26/06/2009 - 07:57

Năm 2010 vẫn tổ chức riêng 2 kỳ thi: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng

* Tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT năm 2009 là 83,8%; hệ giáo dục thường xuyên 39,6%

Tại cuộc họp báo chiều 25-6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Năm 2010, Bộ Giáo dục Đào tạo chủ trương sẽ vẫn tổ chức riêng 2 kỳ thi: thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học ,cao đẳng.

Trước đó, Bộ Giáo dục Đào tạo đã từng công bố dự định tiến tới Một Kỳ thi Quốc gia sau THPT vào năm 2010 để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 lần đầu tiên áp dụng 2 phương thức mới là “chấm chéo” và “thi theo cụm” được xem là một bước chuẩn bị quan trọng để có kết quả thi khách quan, trung thực, chính xác hơn, thể hiện quyết tâm thực hiện lộ trình đổi mới công tác thi và tuyển sinh của ngành.

Giải thích về quyết định mới này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Kết quả thi tốt nghiệp năm 2009 là một điều kiện quan trọng nhưng không phải là căn cứ duy nhất để có thể thực hiện một kỳ thi quốc gia sau THPT. Chủ trương này liên quan tới hàng triệu học sinh và gia đình nên cần có sự chuẩn bị kỹ càng của Bộ Giáo dục Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng và các địa phương cũng như sự đồng thuận của toàn xã hội. Bên cạnh đó, sắp tới toàn ngành cần nỗ lực khẩn trương tập trung triển khai Kết luận 242 của Bộ Chính trị về công tác giáo dục đào tạo: Đánh giá toàn bộ chương trình, sách giáo khoa phổ thông để có các điều chỉnh cần thiết; Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế tài chính giáo dục mới; Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2011-2020. Do vậy, Bộ không thể cùng một lúc tiến hành quá nhiều công việc lớn. Bộ quyết định năm 2010 vẫn còn 2 kỳ thi với hy vọng vừa đảm bảo tính nghiên túc trong thi cử vừa không gây xáo trộn nhiều.

* Chiều 25-6, Bộ Giáo dục Đào tạo đã công bố chính thức tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT năm 2009 là 83,8% và hệ giáo dục thường xuyên là 39,6%.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2009 cao hơn tỷ lệ đỗ lần 1 của năm 2008 là 7,8% và thấp hơn tỷ lệ đỗ cả 2 lần của năm 2008 là 2,8 %. Đơn vị có tỷ lệ đỗ cao nhất là Nam Định (98,26%); khu vực có tỷ lệ đỗ cao là Đồng bằng bắc Bộ; Đơn vị có tỷ lệ đỗ thấp nhất là Sơn La (39,07%).

* Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố kết luận chấm thẩm định sau khi 4 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (6% số đơn vị trong cả nước) đề nghị xem xét lại việc chấm bài thi tự luận của các môn Ngữ văn và Địa lý. Trong đó, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp đề nghị xem xét việc chấm môn Ngữ văn; Hậu Giang đề nghị xem xét việc chấm môn Địa lý.

Bộ đã cử các cán bộ ra đề thi và một số giáo viên có kinh nghiệm về chấm thẩm định theo xác suất khoảng từ 2% đến 5% tổng số bài thi các bộ môn tương ứng của các tỉnh Kiên Giang (do An Giang chấm), An Giang (do Vĩnh Long chấm), Đồng Tháp (do Bến Tre chấm) và Hậu Giang (do Bạc Liêu chấm) để đánh giá việc tổ chức chấm thi ở những tỉnh này.

Kết quả chấm thẩm định cho thấy: về cơ bản, quy trình chấm thi đảm bảo đúng qui chế, tuy nhiên việc vận dụng hướng dẫn chấm của giám khảo một số địa phương có phần cứng nhắc. Cụ thể, đối với bài thi môn Ngữ văn của tỉnh Đồng Tháp (do Bến Tre chấm): việc vận dụng biểu điểm ở câu 1 và câu 3 có biểu hiện “chặt”. Trong số 229 bài chấm thẩm định có 36 bài (15,71%) có biểu hiện chấm chặt. Bài thi môn Ngữ văn của tỉnh Kiên Giang (do An Giang chấm): việc vận dụng biểu điểm của giám khảo ở câu 1 và câu 3 không thật đồng đều; trong số 216 bài chấm thẩm định, có 31 bài (14,38%) có biểu hiện chấm chặt và 1 bài (0,46%) có biểu hiện chấm lỏng. Đối với bài thi môn Ngữ văn của tỉnh An Giang (do Vĩnh Long chấm): các giám khảo đã chấm chính xác, vận dụng đúng biểu điểm; trong số 217 bài chấm thẩm định chỉ có 11 bài (5,07%) có biểu hiện chấm chặt. Bài thi môn Địa lý của tỉnh Hậu Giang (do Bạc Liêu chấm): các giám khảo đã chấm chính xác, vận dụng đúng biểu điểm; trong số 225 bài chấm thẩm định chỉ có: 02 bài (0,8%) có biểu hiện chấm chặt, 02 bài (0,8%) có biểu hiện chấm lỏng.

HOÀNG HOA – PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết