốc trong tổng thu toàn cầu là 2,06 tỉ USD. Tuy nhiên, có thể kỳ vọng  phim khoa học giả tưởng được Trung Quốc thực hiện sẽ phù hợp với khán giả, tạo ra món ăn mới khi mà quốc gia này chỉ được biết đến ở thể loại võ thuật và cổ trang sử thi.

Điều đáng lưu ý nữa là kỹ thuật làm phim. So với Hollywood, các nhà làm phim Trung Quốc hạn chế về kỹ xảo. Điều đó đã từng xảy ra với “The Three Body Problem”- tác phẩm vốn đã quay xong nhưng chi phí hậu kỳ cho kỹ xảo lại tăng gấp đôi, cùng với đó là những khó khăn về kỹ thuật khiến dự án kéo dài đến nay vẫn chưa ấn định ngày phát hành, sau nhiều lần thay đổi ê-kíp sản xuất.

Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đã có một bước tiến khi bắt kịp xu hướng làm việc với Hollywood, nhưng để cạnh tranh, đó lại là vấn đề của tương lai.

Minh Nhiên (Theo Hollywood Reporter)

Chia sẻ bài viết