03/06/2019 - 21:13

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Năm 2020, Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề phòng, chống xâm hại trẻ em

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 3-6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.

Theo Tổng Thư ký của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trên cơ sở các kiến nghị của đại biểu, Quốc hội đề xuất 2 nội dung giám sát tối cao năm 2020. Tính đến ngày 23-3-2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn 1 trong 2 chuyên đề:

Phương án 1: Chuyên đề giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung).

Phương án 2: Chuyên đề giám sát về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).

Sau khi thảo luận, Quốc hội đã “bấm nút” chọn Chuyên đề giám sát năm 2020. Theo đó, với 79,13% ý kiến tán thành phương án 1, các đại biểu Quốc hội nhất trí tiến hành giám sát năm 2020 với Chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Cũng trong sáng 3-6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội xin ý kiến các đại biểu về 3 nội dung còn ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội thể hiện chính kiến thông qua bấm nút điện tử.

Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, có 75,83% đại biểu tán thành phương án 1, giữ nguyên như quy định hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỉ đồng và tiêu chí phân loại Nhóm A, B, C trình ra Quốc hội.

Về thẩm quyền xem xét quyết định danh mục dự án quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn, dự thảo trình 2 phương án. Phương án 1: Quốc hội quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương, trong trường hợp cần thiết, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn của các chương trình dự án đầu tư công và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất. Phương án 2, Quốc hội chỉ quyết định danh mục các dự án quan trọng quốc gia và Chính phủ quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương. Trong đó, phương án 1 là phương án mà luật hiện hành đang quy định. Biểu quyết phương án 1, chỉ có 48,35% đại biểu tán thành, vì kết quả biểu quyết chưa quá bán nên Quốc hội tiếp tục biểu quyết phương án 2. Kết quả chỉ có 42,56% đại biểu tán thành phương án 2. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục tiếp thu, giải trình để đưa ra phương án phù hợp nhất.

Về thời gian trình và thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước, 65,7% đại biểu tán thành phương án 1: Chính phủ trình Quốc hội dự thảo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới tại kỳ họp cuối năm của năm thứ 5 của nhiệm kỳ để Quốc hội cho ý kiến.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) vào sáng 13-6.

P.V (Theo TTXVN và chinhphu.vn)

Chia sẻ bài viết